Những con bột đặc biệt
Lân ly quy phụng, mâm ngũ quả xưa, hình ảnh các liền anh, liền chị đang hát quan họ, hình ảnh các con vật trong tích xưa hay nhân vật trong tác phẩm văn học… được tạo nên từ bột nếp pha mầu khiến nhiều khách đến Chợ quê giữa phố vừa ngạc nhiên vừa thích thú. “Lần đầu mình thấy những hình tò he đẹp và ấn tượng như thế này. Con trai mình thích lắm, cứ ngắm nghía rồi tấm tắc khen”, chị Trần Quỳnh Nga, một người dân tại quận 2 chia sẻ.
Không riêng gì mẹ con chị Nga mà các bậc phụ huynh tham gia buổi hướng dẫn nặn tò he đầu tiên của nghệ nhân Đặng Văn Hậu (Hà Nội) tại TP Hồ Chí Minh đều mê mẩn những con giống bột sống động do anh giới thiệu. Trên chiếc bàn tre đặt giữa chợ quê, anh Hậu trưng bày rất nhiều con giống bột thuộc nhiều trường phái từ cổ điển đến hiện đại. Vẻ đẹp tinh tế, nét uốn lượn mềm mại, sự độc đáo của những con giống đang đứng trước nguy cơ thất truyền khiến nhiều người trầm trồ. Bên cạnh con giống cổ mang trên mình nhiều điển tích, anh Hậu còn giới thiệu đến mọi người những sản phẩm tò he chế tác từ các nhân vật trong phim hoạt hình nổi tiếng hiện nay. Mặc chiếc áo dài xanh, tay thoăn thoắt nhào bột, pha mầu, nghệ nhận Đặng Văn Hậu hướng dẫn các mẹ, các bé từng công đoạn tạo nên một con giống bột theo ý mình và không quên giới thiệu về nghệ thuật tạo hình cổ từng rất được yêu thích này. Nghệ nhân 35 tuổi đến từ làng nghề tò he Xuân La, Phú Xuyên (Hà Nội) dành nhiều thời gian để trả lời những thắc mắc của người xem liên quan đến nguồn gốc, ý nghĩa của các dòng tò he. Anh Hậu cho biết rất bất ngờ vì không nghĩ tại thành phố hiện đại này lại có nhiều người quan tâm, yêu thích tò he đến vậy: “Lần đầu vào TP Hồ Chí Minh và tổ chức buổi hướng dẫn này, tôi vui vì mọi người rất quan tâm nét đẹp văn hóa cổ Việt Nam. Đây là bản sắc đẹp của dân tộc mình nên tôi luôn muốn chung tay gìn giữ bởi nhiều làng nghề đang dần mai một”.
Giữ gìn văn hóa từ điều giản đơn
Không hàn lâm, xa vời, những gì mà nghệ nhân Đặng Văn Hậu cùng các thành viên trong Hội quán các bà mẹ đem đến cho người tham gia thông qua chương trình gặp gỡ lần này là tình yêu với tò he, một loại hình nghệ thuật dân gian đang đứng trước nguy cơ mai một trong cuộc sống hiện đại. Một hoạt động phi lợi nhuận đầy ắp tiếng cười trẻ thơ và những ánh mắt rạng ngời niềm vui của các ông bố, bà mẹ. “Giữa muôn vàn sân chơi giải trí cuối tuần hấp dẫn, hiện đại, mọi người chọn đến với tụi mình, cùng ngồi nhào nặn tò he, nghe chuyện xưa đã là thành công. Nhìn các con say mê làm theo hướng dẫn rồi quay qua khoe với ba mẹ thành quả, tụi mình vui lắm. Trong điều kiện hiện nay, việc cho trẻ sống chậm lại, tìm hiểu nhiều về văn hóa dân tộc là điều đáng quý”, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ vui vẻ nói.
Vừa đến Chợ quê giữa phố và bắt gặp những con tò he đầy mầu sắc, mắt nghệ nhân bảo tồn hát ru Cao Minh Hiền đỏ hoe. Bà nhớ tuổi thơ, nhớ những người bạn mấy mươi năm trước cùng nhào bột, pha mầu nặn tò he cùng mình. Bà kể: “Ngày đó chúng tôi nặn thô lắm chứ không tinh xảo và đẹp như các bạn trẻ bây giờ. Chủ đề cũng đơn giản như mùa xuân thì nặn bánh chưng, mùa hè nặn con cá, mùa thu nặn hoa cúc còn mùa đông nặn em bé mặc đồ ấm, choàng khăn. Tạo hình không đẹp, mầu sắc cũng đơn giản nhưng không hiểu sao chơi suốt ngày không chán. Mấy chục năm rồi giờ thấy lại vẫn xúc động”.
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu cho biết, sau lần giao lưu đầy ấn tượng này, thời gian tới anh sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động giới thiệu, hướng dẫn làm tò he tại khu vực phía nam. Anh nói, đây là cách một người yêu tò he như mình phải làm để bảo tồn nghề truyền thống của cha ông giữa đa dạng thú vui công nghệ hiện nay. Bởi khi hiểu rõ về văn hóa dân gian, người trẻ sẽ tự nguyện tìm hướng giữ gìn và phát triển. Khi đó tò he sẽ khoác chiếc áo mới vừa truyền thống vừa hiện đại rồi tự định hình cho mình chỗ đứng trong rất nhiều loại hình nghệ thuật khác.