Tiềm năng của web 3.0

“Web 3.0” đang là từ khóa được giới yêu công nghệ trên thế giới đặc biệt quan tâm. Nhiều chuyên gia kỳ vọng web 3.0 sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho internet, nhưng lại có ý kiến cho rằng còn quá sớm để bàn về một bước nhảy vọt của công nghệ.

Tim Berner-Lee là người đầu tiên đề cập khái niệm Web 3.0. Ảnh: WIKIPEDIA
Tim Berner-Lee là người đầu tiên đề cập khái niệm Web 3.0. Ảnh: WIKIPEDIA

Kỳ vọng về internet thế hệ mới

Thế hệ thứ ba của web (website) thường được gọi là web3 hay web 3.0, được nhiều nhà nghiên cứu công nghệ coi là bước phát triển tiếp nối cho web 1.0 và web 2.0, đem tới những cải tiến nhằm giải quyết các hạn chế của thế hệ web trước đó. Theo CNBC, mặc dù còn là một khái niệm mơ hồ, nhưng web 3.0 vẫn được những người đề xuất ca ngợi như một phiên bản phi tập trung của internet, dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain), công nghệ đằng sau nhiều loại tiền điện tử và mã thông báo không thể thay thế (NFT). Nhiều nhà đầu tư trên khắp thế giới đang cố gắng thiết kế và xây dựng công nghệ cũng như các giao thức hỗ trợ web 3.0.

Web 1.0 được xem là thế hệ đầu tiên của web, xuất hiện vào những năm 1990 khi internet mới ra đời. Web 1.0 không có các thuật toán giúp sàng lọc thông tin, do đó người dùng internet khi đó gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin. Các trang web 1.0 đơn thuần là nơi cung cấp thông tin mà người dùng chỉ có thể tiếp nhận một chiều và không thể tương tác với những nội dung do web cung cấp. 

Nhà thiết kế web Dacrcy DiNucci là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ web 2.0 vào năm 1999, để mô tả về thế hệ web mà người dùng có thể tương tác với các dữ liệu. YouTube, Facebook, Twitter, Wikipedia… là các đại diện tiêu biểu cho thế hệ web 2.0. Ngày nay, người dùng internet có thể tạo tài khoản trên các nền tảng, đưa ra bình luận, phản hồi về thông tin trên web. Hơn thế, thay vì chỉ tiếp nhận thông tin thụ động như ở web 1.0, với web 2.0, người dùng internet có thể dễ dàng trở thành những người sản xuất nội dung và chia sẻ nội dung đó một cách công khai.

Với sự xuất hiện của web 2.0, thế giới trở nên “phẳng” hơn. Người dân trên thế giới có thể tương tác xuyên biên giới. Theo Forbes, chính sự mở rộng khả năng tương tác của người dùng đã biến internet thành kho dữ liệu khổng lồ và bị chi phối bởi các nền tảng tập trung như Google, Meta (Facebook), Amazon… Mặt trái của web 2.0 là việc các công ty công nghệ nắm giữ thông tin cá nhân của người dùng và thậm chí khai thác những thông tin đó khi chưa có sự đồng ý. Thêm vào đó, các ông lớn công nghệ có quyền xóa nội dung, thậm chí khóa tài khoản của người sử dụng.

Web 3.0 được Tim Berner-Lee, nhà phát minh của World Wide Web (www), đề cập lần đầu bằng tên gọi semantic web (mạng ngữ nghĩa) vào năm 1999. Theo cha đẻ của internet Berner-Lee, web 3.0 xuất hiện khi máy tính đủ khả năng xử lý tất cả các dữ liệu, đem tới sự tương tác tự động giữa con người với các hệ thống và thiết bị. Trong một bài báo khoa học đăng trên tạp chí Scientific American năm 2001, Berner-Lee cùng nhiều học giả đã mô tả về một thế hệ internet tự chủ, thông minh và cởi mở. Từ đó, khái niệm semantic web hay web 3.0 được biết đến nhiều hơn.

Theo CNN, web 3.0 cho phép tạo ra nội dung và phân phối nội dung một cách phù hợp nhất trong từng hoàn cảnh cụ thể tới người dùng internet. Các trang web sẽ xử lý thông tin một cách thông minh gần giống con người, thông qua các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (ML), dữ liệu lớn (big data), công nghệ sổ cái phi tập trung (blockchain)… 

Web 3.0 được những người ủng hộ kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề của web 2.0, nhất là quyền sở hữu thông tin. Với việc các web 3.0 được xây dựng dựa trên công nghệ sổ cái phi tập trung, người dùng sẽ nắm toàn quyền quyết định số phận thông tin của bản thân, mà không phải là các tập đoàn sở hữu các nền tảng công nghệ như ở web 2.0.

Web 2.0 đem tới bước tiến mới về khả năng sáng tạo và chia sẻ thông tin của người sử dụng. Với web 3.0, người dùng có thể truy cập thông tin dễ dàng hơn nữa, với sự ra đời của một loạt thiết bị thông minh thế hệ mới nhờ công nghệ internet vạn vật và khi đó, không gian mạng không chỉ còn bó hẹp chủ yếu trong máy tính hoặc điện thoại thông minh như ở web 2.0.

Trang thống kê tiền mã hóa Coinmarketcap còn cho rằng, khi web 3.0 xuất hiện, internet sẽ tích hợp nhiều hơn trong cuộc sống hằng ngày và các thiết bị thông minh sẽ thay đổi mô hình hành vi của người dùng. Các máy móc ngoại tuyến thông thường ngày nay từ thiết bị gia dụng như lò nướng, máy hút bụi, tủ lạnh… đến các phương tiện giao thông đều trở thành một phần của nền kinh tế internet vạn vật, thúc đẩy các lĩnh vực kỹ thuật số mới như blockchain, tài sản kỹ thuật số để cung cấp vô số “phép mầu” công nghệ trong thế kỷ 21.

Tiềm năng của web 3.0 -0
Web3.0 được cho là sẽ tăng sự tương tác giữa con người và internet. Ảnh: GETTY 

Vẫn còn những nghi ngại 

Các ông lớn công nghệ như Google, Amazon, Apple, Meta (Facebook)… đều có những bước xây dựng hoặc chuyển đổi sản phẩm thành các ứng dụng của thế hệ internet thứ ba. Trợ lý với trí tuệ nhân tạo được điều khiển bằng giọng nói Siri của Apple, Alexa của Amazon, hay Bixby của Samsung… ngày càng trở nên thông minh hơn để hoàn thành các câu lệnh phức tạp và cá nhân hóa thông tin hơn nữa.

Tuy nhiên, phần lớn công nghệ phi tập trung ở web 3.0 được cho là chưa thân thiện với hầu hết người sử dụng. So với người cao tuổi, người ít tiếp xúc công nghệ mới, thì giới trẻ có khả năng nhạy bén và tương tác dễ dàng hơn với web 3.0. Trong khi đó, chính việc đề cao quyền quyết định số phận của thông tin cá nhân khiến không gian mạng có thể sẽ bị quá tải bởi lượng “dữ liệu rác” khổng lồ. Các công nghệ đã có hiện nay chưa đủ khả năng mở rộng để chứa một lượng dữ liệu đầu vào ở quy mô như vậy. 

Giới tỷ phú công nghệ có phản ứng trái chiều về web 3.0. Ông chủ của Meta (Facebook) Mark Zuckerberg bày tỏ ủng hộ xu hướng web 3.0, cho rằng web 3.0 kết hợp với metaverse (vũ trụ ảo), hướng đi mà Meta đang tập trung phát triển, sẽ là thế hệ tiếp theo của internet. Trong khi đó, Elon Musk - tỷ phú giàu nhất thế giới, Giám đốc điều hành Tesla, lại bày tỏ nghi ngờ về sự tồn tại của web 3.0 ở thời điểm hiện tại. Nhà đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey ám chỉ rằng những người tiên phong ủng hộ web 3.0 chính là nhóm các quỹ đầu tư mạo hiểm cùng các đối tác. Cựu Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Twitter nhấn mạnh rằng, web 3.0 khó có thể thoát khỏi sự kiểm soát của một nhóm người nhất định và kỳ vọng internet trở nên phi tập trung là khó xảy ra.

Forbes cũng cho rằng, semantic web khó trở thành hiện thực, mà nguyên nhân chính là công nghệ trí tuệ nhân tạo chưa thể bứt phá trong khả năng liên kết các khái niệm với ngữ cảnh. Bằng chứng là tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia IBM đã dành nhiều thời gian và tiền bạc để cải tiến công nghệ của siêu máy tính, nhưng vẫn không đạt được kết quả mong muốn. 

Theo GS công nghệ James Grimmelmann tại Đại học Cornel (Mỹ), web 3.0 chỉ là sản phẩm trên giấy, được “vẽ” ra bởi giới đầu tư tiền mã hóa, vốn là một trong những ứng dụng phổ biến nhất hiện nay của công nghệ blockchain. Các tác giả đứng sau những dự án metaverse và tiền mã hóa, loại tiền được thúc đẩy để sử dụng vào việc mua bán vật phẩm và tương tác trong các thế giới ảo, chính là người tiên phong ủng hộ web 3.0.