Thúc đẩy các giải pháp kinh tế tuần hoàn

Việc chuyển đổi nền kinh tế theo hướng không chỉ bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy đổi mới, tăng khả năng cạnh tranh và cải thiện cuộc sống của người dân đang là hướng đi được nhiều quốc gia theo đuổi, trong đó có Việt Nam. Chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH), hướng tới phát triển bền vững được xem là giải pháp quan trọng trong quá trình này.
0:00 / 0:00
0:00
Trưởng đại diện thường trú UNDP phát biểu tại sự kiện.
Trưởng đại diện thường trú UNDP phát biểu tại sự kiện.

Ba yếu tố hỗ trợ chiến lược KTTH

Để thúc đẩy KTTH cần phải có một kế hoạch rõ ràng, các mục tiêu cụ thể và có sự đồng thuận lớn của toàn xã hội; đồng thời, cần phải có một hành lang pháp lý cho việc hình thành, phát triển các mô hình KTTH gắn với trách nhiệm của cả khu vực công và tư cũng như các thành phần trong nền kinh tế. Trong đó, Nhà nước được xác định là nhân tố đóng vai trò kiến tạo, doanh nghiệp là động lực trung tâm, các tổ chức và người dân tham gia thực hiện.

Để chuẩn bị cho mục tiêu hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đã đưa ra nhiều cam kết mạnh mẽ ở toàn bộ các cấp, các ngành. Tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023 với chủ đề “Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Kinh tế tuần hoàn” diễn ra tại Hà Nội ngày 16/11, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam đánh giá cao cam kết của Việt Nam, đồng thời lưu ý rằng các chính sách, đầu tư và chiến lược tuần hoàn sẽ góp phần thực hiện tham vọng về khí hậu của Việt Nam, song điều này cũng đang đòi hỏi một bước nhảy vọt về đầu tư để kích hoạt ba yếu tố hỗ trợ chiến lược KTTH của quốc gia, đó là thiết kế sản phẩm, công nghệ số - đổi mới và nguồn nhân lực.

“Nền KTTH yêu cầu đưa khái niệm “thiết kế” vào cốt lõi. Khoảng 80% tác động môi trường có thể được xác định ở giai đoạn thiết kế sản phẩm. UNDP khuyến nghị áp dụng lộ trình thiết kế sinh thái, bao gồm các sản phẩm ưu tiên như bao bì, nhựa, dệt may và điện tử, tập trung vào các doanh nghiệp vừa và lớn; cùng với các chính sách về “mua sắm công xanh” nhằm thúc đẩy sức mua của chính quyền địa phương và trung ương”, Trưởng đại diện UNDP phân tích.

Song hành với khả năng phát triển KTTH còn là năng lực sử dụng công nghệ kỹ thuật số và đổi mới, sáng tạo. Công nghệ không chỉ mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp tuần hoàn để phát triển, mà còn thu hút tài chính dưới các hình thức ODA, vốn đầu tư hoặc quan hệ đối tác công tư. Nguồn nhân lực cũng là một yếu tố hỗ trợ đặc biệt quan trọng. Việt Nam sẽ chuyển đổi thành nước có thu nhập trung bình cao theo lộ trình đặt ra vào năm 2030, đòi hỏi phải tái cơ cấu thị trường lao động theo hướng giảm thiểu lực lượng lao động chi phí thấp, tay nghề thấp. Các ngành công nghiệp tuần hoàn có thể tạo ra việc làm bền vững và xanh. Các ngành này thúc đẩy đổi mới, tăng khả năng tiếp cận giáo dục và đào tạo có chất lượng; đồng thời nâng cao tính bao trùm để bảo đảm rằng, người lao động được bảo vệ khỏi các rủi ro bao gồm điều kiện làm việc độc hại và mất việc làm.

Bà Ramla Khalidi nhận định: “Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu, phát triển cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. Theo bà, quá trình chuyển đổi cũng cần bảo đảm tính công bằng và hướng đi của UNDP là hỗ trợ các gói công việc mang tính xã hội bao trùm, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hướng đến các cơ hội thương mại xanh, thúc đẩy kỹ năng và các mô hình kinh doanh theo hướng KTTH.

Thúc đẩy các giải pháp kinh tế tuần hoàn ảnh 1

Toàn cảnh Diễn đàn kinh tế tuần hoàn.

Các gói tài chính hỗ trợ KTTH

Trong mục tiêu hướng đến KTTH, Việt Nam đã xác định những chính sách cụ thể sẽ là bệ đỡ, bệ phóng cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp thực hành kinh doanh tuần hoàn một cách hiệu quả nhất. Theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công thương đánh giá tiềm năng phát triển KTTH rất lớn, từ các ngành khai thác khoáng sản, chế biến, sản xuất hàng hóa cho đến các khâu phân phối và tiêu dùng. Những năm vừa qua, nhiều công ty, đơn vị được hỗ trợ thực hiện mô hình KTTH trong sản xuất, thí dụ như tái chế linh kiện điện tử… “Nếu có căn cứ pháp lý, thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn thì các mô hình KTTH sẽ được thúc đẩy hơn nữa”, ông Vũ nhấn mạnh.

Thảo luận về việc xây dựng KTTH trong các ngành, đặc biệt là ngành tài chính, ông Dominic Scriven Obe, Chủ tịch Quỹ Dragon Capital đề cao vai trò của việc nâng cao nhận thức, hình thành khung pháp lý và xác định rõ vai trò của thị trường. Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường chỉ ra ba thách thức lớn nhất để thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH là tài chính, năng lực quản trị và cộng đồng và thứ ba là công nghệ.

Việt Nam đang phải đối mặt những thách thức mang tính trong nước và toàn cầu, trong đó các mô hình KTTH được triển khai trong thực tiễn thông qua cách tiếp cận Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) đã trở thành những minh chứng cụ thể cho một giải pháp toàn diện. Tại Diễn đàn, các cơ quan quản lý, đại diện các doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực KTTH đã giới thiệu một số cơ chế tài chính như thúc đẩy thị trường carbon, nguồn tài chính đổi mới cho đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái cũng như huy động sự tham gia của tư nhân trong hoạt động quản lý chất thải được xác định là một trong những nguồn lực quan trọng để thực hiện KTTH trong thời gian tới.

Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành SCG đánh giá cao Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH của Việt Nam, đồng thời bày tỏ tin tưởng nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam áp dụng chiến lược ESG trong hoạt động kinh doanh để tuân thủ theo định hướng mới vì một mục tiêu chung. “Để thúc đẩy hơn nữa các tác động của KTTH và tiến trình thực hiện, cần có sự hợp tác liên ngành nhằm đạt được những kết quả lớn hơn”, ông Rangsiyopash chia sẻ.