Từ món kẹo của bà
Hải hiện là giáo viên Trường tiểu học An Khánh, ngoài giờ lên lớp Hải rất đam mê kinh doanh, quyết tâm khởi nghiệp vươn lên làm giàu. Lúc nhỏ, Hải thường thấy bà ngoại lấy mật hoa dừa để làm kẹo, nước mầu hay bỏ trong tủ lạnh để uống giải khát rất ngon, tốt cho sức khỏe. Từ đó, Hải có ý tưởng khởi nghiệp từ chính nguyên liệu dồi dào là cây dừa quanh nhà mình.
Năm 2018, Hải bắt đầu nghiên cứu lấy mật hoa dừa để làm nước giải khát. Hải chọn cây dừa để lấy mật là dừa xiêm khoảng 4 - 5 tuổi khi dừa còn thấp, dễ lấy mật. Khi hoa dừa ra được 4 - 5 tuần, phần đuôi được cắt một lát để hoa tiết ra mật. Trong thời gian này phải dùng thanh gỗ gõ đều vào cuốn hoa dừa để làm vỡ mạch giúp hoa tiết mật. Tuy nhiên, phải gõ sao cho vừa phải vì nếu mạnh quá sẽ hư hoa dừa, còn nhẹ quá sẽ không vỡ mạch phía trong. Khoảng ba ngày sau khi cắt hoa, sẽ thu hoạch mật với sản lượng khoảng một lít/ngày, thời gian thu hoạch trung bình 20 ngày. Hải dùng túi nylon trùm phần đuôi hoa dừa để chứa mật nhằm tránh côn trùng không chui vào bên trong nên bảo đảm sản phẩm sạch.
Năm 2019, Hải chính thức thực hiện dự án khởi nghiệp bằng cách thu mật từ hoa dừa chế biến ra hai sản phẩm là nước giải khát và mật cô đặc bán ra thị trường. Trước đó Hải tích cực tham gia nhiều khóa học, tập huấn về quản lý, thị trường, tư duy khởi nghiệp... và bắt tay vào đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm từ mật hoa dừa. Ban đầu, Hải làm theo kiểu nhỏ, lẻ bằng cách giới thiệu các sản phẩm đến hàng quán, điểm du lịch tại địa phương. Hải cho biết: “Do mới bắt đầu khởi nghiệp nên gặp khó khăn đủ thứ về vốn, thị trường tiêu thụ, đầu tư công nghệ chế biến... Vì vậy vừa làm vừa nghiên cứu sao cho sản phẩm được bảo quản lâu nhất có thể. Đặc biệt, khi thu hoạch mật rồi phải nhanh chóng chế biến, đóng chai vì mật dễ lên men”.
Hiện tại quy trình chế biến của Hải được thực hiện bằng máy thanh trùng sốc nhiệt với quy mô nhỏ, công suất khoảng 200 lít/ngày. Sau khi thu hoạch mật sẽ đưa vào máy có bồn chứa làm nóng ở nhiệt độ 65 - 700C rồi dẫn dung dịch qua bồn làm lạnh khoảng 5 giây để tiệt trùng. Sản phẩm nước giải khát sau khi đóng chai thời gian sử dụng 14 ngày, còn mật hoa cô đặc đóng chai có thể sử dụng trong sáu tháng. Trong thời gian tới, quy trình sản xuất này sẽ dần hoàn thiện để nâng thời gian sử dụng nước giải khát lên khoảng hai tháng. Đồng thời, Hải đang nghiên cứu để cho ra đời các dòng sản phẩm khác để đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là đối với khách du lịch. Hiện tại, cơ sở nhỏ của Hải đã giải quyết việc làm thường xuyên cho sáu lao động thu hoạch mật và chế biến, đóng chai.
Mong thành đặc sản địa phương
Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước với hơn 73 nghìn ha. Đây được xem là tài nguyên bản địa rất dồi dào ở địa phương. Chuỗi giá trị cây dừa đang được địa phương xây dựng để tăng thu nhập cho nông dân. Khi phát triển thêm sản phẩm từ mật hoa dừa tương lai sẽ giúp nông dân tăng thêm thu nhập, đa dạng sản phẩm từ dừa. Hiện tại, Hải đã liên kết với năm hộ dân trồng dừa với diện tích khoảng một ha để thu mật hoa dừa. Trung bình Hải thu mua mật với giá 20 nghìn đồng/lít. Việc thu hoạch mật từ hoa dừa sẽ đem lại lợi nhuận tăng gấp bốn lần so với bán quả. Nếu mở rộng sản xuất, liên kết nhiều hộ trồng dừa sẽ tăng thu nhập cho nông dân.
Mấy tháng nay, hơn 20 gốc dừa xiêm của ông Nguyễn Văn Chiến, ngụ ấp An Phú (xã An Khánh, huyện Châu Thành) chuyển qua thu hoạch mật hoa dừa thay thu hoạch quả như trước đây. Mỗi ngày hai lượt ông Chiến thu hoạch mật để cung ứng cho Hải. Vườn dừa nhà ông Chiến giờ được treo lủng lẳng túi nylon ở đuôi hoa dừa rất lạ mắt.Thu nhập của gia đình ông cũng tăng lên so bán quả vì không phải chịu cảnh giá cả bấp bênh như trước đây. Ông Chiến cho biết: “Trung bình trồng dừa lấy quả một năm khoảng 12 buồng nhưng lấy mật thì được 15 - 16 hoa. Lợi nhuận từ lấy mật không chỉ tăng so bán quả mà còn đỡ công chăm sóc từ lúc quả còn non cho đến thu hoạch suốt mấy tháng liền như trước đây”.
Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh Trần Cảnh Tân cho biết: “Sản phẩm từ mật hoa dừa của Hải rất độc đáo và tương lai sẽ giúp người trồng dừa tăng thu nhập. Hải đang làm hồ sơ để đăng ký sản phẩm OCOP của địa phương. Chính quyền địa phương cũng đang hướng dẫn, hỗ trợ để Hải phát triển các sản phẩm mới từ mật hoa dừa”.
Sắp tới, Hải đang có dự định mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là ở các quán giải khát, điểm du lịch, điểm dừng chân. Đồng thời, nghiên cứu để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ thị trường. Hy vọng rằng với sản phẩm mới này sẽ góp thêm một đặc sản của xứ dừa Bến Tre làm quà biếu cho du khách gần xa.