Thương vụ rắc rối

Gây ồn ào, “tốn giấy mực” bậc nhất suốt kỳ chuyển nhượng mùa hè, nhưng từ chỗ là thương vụ đáng quan tâm, việc theo dõi bến đỗ mới của Frenkie De Jong ngày càng làm người hâm mộ thấy mệt mỏi vì quá rắc rối. Mọi thứ xuất phát từ cách hành xử của CLB Barcelona.
0:00 / 0:00
0:00
Câu chuyện đi, ở với Frenkie De Jong làm suy giảm hình ảnh của Barca.
Câu chuyện đi, ở với Frenkie De Jong làm suy giảm hình ảnh của Barca.

1/ Ít ngày trước, truyền thông châu Âu đồng loạt đưa tin Barca và Man United đã đạt thỏa thuận mức phí chuyển nhượng 85 triệu euro cho De Jong, gồm 75 triệu euro định phí và 10 triệu euro biến phí tùy thành tích. Những tưởng đây sẽ là sự kiện khép lại những tranh cãi về thương vụ của tiền vệ người Hà Lan. Nhưng không, hợp đồng vẫn chưa được ký.

Mới nhất, HLV Xavi vẫn đăng ký De Jong vào danh sách du đấu Mỹ, nghĩa là anh chưa thể rời Barca. Bản thân De Jong không muốn gia nhập United vì e ngại phải “đánh cược” sự nghiệp vào một CLB phải loay hoay tái thiết. Nhưng vấn đề chính làm nảy sinh mâu thuẫn (Barca muốn bán, De Jong không đi) chính là vì anh bị... nợ lương.

Cụ thể, khi ký hợp đồng với Barca năm 2019, De Jong được hưởng mức lương 14 triệu euro/mùa. Tuy nhiên sau đó, do gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19, Barca thuyết phục anh thực hiện thỏa thuận mới. Để hỗ trợ CLB, De Jong chỉ nhận hơn 12 triệu euro cho mùa đầu, giảm sâu xuống 3 triệu euro mùa 2020-2021 và 9 triệu euro mùa 2021-2022. Các mùa tiếp theo, số tiền cam kết được trả lên đến 18 triệu euro.

Tuy nhiên, do nợ nần chồng chất và bị sức ép từ quy định về trần lương của La Liga, Barca quyết bán De Jong ngay trong hè này. Cái “ranh ma” của họ là muốn xí xóa luôn khoản nợ lương của anh vài năm qua (17 triệu euro), đồng thời “né” được số tiền khổng lồ gồm lương, thưởng cộng dồn và “phí lòng trung thành” dành cho De Jong trong những năm tới.

Mặt khác, Barca muốn bán De Jong ngay vì anh đang được giá, đồng thời hạ quỹ lương để đăng ký thi đấu cho các tân binh như Kessie, Christensen hay Raphinha. Vì vậy, dù luôn tuyên bố cứng về chuyện không bán để “chơi chiêu” với Man United, thực tế Barca đang tìm mọi cách đẩy De Jong đi, gồm cả việc dọa sẽ không cho anh tập luyện.

2/ Thực chất, Barca có thể giữ chân De Jong, khi họ vừa thực hiện các gói đòn bẩy tài chính lớn, trong đó có thương vụ 203 triệu euro từ việc bán 10% bản quyền truyền hình ở La Liga trong 25 năm tới cho tập đoàn Sixth Street. Nhưng Barca không muốn làm điều này, họ chấp nhận “mang tiếng xấu” vì túi tiền. Về phía đối tác, Man United thật sự thiện chí đàm phán và sẵn sàng trả phí xứng đáng cho De Jong, tuy vậy họ cũng nên tìm kiếm mục tiêu khác, thay vì chạy theo ngôi sao không muốn cống hiến cho mình.

Một thương vụ rắc rối đến mức kỳ quái, khi vẫn được xúc tiến dù không đạt đồng thuận từ bất cứ bên nào. Có thành hiện thực hay không, nó cũng sẽ để lại vết hằn về cách hành xử của Barca, đội bóng từng tự hào với khẩu hiệu “Hơn cả một CLB”.