Thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin về đất

Việc công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh trên cổng thông tin điện tử của chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện trong năm 2023 đã có sự cải thiện đáng kể so năm 2021 và 2022, song vẫn còn cần cải thiện để lấp đầy khoảng trống.
0:00 / 0:00
0:00
Tọa đàm về rà soát việc công khai thông tin quy hoạch.
Tọa đàm về rà soát việc công khai thông tin quy hoạch.

Đây là nhận định trong “Báo cáo đánh giá vòng 3 việc công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh trên môi trường điện tử năm 2023” mới được công bố.

Quyền tiếp cận thông tin của người dân

Báo cáo do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam, Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) phối hợp thực hiện, nhằm đo lường mức độ tuân thủ của chính quyền địa phương với pháp luật về đất đai và tiếp cận thông tin của Việt Nam. Báo cáo đánh giá mức độ công khai thông tin đất đai của chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện dựa trên 5 tiêu chí, bao gồm công khai thông tin; khả năng tìm kiếm thông tin; tính kịp thời của thông tin; tính đầy đủ của thông tin (đối với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện); và khả năng sử dụng thông tin (dễ đọc, dễ hiểu và đọc được bằng các phần mềm thông dụng).

Theo bà Lại Lan Vy, cán bộ chương trình thuộc CEPEW, kết quả khảo sát cho thấy, trong tổng số 705 UBND cấp huyện trên toàn quốc, 65,4% đã công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030, tăng 16,5% so năm 2022. Trong số các UBND cấp huyện đã công khai thông tin, 54,2% đã đăng tải đầy đủ ba văn bản bao gồm quyết định phê duyệt, báo cáo thuyết minh tổng hợp và bản đồ quy hoạch sử dụng đất.

Ông Lê Đặng Trung, Giám đốc RTA cho biết, một số địa phương được nhóm nghiên cứu đánh giá thực hành tốt trong công khai thông tin đất đai như Bắc Kạn, Điện Biên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế… đã công khai bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 trong suốt ba vòng đánh giá. Đồng thời, UBND các tỉnh và thành phố này cũng đã xây dựng chuyên mục thông tin đất đai riêng giúp cho việc tìm kiếm thông tin nhanh chóng và thuận lợi. Theo kết quả nghiên cứu, Bình Thuận là tỉnh có 100% các huyện công khai cả quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2023 trên cổng thông tin điện tử.

TS Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Pháp luật hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp nhận định, đây là những thông tin cơ bản mà người dân có quyền tiếp cận. Tuy nhiên, chỉ vài năm trước đây, nhiều người còn chưa nhận thức được quyền lợi này, hoặc không biết cách tìm kiếm thông tin chính thống về quy hoạch đất đai, đặc biệt là trên internet. Do vậy, TS Thoa đánh giá cao ý nghĩa của nghiên cứu rà soát thông tin, không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho cả người dân và những cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước cấp huyện, tỉnh.

Tăng tỷ lệ phản hồi của cơ quan nhà nước

Ths Hoàng Thị Vân Anh, nguyên Vụ trưởng Pháp chế, Tổng cục Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, người tham gia chắp bút xây dựng những dự thảo ban đầu của Luật đất đai 2013 đề cập, việc chia sẻ thông tin là công cụ quan trọng trong quản lý nhà nước về Luật Đất đai. “Thông tin quy hoạch, sử dụng đất rất quan trọng, khi được công khai, minh bạch liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân cũng như thực hiện nghĩa vụ tài chính phải đóng góp như thế nào…”, bà Vân Anh giải thích.

Bởi vậy, bên cạnh những kết quả tích cực của năm 2023, kết quả khảo sát cho thấy vẫn còn dư địa cần cải thiện về công khai thông tin đất đai. Trong đó, tỷ lệ cơ quan nhà nước cấp huyện không phản hồi yêu cầu cung cấp thông tin của công dân vẫn ở mức cao. Tính đến cuối năm 2023, có 23,7% số cơ quan nhận được yêu cầu đã cung cấp thông tin, 1,1% từ chối, 5,3% có phản hồi khác nhưng không cung cấp thông tin và 67,9% không phản hồi.

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số gợi mở, đề xuất các cơ quan nhà nước ở cấp tỉnh và cấp huyện cần triển khai thực hiện đầy đủ việc công khai thông tin đất đai trên môi trường trực tuyến bên cạnh việc cung cấp thông tin trực tiếp tại cơ quan. Quy định cơ quan nhà nước bắt buộc phải cung cấp theo yêu cầu của công dân đối với những thông tin mà mình có trách nhiệm công khai; hoặc có quy định xây dựng giao diện, chuyên mục và cách thức công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước một cách thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc…

Nghiên cứu vòng 3 được thực hiện từ tháng 10/2023 đến tháng 2/2024 thông qua việc rà soát cổng thông tin điện tử chính thức của 63 tỉnh, thành phố và 705 quận, huyện, thị xã trên toàn quốc. Nhóm nghiên cứu cũng gửi thư tới 561 văn phòng UBND cấp huyện để yêu cầu cung cấp thông tin kế hoạch sử dụng đất năm 2023.