Thay thế thuốc ARV nguồn BHYT năm 2019

Ngày 20-11, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo Hướng dẫn tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán thuốc ARV nguồn bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2019. Hiện, Việt Nam đang chuyển đổi, sử dụng các nguồn tài chính trong nước khác thay thế khi các nguồn viện trợ giảm dần.

Thay thế thuốc ARV nguồn BHYT năm 2019

Một trong các nội dung chuyển đổi là vấn đề điều trị thuốc ARV, sử dụng BHYT trong điều trị HIV/AIDS. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai hàng loạt hành động: Tăng cuờng thông tin, giáo dục truyền thông; chỉ đạo các địa phương kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS đủ điều kiện ký hợp đồng khám, chữa BHYT; mở rộng BHYT cho người nhiễm HIV; đấu thầu thuốc ARV nguồn BHYT; ký hợp đồng cung ứng thuốc; hướng dẫn cơ sở lập kế hoạch tiếp nhận thuốc, quản lý, sử dụng thuốc; hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV BHYT; quản lý thông tin bệnh nhân điều trị ARV…

Người lao động được kiểm tra, giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội

Đó là nội dung được đề cập trong Nghị định 149/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc vừa được Chính phủ ban hành.

Theo đó, những nội dung người sử dụng lao động phải công khai gồm: Tình hình thực hiện nhiệm vụ, sản xuất, kinh doanh; nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể khác mà doanh nghiệp tham gia…

Những nội dung người lao động được kiểm tra, giám sát gồm: Việc thực hiện hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể; việc thực hiện nội quy lao động, các quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; việc sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các quỹ do người lao động đóng góp; việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động; việc thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động…

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019.

Xây dựng thành phố không khói thuốc lá

Mới đây, ngày 20-11, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) phối hợp Liên minh Phòng, chống tác hại thuốc lá Đông - Nam Á, Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương, tổ chức Hội nghị các nước khu vực ASEAN về xây dựng thành phố không thuốc lá (SCAN) lần thứ 6 tại TP Hội An, Quảng Nam.

Theo GS, TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, Ủy viên Hội đồng Quản lý Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, công tác xây dựng thành phố du lịch không khói thuốc đã được Bộ và Quỹ triển khai từ năm 2009 tại Hội An và mở rộng thêm một số tỉnh, thành phố khác như Hạ Long, Huế, Nha Trang, Hải Phòng…

Tại các thành phố này, quy định cấm hút thuốc lá được triển khai trước hết trong các nhà hàng, khách sạn, các điểm di tích lịch sử, văn hóa, các cơ quan công sở, trường học, bệnh viện. Việc xây dựng môi trường du lịch không khói thuốc không những giúp tạo dựng hình ảnh du lịch xanh, sạch, đẹp trong mắt du khách quốc tế mà còn giúp bảo vệ sức khỏe cho mọi người.

Các giải pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả mà các quốc gia đang nỗ lực triển khai gồm: thực hiện môi trường 100% không khói thuốc; cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh chiếm diện tích lớn trên bao bì sản phẩm thuốc lá; tăng thuế thuốc lá; thực thi cấm toàn diện quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá. Trong đó, công tác xây dựng thành phố không khói thuốc đang trở thành xu thế được nhiều nước thực hiện.