Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Thái Duy - Một nhà báo độc đáo

Nhà báo, nhà văn Thái Duy - Trần Đình Vân là một nhà báo cách mạng cao niên bậc nhất hiện nay. Đến 2023 này, thiếu hai tuổi nữa ông sẽ tròn trăm. Ngày ngày ông vẫn đọc báo, quan tâm đến thời sự và những hoạt động của báo chí nước nhà, vẫn tâm huyết xa xăm…
0:00 / 0:00
0:00
Nhà báo Thái Duy (ngoài cùng bên phải) trong một lần được gặp Bác Hồ.
Nhà báo Thái Duy (ngoài cùng bên phải) trong một lần được gặp Bác Hồ.

1/Trên đường tham gia kháng chiến, chàng thanh niên Trần Duy Tấn quê Bắc Giang được tuyển vào báo Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, tờ nhật báo lớn nhất, ảnh hưởng sâu rộng trong cả nước hồi bấy giờ.

Ông kể: Báo Cứu quốc vì ngán tôi, vì nhớ tôi mà phải lấy tôi vào. Tôi mê báo từ nhỏ, tham gia cách mạng bằng việc viết những bản tin tuyên truyền kháng chiến ở làng quê. Rồi cứ thế, viết bài gửi đến Cứu quốc. Ba bài không đăng, năm bài không đăng, vẫn cứ tiếp tục gửi.

Nhà văn Nam Cao, khi ấy trong Tổ thư ký tòa soạn của báo, nói với Thái Duy: Tôi nói thật, bài cậu viết nhạt quá, nhưng thấy cậu say mê, yêu nghề quá, gan góc quá, thử lấy cậu xem sao… Nam Cao là người tuyển dụng, người thầy của Thái Duy từ đó.

Do yêu nghề, do gan góc, Thái Duy miệt mài học tập ở những người thầy như Chủ nhiệm, chủ bút Xuân Thủy, các nhà văn phóng viên như Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng…; miệt mài và hăng say đi thực tế, đi hàng tháng, thậm chí hàng năm với Đại đoàn 308, xông pha trên chiến trường Lào, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tự lo ăn uống sinh hoạt, tự lo tìm đề tài, lo tìm cách gửi bài cho tòa soạn… mà Thái Duy trở thành một nhà báo mặt trận có tên tuổi trên báo Cứu quốc, tờ nhật báo duy nhất và lớn nhất lúc bấy giờ. Bài của ông luôn được bộ đội và nhân dân hồ hởi đón đọc.

2/Chiến thắng Điện Biên Phủ dù lừng lẫy, chấn động cả địa cầu. Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chiến, lập lại hòa bình ở Đông Dương ngày 21/7/1954 vừa ký chưa ráo mực đã bị Mỹ - Diệm xé bỏ. Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương năm 1959, cả nước đã nhất tề đứng lên đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Khởi đầu là việc mở đường Trường Sơn năm 1959, là Phong trào Đồng khởi ở Bến Tre năm 1960, dẫn tới việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam vào ngày 20/12/1960. Mặt trận cần có tờ báo làm cơ quan ngôn luận. Báo Cứu quốc ở miền bắc đã cử Tổng Biên tập Trần Phong (tên khai sinh Lê Văn Thơm, bí danh Kỳ Phương) đi đường biển theo đoàn tàu không số; hai nhà báo Tống Đức Thắng (bí danh Tâm Trí) và Thái Duy (bí danh Trần Đình Vân) lội bộ vượt Trường Sơn ba tháng ròng vào Tây Ninh cùng một số đồng chí Nam Bộ sáng lập báo Giải phóng. Báo Giải phóng ra số đầu ngày 20/12/1964, gồm 12 trang in hai mầu, đồng loạt xuất hiện trong vùng giải phóng, vùng ven, vào nội đô Sài Gòn và ra Hà Nội qua đường Phnôm-pênh; thổi lên một hồi kèn giải phóng làm nức lòng quân dân cả nước, báo hiệu một cao trào cách mạng mới.

Tháng 3/1965, Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền nam Việt Nam được tổ chức tại căn cứ Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Chị Phan Thị Quyên, vợ Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, lúc này đã tham gia biệt động, là đại biểu. Nhà báo Thái Duy được giao nhiệm vụ gặp và ghi chép lại những chuyện kể của chị Quyên về anh Trỗi, hạn trong 15 ngày phải xong. Bản thảo được một phóng viên Liên Xô (trước kia) mang ngay ra miền bắc, qua đường hàng không từ Phnôm-pênh, tới Bác Hồ, được Bác khen ngợi, chỉ đạo in thành sách, do chính Bác đề tựa. Từ cái tên ban đầu là “Những lần gặp gỡ cuối cùng”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đổi tên thành “Sống như Anh”, chữ Anh (Trỗi) viết hoa, đăng nhiều kỳ trên các báo và xuất bản lần đầu ở NXB Văn học tháng 7/1965, 302 nghìn bản, sau đó được tái bản liên tục, lên tới hàng triệu bản. Cho đến nay, chưa có cuốn sách nào ở Việt Nam vượt qua kỷ lục đó. “Sống như Anh” đã tạo ra một làn sóng mạnh mẽ, dấy lên trong cả nước phong trào noi gương Anh Trỗi thi đua sản xuất và diệt giặc. Lời giới thiệu của NXB Văn học đánh giá: “Sống như Anh là một tập tư liệu rất quý. Nhưng không chỉ có giá trị về tư liệu. Sống như Anh còn là một tác phẩm văn học lớn. Qua tâm hồn trong trẻo và tràn ngập yêu thương của người vợ trẻ, qua ngòi bút trung thực và tế nhị của người ghi, chúng ta thấy hiện lên hình ảnh rất sinh động của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và của cả một tập thể anh hùng, cả một dân tộc anh hùng”.

Quả vậy, “Sống như Anh” là một tác phẩm lớn không chỉ vì đối tượng phản ánh của nó rất vĩ đại mà lao động nghệ thuật của tác giả cũng rất tinh diệu, công phu. Cộng sản, Việt cộng hồi ấy bị kẻ địch tuyên truyền như những kẻ không tim, nhưng anh Trỗi, cứng cỏi, lẫm liệt trước kẻ thù bao nhiêu, lại tràn ngập yêu thương trước nhân dân, trước người vợ trẻ của mình bấy nhiêu. Những chi tiết săn sóc bé Dân, cuống quýt khi chị Quyên ốm, xách nước cho chị Quyên tắm vì lo bậc thềm quá cao, việc giật phăng băng bịt mắt và câu nói cuối cùng “Không, phải để tôi được nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi” đã làm xúc động cả thế giới, góp vào sự thay đổi cách nhìn về người cộng sản. Ngòi bút già dặn của Trần Đình Vân đã làm cho mỗi câu nói của anh Trỗi thành một châm ngôn, một chân lý như “Còn thằng Mỹ thì không ai có hạnh phúc nổi cả”, “Kẻ có tội không phải là tôi, kẻ có tội là bọn Mỹ”… Người đọc cũng thấy được cả một tập thể nhân dân gan góc anh hùng qua chị Y, chị X và những người tù; qua việc bà con đi làm lễ cầu siêu cho anh Trỗi ngay giữa đô thành Sài Gòn, trước họng súng của binh lính và cảnh sát.

Chị Nguyễn Thị Châu, một nữ sinh, nữ trí thức tiêu biểu, một chiến sĩ cách mạng kiên cường của miền nam Thành đồng Tổ quốc, nhân vật X trong “Sống như Anh”, nhân vật Phượng trong tiểu thuyết “Áo trắng” của Nguyễn Văn Bổng. Sự kiên trung, tâm hồn trong sáng, tình yêu chung thủy của thanh niên trí thức được chị thể hiện trong bốn câu thơ khắc trên tường nhà tù Mỹ - Diệm: “Áo trắng em chưa vướng bụi đời/Chưa từng mơ tưởng chuyện xa xôi/Nhưng nay gặp cảnh đời chua xót/Áo trắng này nguyện trắng mãi thôi”. Chị Châu được ở sát bên anh Trỗi 10 phút trong tù, từng cảm thấy xiết bao tự hào vì đứng trong đội ngũ có những người như anh, từng thân thiết với nhà báo Thái Duy từ tháng 3/1965, đã cung cấp thêm cho nhà báo nhiều tư liệu quý.

Thái Duy - Một nhà báo độc đáo ảnh 1

Nhà báo Thái Duy (bên trái) và tác giả bài viết.

3/Sau thời kỳ ở Nam Bộ làm báo Giải phóng, sau khi hoàn thành một số tác phẩm đỉnh cao “Sống như Anh”, “Người tử tù Khám lớn”, “Những đồng đội của Nguyễn Văn Trỗi”…, Thái Duy trở về miền bắc với báo Đại đoàn kết, lao vào mặt trận nông nghiệp, chiến đấu và chiến thắng trong sự nghiệp khoán mới.

Hợp tác xã nông nghiệp ban đầu phát huy tốt những yếu tố tích cực. Nhưng việc kéo người nông dân xa ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác, việc chuyên quyền, độc đoán, tham nhũng của cán bộ, việc bất công trong khoán việc, trong phân phối, đã làm triệt tiêu sự hứng khởi, tinh thần làm chủ của người nông dân. Ở miền bắc, năm 1961, mức bình quân lương thực đầu người là 24kg/tháng, đến năm 1965 giảm chỉ còn 14kg/tháng. Hạt gạo còn chia ba, chia bốn cho các chiến trường A (miền bắc), B (miền nam), C (Lào), K (Cam-pu-chia). Đói ăn là điều mà thời nay, thời Việt Nam là nước xuất khẩu gạo nhất, nhì thế giới không thể hiểu được, nhưng đói quay, đói quắt đã không chỉ năm 1945 mà kéo dài suốt cả mấy thập kỷ, cho đến hết những năm 80. Là người chỉ nhìn và trung thành với sự thật, Thái Duy nhức nhối với câu hỏi vì sao cũng con người ấy, đồng đất ấy mà mảnh ruộng 5% có năng suất cao hơn hẳn ruộng hợp tác xã; nhức nhối với câu ca đầy oán thán: “Một người làm việc bằng hai/Để cho chủ nhiệm mua đài, mua xe”; nhìn thấy người nông dân táo bạo xé rào tìm đến khoán mới, hồi đó gọi là “khoán chui” vì hợp tác xã lúc đó gắn liền với công hữu, không ai dám động đến, vì như thế bị coi như đi ngược lại với đường lối của Đảng, với chủ nghĩa xã hội.

“Khoán chui hay là chết” là câu nói, là quyết tâm Thái Duy nghe thấy, nhìn thấy từ người nông dân Việt Nam. Đó là đường ra của nông nghiệp, nông thôn.

Nếu như trên báo Văn nghệ, Đại đoàn kết, Tiền phong khoảng giữa thập kỷ 80 có những bài viết chấn động về xã hội như “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc, “Người đàn bà quỳ” của Trần Khắc, “Câu chuyện về ông vua lốp” của Trần Huy Quang, “Thủ tục làm người còn sống” của Minh Chuyên, bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” của Phan Thị Xuân Khải…; thì trên mặt trận nông nghiệp, các nhà báo Lê Điền, Hữu Thọ, Phan Quang, Thái Duy…, đã sớm đi những bước tiên phong.

Nhìn thấy người dân đói, Thái Duy thấy như chính mình bị đói, bị đối xử bất công. Ông thốt lên câu hỏi: Tại sao nông dân lại chịu khổ lâu như vậy để có chủ nghĩa xã hội? Ông viết báo không phải bằng mực, mà bằng máu rỉ ra từ trái tim: “Đất nước đã được giải phóng nhưng nông dân chiếm gần 80% dân số vẫn chưa được giải phóng là sự thật đau xót”. Tâm đắc với câu nói của đồng chí Võ Chí Công: “Thời kỳ 1957-1958, chúng ta không nghe dân, đấu tranh vũ trang nên chết rất nhiều; vừa qua không nghe dân, nên đói, đói đến chết rất nhiều…”, nhà báo Thái Duy đã có hàng trăm bài báo như “Một cuộc cách mạng”, “Ngọn gió Hải Phòng”, “Phá thế độc canh ở Thái Bình”, “Cơ chế mới, con người mới”, “Khoán chui hay là chết”… Những bài báo đó đã góp phần tạo nên một cuộc cách mạng trong nông nghiệp đi từ Chỉ thị 100 đến Khoán 10. Sau này được tập hợp in thành sách “Khoán chui hay là chết” (NXB Trẻ, 2013) - một kỳ đài mới trong sự nghiệp làm báo của Thái Duy.

Về hiệu quả kinh tế, với Chỉ thị 100 đã làm cho thời kỳ 1981-1985 có tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân tăng 4,9%/năm; sản lượng lương thực từ 11,64 triệu tấn năm 1980 tăng 15 triệu tấn 1981. Năm 1988, sản lượng lương thực cả nước đạt 19,58 triệu tấn, nhưng chỉ một năm sau khi có Khoán 10, sản lượng năm 1989 tăng lên 21,58 triệu tấn. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo từ đó.

Đánh giá về đóng góp của nhà báo Thái Duy, nhà báo Hữu Thọ viết trên báo Nhân Dân số ra ngày 22/4/2013:

Cuộc đấu tranh cho chủ trương khoán sản phẩm ra đời rất quyết liệt, không chỉ quyết liệt ở cơ sở mà quyết liệt cả từ những người và cơ quan cấp cao, không chỉ trong nội bộ mà cả với ý kiến có gang có thép của một số cố vấn của Liên Xô... Những người không đồng ý khoán sản phẩm cuối cùng tung ra rất nhiều cái mũ to, cho rằng “nếu thực hiện khoán sản phẩm cuối cùng thì nên đốt sách Mác - Lê-nin đi”, thậm chí cho rằng “thực hiện khoán sản phẩm là bỏ Đảng”…

…“Các bạn đồng nghiệp cùng chung lưng đấu cật trong cuộc đấu tranh này như Thái Duy, Lê Điền ở báo Đại đoàn kết, Hồng Giao ở tạp chí Học tập, Đình Cao ở Thông tấn xã, Đắc Hữu ở báo Hà Sơn Bình... và những đồng chí hết lòng ủng hộ sự nghiệp đổi mới nông nghiệp, ủng hộ nhà báo như các anh Nguyễn Khánh, Minh Chương, Trần Đức Nguyên ở Văn phòng Trung ương... trong đó theo tôi thì nhà báo hăng hái xông pha trận mạc, viết nhiều nhất trong số chúng tôi chính là Thái Duy”.

(Chui ra chỗ sáng - Báo Nhân Dân 22/4/2013)

4/Độc đáo của Thái Duy là từ ngày vào báo Cứu quốc năm 1949 đến nghỉ hưu 1995, nghỉ hưu còn viết cho một tờ báo là báo của Mặt trận, chỉ có một chức là phóng viên, chỉ viết vì dân, vì sự thật. Ông nói, chỉ phóng viên, với tôi như thế là sung sướng lắm rồi! Ấy vậy, mà ông thường ngồi ở “mâm” Tổng Biên tập, thậm chí cao hơn, vì từng được Bác Hồ, được Mao Trạch Đông tiếp. Ông được nông dân coi như người của mình, được có những tác phẩm đỉnh cao để lại cho đời sau.

Sống như là viết, viết là sống. Cả cuộc đời làm báo của Thái Duy là cuộc đời của một con người phấn đấu không mệt mỏi, không chùn bước để “Chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tươi tốt” như lời Bác Hồ căn dặn trong Di chúc. Vinh quang của ông không thuộc về những phần thưởng, những chức vụ mà là tất cả những gì mới mẻ, tốt tươi không ngừng nảy nở trên đất nước tươi đẹp của chúng ta.