Thúc đẩy sinh kế từ du lịch cộng đồng

Tiềm năng của khu vực ven biển miền trung đang được phát huy, đóng góp vào chuỗi sản phẩm du lịch cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách trải nghiệm tham quan đảo. Ảnh: MẠNH TRINH
Du khách trải nghiệm tham quan đảo. Ảnh: MẠNH TRINH

Trong cộng đồng luôn có sáng tạo

PGS, TS Võ Văn Minh, Trưởng nhóm Nghiên cứu - giảng dạy “Môi trường & Tài nguyên sinh học” thuộc Đại học Đà Nẵng thường xuyên đồng hành cùng bà con làm du lịch cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là hướng đến phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng. Người dân có sinh kế thì mới có thể bảo vệ tài nguyên, môi trường chung quanh. Để người dân tham gia tốt vào chuỗi du lịch cộng đồng thì địa phương cần thống nhất trong việc tổ chức. Trong cộng đồng luôn có những sáng tạo, cần cho bà con học tập lẫn nhau, từ mô hình này lan tỏa đến mô hình khác. Ngoài ra phải có quy chế hoạt động nhất định, các hộ dân cùng chia sẻ cho nhau mới bền vững. Các cấp quản lý và người dân phải cùng hiểu du lịch cộng đồng cần nhất là sự tử tế”.

Điểm mạnh của du lịch cộng đồng ở miền trung thời gian qua là tạo cơ hội để bà con giao lưu, học hỏi cùng du khách. Trong đó, niềm tự hào của người dân được chú trọng phát huy. Sự tương tác, đối xử tử tế trong cuộc sống ở các khu du lịch cộng đồng là yếu tố mấu chốt giữ chân được khách du lịch quay trở lại.

Theo PGS Minh, khu vực miền trung muốn ứng phó biến đổi khí hậu được hiệu quả cần rất nhiều những cánh rừng ven bờ biển. Chính tán rừng là nơi sinh sản của các loài sinh vật biển, đồng thời như một bờ đê giữ chân cát biển. Những khu rừng đó góp phần bảo vệ đường bờ biển, che chắn gió bão, chống sạt lở. Chúng ta còn được bao nhiêu diện tích rừng ven biển thì cần cố gắng giữ, đó là nguồn lực tự nhiên có giá trị cao. Tuy nhiên, nếu không có kinh phí thì công tác bảo vệ rừng ven biển khó có thể thực hiện được; nên gắn vào đó hoạt động du lịch cộng đồng sinh thái đúng nghĩa, điều đó mới đi được lâu dài.

Phát triển du lịch ven biển

Khoảng 20 năm trước, đảo Cù Lao Chàm, TP Hội An, Quảng Nam bắt đầu có du lịch cộng đồng. Tiếp theo, khoảng 5 năm trở lại đây tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng xây dựng du lịch cộng đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung phát triển các điểm du lịch theo hướng đi này. Được biết, Quỹ môi trường toàn cầu thường xuyên tài trợ cho cộng đồng cùng làm du lịch.

Hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ, thị xã Đức Phổ là một điểm sáng, bước đệm khởi đầu cho hành trình làm du lịch của tỉnh Quảng Ngãi. Nằm sát mép biển, diện tích gần 100ha, hiện nay làng Gò Cỏ chủ yếu chú trọng bảo tồn văn hóa nhằm thúc đẩy kinh tế hộ gia đình. Những khu vực rừng núi ven biển còn khá hoang sơ được các tổ bảo vệ phân công giám sát. Hơn bốn năm hoạt động với gần 40 hộ dân tham gia vào hợp tác xã cùng phát triển du lịch cộng đồng giúp cho đời sống bà con hạnh phúc hơn, kéo gần khoảng cách với các khu vực lân cận.

Chị Nguyễn Thị Diễm Kiều, Giám đốc hợp tác xã cho biết, từ khi triển khai du lịch cộng đồng, bà con tham gia dần tự chủ phân công người điều phối, các quy tắc hoạt động do bà con đề ra. Ban giám đốc hợp tác xã đóng vai trò thúc đẩy những sáng kiến của từng hộ dân tham gia đóng góp. Mô hình tổ dịch vụ, các sản phẩm địa phương đạt chuẩn OCOP, đặc biệt làng Gò Cỏ nằm trong không gian văn hóa Sa Huỳnh đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch đến tham quan, học tập.

“Thời gian tới, các hộ kinh doanh homestay ở Gò Cỏ bắt đầu chuyển qua loại hình nhà tranh, vách đất nhằm tạo nét mới lạ và tiếp tục triển khai du lịch học tập. Một số con em của địa phương sau khi đi học đã có kế hoạch quay về quê hương phát triển du lịch. Từ ngày địa danh du lịch làng Gò Cỏ được biết đến, nó như một động lực giúp cho bà con Quảng Ngãi ở xa quê hãnh diện về vùng đất quê hương”, chị Kiều nói.

Ngay từ thời điểm đầu năm 2023, khi tình hình ngành du lịch nói chung có chiều hướng sôi động trở lại, các hộ dân làm du lịch ở làng Gò Cỏ đã lên kế hoạch tổng thể cho một năm đón khách trong và ngoài nước. Theo đó, trong ba tháng mùa xuân, làng Gò Cỏ tiếp tục mở rộng cơ sở vật chất, tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa theo chủ đề mừng mùa xuân mới. Đặc biệt trong đó có sự tham gia học tập làm du lịch, trải nghiệm của sinh viên các trường trên địa bàn.

Trong tổng thể du lịch cộng đồng khu vực miền trung, các hòn đảo gần bờ vẫn có giá trị cao ở nét độc lập. Từ đó, tính gắn kết trong cuộc sống người dân được tốt hơn, vừa giữ hệ sinh thái đảo vừa giữ vững tính cộng đồng.