Tháo “nút thắt” nhà ở xã hội

Trên cả nước, sau 12 năm mới hoàn thành 7,7 triệu m2 nhà ở xã hội, đáp ứng 42% chỉ tiêu đề ra trong mục tiêu phát triển nhà ở quốc gia. Lợi nhuận đầu tư thấp, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi được cho là những nguyên nhân của việc thiếu hụt nguồn cung của phân khúc nhà ở xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà cho công nhân thuê tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh).
Nhà cho công nhân thuê tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh).

Khó khăn tìm nhà ở xã hội

Đã 10 năm nay, bà Nguyễn Thị Huệ từ Yên Bái xuống trọ tại xã Vân Trung, Việt Yên (Bắc Giang) trông ba đứa cháu cho con gái đi làm tại Khu công nghiệp Vân Trung. Chị Lê Thị Hoa, con gái bà Huệ cho biết: “Dù đón mẹ xuống nhưng chúng tôi chỉ dám thuê căn phòng trọ hơn 20m2 được ngăn đôi cho sáu người ở. Mẹ tôi lâu rồi cũng quen với sự chật chội và bất tiện này. Thu nhập của chúng tôi chỉ đủ cho trang trải cuộc sống. Đợt dịch Covid-19 ở Bắc Giang, vì ở chật, cả nhà tôi đều mắc. Thậm chí, cả xóm trọ, dịch bệnh không chừa một ai”.

Còn ở Khu công nghiệp Đình Trám, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, nhà chị Vũ Thị Lương và gia đình em chồng phải thuê trọ gần nhau để mẹ chồng hỗ trợ cho cả hai. Thu nhập của hai vợ chồng khoảng 15 triệu đồng/tháng nên chị Lương chỉ dám thuê căn nhà cấp bốn, còn lại để nuôi con ăn học. Giấc mơ “an cư lạc nghiệp” còn quá xa khi giá thuê và mua nhà vẫn tăng chóng mặt. Chị Lương tâm sự: “Lương chỉ đủ chi tiêu và con cái ăn học là đã hết rồi nên chưa bao giờ tôi nghĩ mua được nhà ở đây cả!”.

Năm 2021, tỉnh Bắc Giang đã quy hoạch 100ha để làm nhà ở xã hội cạnh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhưng phần lớn vẫn đang nằm trên giấy. Ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang cho biết: “Các dự án nhà ở xã hội mới triển khai chỉ đáp ứng được cho nhóm công nhân lao động độc thân, còn đối với công nhân lao động có gia đình thì quả thực đây đang là vấn đề lớn. Vì các kết cấu, cơ sở hạ tầng quanh các khu công nghiệp như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, trạm y tế và các điều kiện dịch vụ khác đi kèm rất khó khăn để tìm thêm quỹ đất và vốn xây dựng”.

Hiện, cả nước có hơn 5 triệu lao động làm việc trong 325 khu công nghiệp. Một số khu công nghiệp đã xây nhà lưu trú cho công nhân nhưng nhiều dự án dù được quy hoạch từ rất lâu vẫn nằm trên giấy. Trong khi, ngay cạnh đó, những khu nhà thương mại, chia lô bán nền mọc lên như nấm. Người lao động vẫn mong có nơi an cư để gắn bó lâu dài với nhà máy.

Vấn đề quỹ đất và nguồn vốn

Huyện Mê Linh (Hà Nội) đang triển khai dự án nhà ở xã hội với hai loại căn hộ để người mua lựa chọn là căn 54m2 và 69m2 với giá khoảng 8,5 triệu đồng/m2. Theo đánh giá chung, mô hình nhà ở giá rẻ cùng với sự đồng bộ theo tiêu chuẩn như trường mầm non, mẫu giáo… sẽ đáp ứng nhu cầu sống cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, số lượng đó mới chỉ đáp ứng gần 40% nhu cầu đăng ký. Ông Phạm Tiến Dũng, chủ đầu tư Dự án nhà ở xã hội cho biết: “Để thu hút được đầu tư cho nhà ở xã hội, chúng tôi mong muốn có được những quỹ đất sạch và hạ tầng chung quanh phải được quy hoạch đồng bộ để bảo đảm cư dân sống trong những khu nhà ở xã hội được thụ hưởng những công trình phúc lợi xã hội khác như nhà ở thương mại”.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng: “Quỹ đất cho nhà ở xã hội phải rộng từ hàng chục ha trở lên hay hàng trăm ha thì mới giúp có hạ tầng ổn định, lâu dài và khi làm quy mô lớn như vậy mới tiết kiệm được chi phí đầu tư”. Việc thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội với nhiều nguyên nhân được chỉ ra, nhiều ý kiến cho rằng việc lợi nhuận bị khống chế và khó tiếp cận các gói tín dụng cho vay ưu đãi để phát triển phân khúc nhà ở này đã khiến các nhà đầu tư không mặn mà khi tham gia các dự án nhà ở xã hội.

Để giải quyết sự hạn chế này, nhiều giải pháp đã được tính tới để hoàn thành mục tiêu xây dựng 15 triệu m2 nhà ở xã hội vào năm 2025. Ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: “Bộ đang đề xuất với Chính phủ hai gói tín dụng. Gói cho các đối tượng nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp khoảng 15 nghìn tỷ đồng thông qua ngân hàng chính sách và các gói tín dụng cho chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội để được vay thông qua ngân hàng thương mại, Nhà nước sẽ cấp bù lãi suất cho ngân hàng thương mại”.

Theo mục tiêu phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 với trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội hướng tới người nghèo. Đến năm 2031 sẽ có ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp được hoàn thành. Thời gian tới, để đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tháo gỡ các vướng mắc, cắt giảm thủ tục hành chính để các doanh nghiệp có động lực phát triển nhà ở xã hội. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn lập bảo đảm đủ quỹ đất để triển khai nhà ở xã hội. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo các điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi theo quy định. Tại một cuộc họp mới đây, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành xây dựng ngay Dự thảo trình Chính phủ Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030.