Tối ưu lợi ích cổ đông

Những ngày qua, nổi lên câu chuyện về một doanh nghiệp thuộc tốp đầu trong ngành xây dựng mâu thuẫn nội bộ và có nguy cơ thâu tóm. Nếu nhìn lại những cuộc thâu tóm trong ngành xây dựng trên sàn chứng khoán, sẽ thấy có một điểm chung đáng chú ý, đó chính là sự mâu thuẫn lợi ích.
0:00 / 0:00
0:00

Có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp trở thành mục tiêu thâu tóm, chẳng hạn như tên tuổi, vị thế lớn, khối lượng tài sản có giá trị… nhưng thực tế thì không dễ châm ngòi cho một cuộc thâu tóm. Nếu ban lãnh đạo doanh nghiệp tập trung tối ưu hóa lợi ích cho cổ đông, giữa các nhóm cổ đông lớn, nhỏ vẫn giữ được sự đồng thuận và ủng hộ ban lãnh đạo doanh nghiệp, thì khả năng thâu tóm là rất thấp. Lý do đơn giản là vì bên thâu tóm sẽ phải trả những cái giá quá đắt, không chỉ là tài chính, mà còn là chi phí cơ hội, chi phí rủi ro để phá vỡ thế gắn kết của doanh nghiệp rồi tiến đến sở hữu, mà như vậy thì hiệu quả đầu tư sẽ bị giảm xuống thấp. Chỉ khi mâu thuẫn lợi ích xuất hiện, cơ hội thâu tóm mới dễ xảy ra.

Nguy cơ bị thâu tóm không hẳn đến từ “bên ngoài” mà có thể xuất hiện ngay bên trong, nghĩa là có những cổ đông lớn, trước đây không tham gia sâu trong công tác điều hành, duy trì sự ủng hộ Chủ tịch hội đồng quản trị hoặc ban giám đốc, nhưng nay vì một lý do nào đó, muốn tạo ra ảnh hưởng lớn hơn và tham gia sâu hơn trong điều hành, xây dựng chiến lược. Như vậy, nếu doanh nghiệp nào để xảy ra mâu thuẫn nơi thượng tầng, trong hội đồng quản trị, hoặc giữa các cổ đông lớn với nhau, doanh nghiệp đó rất dễ rơi vào vòng xoáy thâu tóm. Và từ các cuộc thâu tóm bên trong, nếu các bên cần thêm nguồn lực, thì có thể lại xuất hiện những nguồn lực mới, những “tay chơi” mới.

Mâu thuẫn về mặt lợi ích trong doanh nghiệp có nhiều nguyên nhân, nhưng phổ biến nhất vẫn là sự phân chia không đồng đều giữa các nhóm cổ đông. Đi sâu hơn nữa, sự không đồng đều này có thể bắt nguồn từ ảnh hưởng của vài cá nhân, nhóm cổ đông lấn át số còn lại, dù rằng tỷ lệ sở hữu chưa hẳn đã mang tính áp đảo và đây chính là nguồn cơn rất dễ để diễn ra các hoạt động thâu tóm. Thực tế, vẫn có những doanh nghiệp mà những vị trí như Chủ tịch hội đồng quản trị, dù tỷ lệ sở hữu không quá lấn át, nhưng vẫn khó thâu tóm. Lý do là vì, đây là những cá nhân nắm giữ quy trình vận hành, điều hành của doanh nghiệp, và kịch bản ở đây là bên thâu tóm có giữ tỷ lệ sở hữu lấn át và chiếm luôn cả quyền điều hành, thì cũng chưa chắc đã thành công.

Ở một khía cạnh khác, nếu cổ đông lớn có tỷ lệ sở hữu áp đảo, vẫn có thể khiến cho nội bộ doanh nghiệp mâu thuẫn, gây các thiệt hại cho cổ đông nhỏ lẻ. Thực tế, trên thị trường đã có những doanh nghiệp được nhận định như vậy và kết cục là các quỹ đầu tư không ngó đến, nhà đầu tư cá nhân làm ngơ và nhóm cổ đông lớn kia chỉ “tự chơi” với mình. Nguy cơ thâu tóm không có, nhưng khả năng huy động vốn từ công chúng cũng để ngỏ.

Nói tóm lại, nguy cơ thâu tóm khi doanh nghiệp lên sàn dù ở mức độ nào, vẫn luôn hiện hữu và lãnh đạo doanh nghiệp, các cổ đông sáng lập hay cổ đông lớn, sẽ phải tự xác định để có những hàng rào bảo vệ, mà hữu hiệu nhất vẫn luôn là lối hành xử đàng hoàng, tối ưu hóa lợi ích cho cổ đông.