Tiếp nối nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học

Trung tâm Đa dạng sinh học của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa tổ chức lễ trao giải thưởng “Người hùng đa dạng sinh học ASEAN” năm 2022 cho chín cá nhân. Giải thưởng vinh danh những người đã có đóng góp tích cực để bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Những người hùng đa dạng sinh học ASEAN năm 2022. Ảnh: ASEAN.ORG
Những người hùng đa dạng sinh học ASEAN năm 2022. Ảnh: ASEAN.ORG

Những cá nhân nhận được giải thưởng năm nay gồm bà Liaw Lin Ji, nhà sáng lập Hiệp hội Đa dạng sinh học và lịch sử tự nhiên (BruWILD), kiêm Giám đốc Công ty Tư vấn nước sạch và môi trường DHI (Brunei); ông Chak Sokhavicheaboth, Phó Cục trưởng Đa dạng sinh học thuộc Bộ Môi trường Cambodia; TS Anhar Lubis, điều phối viên Nhóm cứu hộ động vật hoang dã và bác sĩ thú y Leuser thuộc Diễn đàn bảo tồn Leuser (Indonesia); ông Khamphay Xayyalad, Giám đốc Khu bảo tồn nai cà tông (Lào); ông Ibrahim Bin Komoo, GS danh dự Trường đại học Kebangsaan (Malaysia); ông Nay Win Swe thuộc Khu bảo tồn động vật hoang dã hồ Inlay (Myanmar); Thượng nghị sĩ Loren Legarda, Chủ tịch Thượng viện lâm thời Philippines; ông Chou Loke Ming, GS danh dự thuộc khoa Khoa học sinh học, Trường đại học Quốc gia Singapore; bà Suchana Chavanich, GS tại Trường đại học Chulalongkorn (Thailand).

Hãng tin Rappler dẫn lời bà Loren Legarda cho biết: “Thật vinh dự khi được công nhận là một trong những Người hùng đa dạng sinh học ASEAN năm nay. Tôi mong rằng những hành động của mình có thể tác động không chỉ ở Philippines mà còn ở toàn bộ khu vực ASEAN và trên thế giới”. Trong vai trò là nghị sĩ, bà Legarda đã tham gia ban soạn thảo luật môi trường và từng là chủ tịch của tiểu ban về Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu ở Thượng viện Philippines. Bà cũng là ủy viên Ủy ban toàn cầu về thích ứng và là đại sứ của Diễn đàn dễ bị tổn thương do khí hậu (CVF).

Lễ trao giải đã diễn ra tại Bogor (Indonesia) hôm 2/11, nằm trong khuôn khổ của Hội nghị các công viên di sản ASEAN lần thứ bảy do Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) và Tổng cục Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia phối hợp tổ chức. TS Theresa Mundita Lim, Giám đốc điều hành của ACB, đã ca ngợi những đóng góp đầy ý nghĩa của những Người hùng đa dạng sinh học ASEAN trong cuộc chiến bảo tồn đa dạng sinh học cũng như chống biến đổi khí hậu.

“Công việc của những Người hùng đa dạng sinh học là lời nhắc nhở và truyền cảm hứng để mỗi người nhận thấy vai trò của mình trong việc bảo vệ đa dạng sinh học cho tương lai. Chúng ta nhận thấy những hành động, dù lớn hay nhỏ, đều là những đóng góp quan trọng cho một tương lai bền vững đối với cả con người và thiên nhiên”, bà Theresa Mundita Lim chia sẻ. Bà cũng kêu gọi mỗi đại biểu tham dự sự kiện sẽ triển khai thực hiện các hành động cụ thể, cũng như nâng cao kiến thức, kỹ năng về môi trường và xây dựng khả năng phục hồi cho hệ sinh thái ở nơi mình sinh sống.

Ra mắt lần đầu vào năm 2017, giải thưởng đã được Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ một phần thông qua Dự án bảo tồn và quản lý đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn ở ASEAN. Theo ông Thibaut Portevin, Trưởng ban Hợp tác thuộc Phái đoàn EU tại ASEAN: “Giải thưởng Người hùng đa dạng sinh học ASEAN là sự công nhận dành cho những cá nhân đam mê và đầy nghị lực đã tham gia bảo tồn ở khu vực ASEAN, những người đã có đóng góp quan trọng cho sự đa dạng sinh học. Tôi hy vọng rằng các bạn sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho những người khác để bảo vệ môi trường sinh thái phong phú của khu vực”.

Đây là lần thứ hai giải thưởng Người hùng đa dạng sinh học ASEAN được công bố, nhằm nâng cao nhận thức và mối quan tâm đến các vấn đề môi trường cũng như cảnh báo các thách thức gây tổn thất đa dạng sinh học; đồng thời vinh danh những hành động và các sáng kiến cụ thể​ để thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực.

Năm 2017, GS, TS Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) là một trong số những Người hùng đa dạng sinh học ASEAN được vinh danh lần đầu. Những người đoạt giải được lựa chọn dựa trên đóng góp của họ cho các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học và tác động của những đóng góp này đối với các quốc gia và khu vực, cùng tiêu chí về khả năng nhân rộng hành động và sự ghi nhận ở nơi sinh sống. Mỗi giải bao gồm 5.000 euro tiền mặt để hỗ trợ tăng cường những hoạt động đầy ý nghĩa này.