Nguy cơ “chìm” hẳn 5-10 năm nữa!
Chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ), từ hơn 100 năm qua vốn nức tiếng nhất miền sông nước Tây Nam Bộ. Chợ nằm trên trục đường thủy sông Cần Thơ-kênh Xáng Xà No nên rất thuận tiện cho việc giao thương, buôn bán với các tỉnh, thành phố lân cận và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nếu như trước đây, khu vực chợ nổi Cái Răng chủ yếu kinh doanh lúa gạo, tạp hóa… thì ngày nay, nét độc đáo của chợ nổi này là chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của Cần Thơ, Hậu Giang và các tỉnh lân cận thuộc đồng bằng sông Cửu Long như cam, quýt, bưởi, xoài, khóm, chôm chôm, nhãn…, tùy vào mùa vụ mà các loại nông sản có nhiều hoặc ít. Vào dịp Tết, tại chợ nổi, có nhiều ghe chở đầy hoa, đủ mầu sắc. Ngoài ra, đây cũng là nơi rao bán các loại hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân thương hồ, từ các loại hàng tạp hóa đến các dịch vụ như: sửa máy, mua bán xăng dầu, các loại thức ăn, phục vụ cho người mua lẫn người bán và du khách. Tạp chí du lịch Rough Guide của Anh từng bình chọn chợ nổi Cái Răng là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới bởi “rực rỡ sắc mầu nhiệt đới”.
Nhưng đáng buồn thay, biểu tượng ấn tượng nhất của du lịch xứ Cửu Long giang này lại đang “chìm” dần và có nguy cơ “chìm” hẳn trong khoảng 5-10 năm nữa, theo dự báo đáng trăn trở của ông Nhâm Hùng, chuyên gia nghiên cứu văn hóa đồng bằng sông Cửu Long nói chung và chợ nổi Cái Răng nói riêng, tại hội thảo về đề án 5 năm bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng, ngày 9/9 vừa qua, tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ.
Cần Thơ vẫn chưa tìm được lối ra trong việc bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng, dù riêng năm qua đã tổ chức đến năm hội thảo cấp thành phố và cấp quận! Thương hồ bỏ chợ nổi ngày càng nhiều mà ngành du lịch vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu giữ chân họ lại. Số lượng ghe, tàu ở chợ nổi chỉ từ 250-300 ghe, tàu so 500-600 ghe tàu vài chục năm trước; nay, thương lái đến tận nhà vườn thu mua nông sản nên ít nông dân đưa nông sản ra chợ nổi Cái Răng bán như trước; nhiều người đã bỏ ghe để lên bờ mưu sinh… Và nếu không còn ghe, thì chợ nổi Cái Răng sẽ… chìm!
Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ |
Can thiệp cơ học và sự thờ ơ…
Nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất theo ông Nhâm Hùng, là việc xây bờ kè sông Cần Thơ, đang diễn ra, quá cao trong khi chợ nổi Cái Răng rất thấp bên dưới, vô tình cản chân các nhà buôn và khách, cắt đứt mối quan hệ qua lại hữu cơ giữa khách thương hồ và người mua. Hệ quả là khoảng bảy nhà vựa (cung cấp hàng số lượng lớn) quanh bờ chợ nổi Cái Răng đã bỏ đi nơi khác, dẫn tới thiếu nguồn cung cấp hàng hóa cho các thuyền buôn ở chợ nổi Cái Răng. Được biết mỗi vựa lớn có thể mua bán, trao đổi khoảng 100 tấn hàng hóa mỗi ngày. Trao đổi với chúng tôi ngày 10/9, một chủ vựa cho biết, những vựa còn lại đang tính chuyện ra đi để sinh nhai bằng cách khác. Một khi nhà vựa không còn, các thuyền buôn trở nên “teo tóp” dần khi không còn nơi lấy hàng nhanh chóng, thuận tiện là điều tất nhiên! Trước đây, nhà vựa như những nhà sàn ở mép sông, cung cấp, trao đổi hàng hết sức thuận tiện. Giờ, cảnh này không còn khi phải nhường chỗ cho xây bờ kè. Hơn nữa, bây giờ, người ta hướng đến mua hàng tận gốc để hưởng ưu đãi về giá cả, làm giảm rất nhiều khách mua hàng ở chợ nổi.
Lại nữa, thời gian qua, những hiện tượng hoành hành từ từ “nhấn” chợ nổi Cái Răng “chìm dần” là nạn ép giá, nói thách, kê giá cả cao gấp nhiều lần… Văn hóa chợ nổi bao đời đang xuống cấp, chưa có giải pháp của giới chức năng khả dĩ có thể ngăn lại được… Anh Trần Đình Vinh, một du khách từ Nghệ An, ngán ngẩm nói với tôi: “Chợ nổi Cái Răng giờ đã biến chất so hàng chục năm trước. Nhiều người đang làm xấu đi hình ảnh của chợ nổi bằng lối sinh hoạt đáng trách của những cái chợ ồn ào, hỗn loạn trên bờ”.
Trước đây, chợ nổi Cái Răng sầm uất, trên bến dưới thuyền, giờ thì heo hút quá. Hơn nữa, thời gian qua, giao thông đường thủy giảm mạnh, giao thông đường bộ thuận lợi hơn về nhiều mặt, cũng ảnh hưởng không thuận lợi đến chợ nổi. Mặt khác, theo các chuyên gia dự hội thảo vừa qua, chợ nổi Cái Răng chủ yếu mua bán, trong khi để thu hút và giữ chân du khách, rất cần một chợ nổi ưu tiên phục vụ du lịch. Để điều này thành hiện thực, rất cần một lộ trình chuyển đổi, giải pháp đúng đắn, hợp lý, cụ thể…
Thực tế, sự phối hợp giữa quận Cái Răng và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ về bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng, thời gian qua, thiếu nhịp nhàng, thiếu đồng bộ, còn mạnh ai nấy làm. Mặt khác, vai trò quyết định của UBND Cần Thơ vẫn chưa được phát huy cụ thể, thiết thực. Tại hội thảo vừa qua, sự vắng mặt của đại diện UBND Cần Thơ và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng lần nữa cho thấy thiếu sự quan tâm sát sao tới di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hấp dẫn này.