Tiệm giặt hạnh phúc

Giữa Thủ đô nhộn nhịp, ồn ã; trong khoảng thời gian dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng cuộc sống thường ngày, vẫn có một cơ sở kinh doanh giặt là mới ra mắt, bình lặng nhưng rộn ràng bước chân hoạt động của những người điếc/khiếm thính. 

Trao đổi với khách hàng về yêu cầu giặt là thông qua ký hiệu.
Trao đổi với khách hàng về yêu cầu giặt là thông qua ký hiệu.

Hạnh phúc nhờ khách hàng

Nằm trên đường bờ sông Sét (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai), thoạt nhìn bên ngoài có một tiệm giặt không khác bình thường. Thế nhưng, khách hàng đến đây chẳng được nghe những lời chào đón thường thấy mà thay vào đó là những nụ cười rạng rỡ cùng cử chỉ thân thiện. Lý do là bởi ba nhân viên của tiệm đều là người điếc/khiếm thính. Họ giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu hoặc hướng dẫn khách hàng nhìn vào bảng chữ (bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh) đã được liệt kê sẵn như: “Xin chào! Em/cháu là người điếc”; “Vui lòng cho em/cháu xin họ tên và số điện thoại của quý khách ạ” để đưa ra các đề nghị công việc. Với mong muốn khắc phục khó khăn trong giao tiếp, các cô gái trẻ Lương Thị Kiều Thúy (30 tuổi), Phạm Thị Thúy (31 tuổi) và Lê Thu Ngân (18 tuổi) còn có thể giải đáp thắc mắc của khách hàng qua thiết bị điện tử, mạng xã hội.

Lương Thị Kiều Thúy (Lương Thúy) là quản lý tiệm giặt đặc biệt này và là một người khiếm thính (bị mất thính lực 15 năm trước). Lương Thúy may mắn khi có thể hiểu được phần nào giọng nói của người khác thông qua máy trợ thính. Trong khi đó, Phạm Thị Thúy (Phạm Thúy) và Lê Thu Ngân đều là người điếc, không thể nghe và nói. Họ truyền tải công việc hằng ngày với nhau qua ngôn ngữ ký hiệu một cách thuần thục. Thu Ngân kể: “Em được hai chị dạy thêm cả những từ vựng trong đời sống mà trước giờ, nếu không đi làm thì em không thể hiểu và diễn đạt rõ ràng qua ngôn ngữ ký hiệu”. “Em út” Thu Ngân từ bé đến lớn chỉ ở nhà phụ việc gia đình, trở thành nhân viên tiệm giặt là lần đầu cô gái trẻ này rời khỏi vòng tay bố mẹ để bắt đầu hành trình mới của riêng mình.

“Chị cả” Phạm Thúy lại vốn là một nhân viên văn phòng có thâm niên tám năm với mức lương khoảng bốn đến bảy triệu đồng/tháng, nhưng đã quyết định bỏ dở để bắt đầu theo đuổi một công việc “chân tay” gian nan, nhưng bù lại, do chính những người điếc/khiếm thính tự làm chủ. Lương Thúy kể: “Ý tưởng khởi nghiệp giặt là được nhen nhóm vào năm 2019 khi tôi đang làm dự án Nghiên cứu về tình trạng việc làm của người điếc tại Hà Nội. Lúc này, tôi có gặp gỡ chị Phạm Thúy, khi đó là nhân vật phỏng vấn trong nghiên cứu của tôi và chia sẻ với chị ấy về ý tưởng này. Kết thúc nghiên cứu, tôi cùng chị thảo luận với nhau và lên ý tưởng về tiệm giặt là của người điếc”. Sau hơn một năm chuẩn bị kỹ lưỡng về mạng lưới, kiến thức; Lương Thúy quyết định cùng Phạm Thúy tìm nhà đầu tư và tuyển thêm người điếc làm cùng là Thu Ngân. Việc chọn địa điểm, các vấn đề liên quan người điếc như tuyển chọn, phỏng vấn do Phạm Thúy đảm nhận; Lương Thúy quản lý, đào tạo, hướng dẫn, thậm chí... còn là người đi chuyển hàng. “Chúng tôi chia sẻ từng phần việc, hỗ trợ nhau để đạt hiệu quả cao nhất. Khởi đầu có nhiều khó khăn nhưng với mức lương cố định bốn triệu đồng/tháng, hy vọng tiệm giặt là sẽ phát triển và tăng mức lương thưởng”, Lương Thúy cho biết.
 
Vì đây là tiệm giặt là đầu tiên của người điếc/khiếm thính cho nên đã có nhiều người khuyết tật đến ủng hộ. Lương Thúy kể: “Những ngày đầu mới mở có cả người khiếm thị đến thuê giặt. Nhưng với chúng tôi thì khách hàng dù là người nghe (người thường) hay người khuyết tật đều giống nhau cả. Châm ngôn của tiệm là “Mọi khách hàng đều bình đẳng”, vì chúng tôi hướng tới sự bình đẳng qua công việc này cho nên sản phẩm và dịch vụ lúc nào cũng phải cẩn thận, tươm tất”.

Có những khách hàng lạ thành quen, sử dụng điệu bộ ngôn ngữ cơ thể để trò chuyện với người điếc nên các cô gái trẻ ở đây dù vất vả nhưng luôn cảm thấy vui. Hoặc có người hỏi nhân viên (viết vào bảng): “Bạn đã ăn chưa?”, “Bạn cười rất dễ thương” hay “Em thấy chị rất xinh”... và cả những lời nhắn nhủ trên các tờ giấy ở tiệm giặt. Các bạn điếc sau nhiều lần dùng ngôn ngữ ký hiệu “Cảm ơn” thì khách hàng đã tự động làm dấu tay theo họ. Thu Ngân chia sẻ: “Thật tốt vì khách hàng cũng tò mò về ngôn ngữ của người điếc. Có khách hàng còn vào học ngôn ngữ ký hiệu để có thể trò chuyện, trêu đùa với chúng tôi...”. 

Tiếp lửa niềm tin 

Lương Thúy bắt đầu mở tiệm giặt trong lúc đang thất nghiệp giữa mùa dịch Covid-19, cho nên không có đồng vốn nào. Tuy nhiên, vì có mẹ là người điếc, lại bắt đầu cuộc sống tự lập từ nhỏ cho nên Thúy hiểu rất rõ những vấn đề gặp phải khi quyết tâm lập nghiệp đối với người khuyết tật, nhất là người điếc/khiếm thính, như thiếu tự tin, rào cản ngôn ngữ..., nhất là không dám theo đuổi ước mơ, sẵn sàng cạnh tranh với cả người bình thường. 

Năm 2018, Lương Thúy cùng nhóm Nghe bằng Mắt làm dự án Thu hẹp khoảng cách giữa người điếc và người nghe thông qua nghệ thuật. Đó là tổ chức một cuộc thi về phim, tranh, ảnh, nhạc với sự tham gia là nhóm có cả người điếc và người nghe, cùng nhau nói về những vấn đề bất bình đẳng trong cuộc sống của người điếc. Nhưng sau khi kết thúc dự án, cảm thấy những vấn đề bất bình đẳng còn tồn tại, Lương Thúy hiểu không thể thay đổi chỉ bằng trái tim mà phải từ nhận thức, lý trí và cách làm. Đó là tìm ra một nghề sinh giá trị, phù hợp đặc điểm, kỹ năng lợi thế của người điếc để đem lại sinh kế lâu dài, mang lợi ích cho cộng đồng, xã hội và cho chính họ. Và cô chọn giặt là.

Lương Thúy khởi đầu với việc xin đi làm cho hai tiệm giặt đồ từ bình dân đến cao cấp để hình thành ý tưởng. Sau khi ý tưởng khởi nghiệp này đạt liên tiếp hai giải thưởng, cô đủ tự tin để bắt đầu tìm và thuyết phục nhà đầu tư. Do thiếu kinh nghiệm gọi vốn, cô gái trẻ nhờ tư vấn của Quỹ Abilis, Mạng lưới sáng kiến vì cộng đồng - NICE, Công ty KisStartup... Khi xác định những tầm nhìn chung với nhà đầu tư, Lương Thúy bắt đầu tiến hành các bước đào tạo nghề, tìm mặt bằng. “Khó khăn nhất với tôi là khi giao tiếp, nghe thì bập bõm, từ được từ mất, không có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu... Nhiều lần, nhà đầu tư mất kiên nhẫn vì khi nói chuyện, phải nói đi nói lại tôi mới hiểu. Điều này là rất thiệt thòi vì họ sẽ đặt câu hỏi: Không hiểu là do rào cản tư duy hay ngôn ngữ?”, Lương Thúy kể. Nhưng rồi với rất nhiều nỗ lực thuyết phục, cùng với hai bạn điếc đồng hành, sau một tháng, ba cô gái đã cho ra đời một tiệm giặt theo hình thức liên danh. 

Có vô vàn khó khăn khi tiệm giặt khởi đầu, nhất là việc giải thích các vấn đề liên quan khách hàng. Giặt là là một nghề có rủi ro cao, đôi khi không phải do con người mà do máy móc, nguyên vật liệu, phương pháp, các yếu tố khác... Và nếu gặp rủi ro, khi không thể giải thích với khách hàng do ngôn ngữ khác biệt, Lương Thúy phải lưu lại những mẫu câu để các bạn điếc sử dụng hoặc trực tiếp hỗ trợ. Cô kể: “Bên cạnh những khó khăn thì thuận lợi nhất là với các đặc điểm bẩm sinh của người điếc, các bạn ấy làm việc rất cẩn thận và chuyên tâm. Thứ hai, vì là người điếc nên nếu được làm việc trong môi trường giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu thì các bạn ấy sẽ rất thoải mái phát huy những điểm mạnh hay là bộc lộ các ý kiến cá nhân. Khi làm thì chỉ cần giải thích cho các bạn hiểu thì các bạn sẽ làm tốt và không có khó khăn gì. Người điếc không học theo sách hay giáo trình mà họ học bằng sơ đồ, hình ảnh, thực hành lặp đi lặp lại...”. Cứ như vậy, tiệm giặt là người điếc đã hoạt động trơn tru nhiều tháng nay, dù khó khăn vẫn luôn thường trực. 

Phạm Thúy đã có gia đình, gánh nặng tài chính không đủ là rào cản để cô đến với một công việc có thu nhập thấp hơn nhưng được sống với ước mơ được làm việc bình đẳng. Thu Ngân vẫn còn rất trẻ trong mắt bố mẹ nhưng đã dần trở thành một người lớn thật sự khi làm việc thuần thục ở tiệm giặt, được tiếp xúc với nhiều người trong xã hội. Lương Thúy thì ngày ngày ấp ủ việc tìm cách gọi thêm vốn để nâng cấp dây chuyền giặt là của tiệm, mở rộng quy mô... Tất cả đó trở thành “lửa” niềm tin, góp phần hướng đến tương lai tươi sáng hơn.

Nhớ lại hôm gần Tết, có vị khách đi qua tiệm nhưng không có đồ giặt mà vào viết lên bảng: “Em tiện đường đi qua đây nên chúc mừng năm mới các chị...” khiến cả quản lý lẫn nhân viên, ai cũng rất xúc động; Lương Thúy kể: “Thật biết ơn khách hàng vì đã giao tiếp với chúng tôi, cho chúng tôi cơ hội được phục vụ bằng sức lao động của chính mình. Nếu dùng hai từ để nói về ấn tượng này thì đó là “hạnh phúc””.