Thách thức quản lý tài sản

Quản lý tài sản (wealth management) là một trong những phân khúc hấp dẫn trong thị trường tài chính. Nhưng sau nhiều năm, phân khúc này vẫn chưa mở rộng được như kỳ vọng.
0:00 / 0:00
0:00

“Quản lý tài sản chuyên nghiệp” dường như vẫn là một cụm từ chưa phổ biến. Trên thị trường, vẫn có những cá nhân, hoặc số ít tổ chức quản lý tài sản chuyên nghiệp, nhưng chỉ số ít khách hàng biết, hoặc người trong nghề nắm bắt mà chưa có sự phổ biến. Chỉ cần vài giây, nhà đầu tư (NĐT) có thể nhắm mắt kể ra tốp 5, tốp 10 công ty chứng khoán (CTCK) hàng đầu, nhưng ngẫm nghĩ vài phút, chưa chắc họ kể ra và kể thuyết phục được tốp 5 hay tốp 10 đơn vị quản lý tài sản chuyên nghiệp, đó là một thực tế. Nhưng nếu đi tìm nguyên nhân vấn đề sẽ thấy yếu tố khách quan nhiều hơn chủ quan và việc để định hình ngành này có lẽ cũng cần thêm thời gian.

Quản lý tài sản nhìn chung là đa dạng, tức là cũng có cả mạo hiểm, ổn định, hay linh hoạt, nhưng trước mắt sẽ hướng đến tiêu chí chuyên nghiệp, bài bản. Điều này đôi khi mâu thuẫn với sức hút trên thị trường chứng khoán, khi chỉ một phiên giao dịch đã lãi 7-10%. Chính vì vậy không phải NĐT nào cũng chấp nhận bỏ tiền vào cho một đơn vị đủ để sinh lời mỗi năm 10%. Giám đốc chi nhánh một CTCK kể lại, anh có một khách hàng cứ khoản giao dịch nào lãi 5% là chốt (dù có thể lãi hơn) và điều này cứ lặp lại trong thời gian dài. Nhóm NĐT như vậy có, nhưng không quá nhiều và hiện cũng không có đơn vị nào đủ sức tìm kiếm để “gom” lại, chi phí có thể lại rất lớn. Mặt khác, cũng cần thêm thời gian, để quy mô tài sản của NĐT nhìn chung tiếp tục tăng lên, tới mức mà số đông nhận thấy rằng, sinh lãi từ 5-10%/năm, hay chỉ cần lãi hơn gửi tiết kiệm cũng đã là thành công. Còn hiện nay, với quy mô tài sản của nhiều NĐT, cảm giác của họ vẫn là tự mình có thể quản lý, tìm kiếm cơ hội sinh lời, hơn là giao cho một bên nào đó “nắm”.

Với các đơn vị quản lý tài sản, một việc cũng nên làm chính là phổ biến kiến thức, thông tin để NĐT hiểu về tầm quan trọng của quản lý tài sản. Cần những câu chuyện, thông tin, hình ảnh trực quan hơn về quản lý tài sản để không chỉ tìm kiếm khách hàng hiện tại, mà còn là tương lai. Thực tế, các đơn vị có tệp khách hàng lớn (CTCK lớn), hoặc các định chế tài chính có đủ các kênh chứng khoán, ngân hàng bảo hiểm cần có những thông điệp cho tương lai của ngành quản lý tài sản. Nói đơn giản là khách hàng gửi tiết kiệm 500-700 triệu đồng có thể chưa nghĩ đến việc quản lý tài sản, nhưng nếu số tiền tăng lên thành 5-7 tỷ đồng thì nhu cầu để quản lý tiền sẽ có. Nhưng trong thời điểm mà các chỉ tiêu ngắn hạn cũng rất quan trọng, liệu có bao nhiêu định chế tài chính chuẩn bị cho những cuộc chơi này. Nên chăng, cần một chiến lược tổng thể, dài hơi và quan trọng là các nhà quản lý tài sản phải công bố điều này rộng rãi hơn nữa để dần dần đón sóng.