Thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Brazil

Phát biểu của lãnh đạo bộ, ngành Việt Nam và Brazil tại buổi gặp gỡ hữu nghị, cùng những đề xuất tích cực của các đại biểu tại buổi tọa đàm doanh nghiệp hai nước mới đây hứa hẹn mang lại một xung lực mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Brazil thời gian tới. Hàng hóa Việt Nam, nhất là hàng nông sản, đứng trước nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Brazil, qua đó giúp cân bằng cán cân thương mại song phương.

Đại diện công ty từ Brazil tiếp xúc, giới thiệu sản phẩm với phía Việt Nam.
Đại diện công ty từ Brazil tiếp xúc, giới thiệu sản phẩm với phía Việt Nam.

Tại buổi gặp gỡ hữu nghị nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Brazil diễn ra mới đây tại Hà Nội, Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chào mừng bà Tereza Cristina Dias, Bộ trưởng Nông nghiệp, chăn nuôi và cung ứng Brazil cùng các nghị sĩ, giới doanh nghiệp Brazil đến thăm Việt Nam, đồng thời bày tỏ tin tưởng mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Brazil tiếp tục phát triển. Thứ trưởng cho biết, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Brazil có bước phát triển vượt bậc sau 14 năm, từ 75 triệu USD năm 2004 lên 4,4 tỷ USD năm 2018. Doanh nghiệp hai nước ngày càng chủ động, tích cực tìm hiểu và khai thác cơ hội đầu tư, kinh doanh, mở rộng thị trường trong nhiều lĩnh vực, như nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế tạo năng lượng sinh học, văn hóa, giáo dục…

Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ latin và thứ hai tại châu Mỹ. Tuy nhiên, theo Đại sứ Brazil tại Việt Nam Fernando Apparicio da Silva, vẫn còn nhiều tiềm năng để mở rộng và đa dạng hóa thương mại song phương giữa hai nước. Hai bên hoàn toàn có thể mở cửa nhiều thị trường mới. Ngoài các sản phẩm nông nghiệp, quốc gia châu Mỹ còn có thế mạnh trong sản xuất các mặt hàng công nghiệp hàng không và quốc phòng.

Trong bối cảnh Brazil là đối tác chiến lược về hợp tác nông nghiệp của Việt Nam, chuyến thăm của Bộ trưởng Nông nghiệp, chăn nuôi và cung ứng Brazil tới Việt Nam là cơ hội để giới doanh nghiệp hai nước thảo luận, đề xuất những biện pháp thúc đẩy hợp tác. Tại buổi tọa đàm doanh nghiệp do Hội Hữu nghị & Hợp tác Việt Nam - Brazil phối hợp Đại sứ quán Brazil tại Việt Nam tổ chức nhân dịp này, hai bên nhất trí đề xuất Chính phủ Brazil tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản của Việt Nam (nhất là tôm, cá tra,...) thâm nhập thị trường Brazil. Ở chiều ngược lại, Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho một số sản phẩm của Brazil (như thịt bò, dưa vàng…) vào thị trường Việt Nam. Bày tỏ ấn tượng về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, các nghị sĩ Brazil khẳng định sẽ truyền đạt mong muốn, nguyện vọng và hướng hợp tác mới tới Quốc hội Brazil trong thời gian sớm nhất.

Theo Chủ tịch Hội Hữu nghị & Hợp tác Việt Nam - Brazil Nguyễn Văn Lạng, nền nông nghiệp nhiệt đới của Việt Nam và Brazil có nhiều nét tương đồng. Đặc biệt, hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực sản xuất cà-phê. Trong khi Việt Nam là “cường quốc” về cà-phê Robusta, thì Brazil lại chuyên về Arabica. Theo ông Nguyễn Văn Lạng, do nhiều khó khăn về ngôn ngữ, khoảng cách, văn hóa, hợp tác giữa hai quốc gia vẫn chưa đạt như kỳ vọng thời gian qua. Trong bối cảnh đó, kết nối giữa doanh nghiệp hai nước là vô cùng quan trọng.

Với nền nông nghiệp phát triển áp dụng công nghệ khoa học tiên tiến, Brazil ngày càng được biết đến nhiều hơn với sự tăng trưởng mạnh mẽ, năng động, trở thành nền kinh tế số một ở Mỹ latin và thứ chín trên thế giới. Tại tọa đàm, các đại biểu nhận định, với vai trò Chủ tịch Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), Brazil có nhiều thuận lợi thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước Mercosur. Trong khi đó, Việt Nam chính là cánh cửa để nông sản Brazil thâm nhập thị trường ASEAN, thúc đẩy quan hệ giữa hai khối. Ngoài nông sản, Việt Nam và Brazil cũng có nhiều cơ hội tăng cường hợp tác quốc phòng, giáo dục, giao lưu văn hóa…

Trả lời Thời Nay, ông Claudio Almeida Faria, Giám đốc công ty chế biến thực phẩm của Brazil, khẳng định mong muốn đưa hàng hóa từ Brazil vào Việt Nam. Theo ông Almeida Faria, hiện mọi khâu chuẩn bị, từ thăm dò thị trường đến hàng hóa, vận chuyển cơ bản đã hoàn tất. Ông Almeida Faria hy vọng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp hai nước nhanh chóng tháo gỡ rào cản giấy tờ, để nông sản hai nước tiếp cận thị trường của nhau, vì lợi ích người dân hai nước.