Thêm dầu vào lửa

Giữa lúc cộng đồng quốc tế đang hy vọng sẽ có những giải pháp ngoại giao nhằm “hạ nhiệt” cuộc xung đột tại Ukraine, thì ngày 16/5 vừa qua, các nước phương Tây đã nhất trí về một gói hỗ trợ quân sự mới dành cho Kiev - động thái được đánh giá là làm trầm trọng thêm tình hình.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: AMORIM
Biếm họa: AMORIM

Reuters dẫn thông báo ngày 15/5 trên trang web chính thức của Tổng thống Volodymyr Zelensky, nhà lãnh đạo Ukraine đã đến thăm Italy, Đức, Pháp và Anh từ ngày 13 đến 15/5. Trong khuôn khổ các chuyến thăm, Tổng thống Zelensky đã gặp Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Kiev và các nước này đạt được thỏa thuận hỗ trợ quốc phòng quan trọng, mà người đứng đầu Chính phủ Ukraine khẳng định là “các gói phòng thủ mạnh mẽ”. Các cuộc hội đàm cũng liên quan đến việc thành lập một “liên minh máy bay chiến đấu” để đào tạo phi công Ukraine điều khiển các máy bay hiện đại của phương Tây.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình TF1, Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định, Pháp sẵn sàng huấn luyện các phi công điều khiển chiến đấu cơ của Ukraine tại Pháp và có thể triển khai ngay các chương trình huấn luyện đó. Ông Macron khẳng định hai bên đã thảo luận về tên lửa và việc đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu của Pháp.

Phương Tây dường như vẫn muốn xung đột tại Ukraine kéo dài khi ngày 13/5 vừa qua, Bộ Quốc phòng Đức xác nhận sẽ cung cấp gói khí tài quân sự lớn trị giá 2,7 tỷ euro (hơn 2,9 tỷ USD) cho Ukraine trong những tuần tới. Gói hỗ trợ mới bao gồm nhiều chủng loại, gồm các hệ thống phòng thủ hiện đại, xe tăng, xe bọc thép cùng nhiều phương tiện, thiết bị khác. Trong khi đó, ngày 9/5, Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 1,2 tỷ USD cho Ukraine để tăng cường khả năng phòng không và cung cấp thêm đạn dược cho nước này. Lầu năm góc ra tuyên bố nêu rõ gói hỗ trợ trên phản ánh cam kết liên tục của Mỹ đối với Ukraine, qua đó giúp Kiev bảo đảm năng lực phòng thủ quan trọng, đồng thời xây dựng năng lực của lực lượng vũ trang Ukraine để bảo vệ đất nước.

Có thể thấy, thay vì những giải pháp ngoại giao, các cam kết viện trợ quân sự của phương Tây dành cho Ukraine được xem là động thái “thêm dầu vào lửa”, khiến cuộc xung đột tại Ukraine chưa thể chấm dứt.