Thương nhớ một miền quê

Tập tản văn “Tôi kể chuyện làng” (NXB Văn học, 2022) của nhà giáo, TS Lê Hữu Tỉnh gồm ba phần chính: “Quê hương tuổi thơ” (31 bài), “Chuyện làng quê một thuở” (30 bài) và “Chuyện làng miên man không dứt” (5 bài). Phần Phụ lục in kèm các bài bình luận về tác giả của các nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu uy tín… 

Thương nhớ một miền quê

“Tôi kể chuyện làng” của Lê Hữu Tỉnh ngân vang đường về ký ức với “Lũy tre làng tôi”, “Cây đa cổ thụ”, “Cầu đầu làng”, “Giếng nước tuổi thơ”, “Thú câu cá chuối”, “Nghề làm ren”, “Mái rạ nghìn năm”, “Bánh gio làng Hạ”, “Chợ quê một thuở”, “Nhà em có vại cà đầy”… Ký ức ấy tuy chưa quá xa song dường như đang dần chìm vào quên lãng với bao nhớ tiếc khôn khuây. Những hình ảnh thân thuộc của làng quê xưa như pháo đất, con quay, trò đánh khăng, kéo vó tôm, trộm bưởi, hôi cá, mái rạ, lũy tre, cây đa, bể nước mưa, làm ren, nuôi tằm, mót lúa, mót khoai, hội thi thả chim câu, tổ tôm, điếu bát, ông đồ làng, con rối, chiếc xe Phượng Hoàng, đội chiếu bóng lưu động… ăm ắp trùng điệp hiện về. Làng quê ấy tuy nhọc nhằn, kham khổ nhưng bình yên và luôn vút cao mộng tưởng. Một thế giới tuổi thơ đẹp đẽ, đôi khi thoáng buồn nhưng không vì thế mà chua xót, đắng cay.

Cứ thế, trong vai một nhà khảo cổ học, nhà giáo Lê Hữu Tỉnh đưa bạn đọc ngược miền ký ức, chăm chú gom nhặt những mảnh hồn làng (mà đến nay hầu như không còn nữa). Ký ức làng trong ông, do thế, khi vùn vụt hiện về, khi lại như chập chờn ám ảnh…

Có điều đặc biệt là, tìm về ký ức, chủ thể kể chuyện không hờn dỗi, vây vo mà luôn chắt chiu, nương tựa, tha thiết ân tình.

Mà sao, làng Hạ Mỗ của tác giả lại giống cái làng tôi đến vậy. Không hiểu sao, khi đọc “Tôi kể chuyện làng”, luôn thấy ngân nga bên tai câu hát tuyệt hay của Đoàn Bổng: “Sóng xanh như mắt trẻ, sao giống nhau đến thế…”, hay câu văn đầy ám ảnh của Nguyễn Huy Thiệp: “Tôi sinh ra ở nông thôn, mẹ tôi là nông dân”…

 Để phác dựng thế giới ký ức, kho từ vựng trong “Tôi kể chuyện làng” cũng thân thuộc như ruộng đồng, như mùi mồ hôi áo mẹ: “chân ruộng”, “chổ”, “he”, “tê”, “chõng”, “lờ”, “thời”, “mạn”, “dậu”, “chuột bọ”, “cá mú”… 

Tác giả có khi nhẩn nha tự sự (chậm như là để thêm một lần được sống lại với tuổi thơ), có khi lại phải chớp thật nhanh vì sợ tuổi tác, thời gian đẩy ký ức ấy chìm khuất vào miền quên lãng.

Đọc Lê Hữu Tỉnh, thấy trang văn nào của ông cũng kỳ khu, tường tận, mực thước, khiêm cung, tuyệt nhiên không phô phang hiểu biết. Và rất nhiều trong số đó là sự tinh tế vút cao...

“Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người”

(Đỗ Trung Quân)

Thực ra, quê hương (cũng như mẹ) không bao giờ đặt điều kiện cho đứa con của mình như thế. Nhưng thử hỏi, có người con trưởng thành nào xa quê mà không tha thiết hồn quê.