Thạch Nham Đông bất ngờ lũ lớn

Mưa lớn những ngày qua đã làm hồ Hố Dư vỡ, tạo thành đợt lũ lớn tràn về thôn Thạch Nham Đông (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), khiến 20 ngôi nhà bị sập một phần và hoàn toàn.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà bà Đỗ Thị Thanh Hoa sau trận mưa lũ.
Nhà bà Đỗ Thị Thanh Hoa sau trận mưa lũ.

Bất ngờ đêm lũ

Tối 14/10, sau khi kiểm tra thấy nước chỉ tới mấp mé ngoài sân, bà Trương Thị Bốn, 66 tuổi, thôn Thạch Nham Đông vẫn nghĩ nước chỉ dâng đến đó thôi, nên dọn dẹp trong phòng ngủ. Ngay khi nghe cháu nội vào báo nước đang dâng, bà chạy đi xem thì thấy nước đã tràn vào nhà dưới, cao tới mắt cá chân. Hốt hoảng, bà vội mang một số đồ đạc ở dưới sàn đặt lên cái bàn cao bên cạnh. Chỉ một lúc thì bất ngờ nghe tiếng ào ào rất lớn của nước tràn vào, cuốn bung cánh cửa, dứt bản lề, nước cuốn theo nhiều đồ đạc trong nhà. Tiếc của, bà Bốn giữ cái tủ lạnh lại nhưng nước quá mạnh, các con đã nhanh chóng tới kéo bà lên nhà để an toàn cho bản thân.

Mọi việc xảy ra chỉ trong hơn nửa tiếng. “Trong nhà lúc đó có sáu người cùng với ba người hàng xóm tới ở nhờ tránh lũ. Do nhà tôi kiên cố hơn chung quanh, lại có cái gác lửng, từ trước tới nay vẫn chưa hề nước ngập vào trong nhà nên tin rằng, nhà có thể an toàn. Vậy mà bây giờ bị cuốn trôi đi sạch”, bà Bốn kể lại.

Hồ Hố Dư cách thôn Thạch Nham Đông khoảng 2km, đã tồn tại từ rất nhiều năm nay. Trước đây, người dân đắp lại để tích nước phục vụ sản xuất, trồng trọt. Sau này, khi cấp đất cho dân, hồ nằm trong khuôn viên của một hộ nên chỉ sử dụng phục vụ tưới nước cho các gia đình sản xuất. Bình thường hằng năm, lượng nước trong hồ không nhiều, không gây ảnh hưởng, nguy hiểm gì đến thôn. Khi hồ vỡ, nước bắt đầu dâng lên, biết tình hình không trụ được, anh Nguyễn Thanh Niên đã cõng con và mẹ là bà Đỗ Thị Thanh Hoa, 67 tuổi, lội nước qua nhà hàng xóm ở nơi cao hơn để tránh lũ. Sau đó anh quay về để đưa vợ đi, nhưng nước lên nhanh quá đã cuốn cả hai trôi theo. May mắn chị vợ bám được vào cột nhà và níu chồng lại. Hai vợ chồng leo được lên mái nhà để tránh, nước cũng nhanh chóng dâng cao tới nửa nhà. Vợ chồng anh Niên gọi hàng xóm nhờ hỗ trợ nhưng nước chảy quá mạnh và ngập sâu, kèm mưa lớn, mọi người cũng đành bất lực. Bờ tường chung quanh ngôi nhà cũng đổ sập ngay sau đó. Không chịu được, ngôi nhà cũng sập 2/3 diện tích, đổ mái, chỉ còn lại gian thờ và một phòng ngủ nhỏ. Đồ đạc cũng bị cuốn trôi sạch. Chờ nước rút, hai vợ chồng mới dám xuống và qua nhà hàng xóm mượn đỡ quần áo để mặc tạm và ở nhờ qua đêm.

Bất lực nhìn ngôi nhà trơ trọi trong đống đất đá, bùn lầy, bà Đỗ Thị Thanh Hoa cùng các con đành tìm kiếm lại các vật dụng, đồ đạc trong nhà còn sót lại. Mái nhà sập làm trơ căn bếp giữa trời, bên trong cũng không còn vật dụng gì. Hai người con làm nghề nấu mâm lễ thôi nôi, đầy tháng cho khách đặt, nước lũ cuốn không còn gì để nấu nướng trở lại.

Cần xử lý hiệu quả và lâu bền

Theo báo cáo của trưởng thôn, hồ Hố Dư vỡ đã gây thiệt hại nặng cho 26 hộ. Trong đó có hai nhà bị sập hoàn toàn, còn lại bị sập một phần hoặc đồ đạc trôi đi sạch. Mỗi nhà cũng thiệt hại từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Sau lũ, các đồng chí bộ đội đã nhanh chóng có mặt để hỗ trợ các hộ dân dọn dẹp nhà cửa. Đến nay, công việc cơ bản đã hoàn thành, tuy nhiên, việc khắc phục vẫn còn lâu dài. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, hội đoàn thể cùng nhà hảo tâm cũng đã thăm hỏi và hỗ trợ khẩn cấp cho các hộ như lương thực, thực phẩm, đồ dùng, tiền mặt. “Đến giờ vẫn chưa mua lại được cái gì, trước mắt nhận được một ít kinh phí từ các đơn vị hỗ trợ, tôi sẽ cố gắng mua trước cái máy lọc nước để gia đình có nước dùng, máy cũ bị bùn đất lấp đầy, hư hỏng không thể sửa chữa được nữa”, bà Bốn bộc bạch.

Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Trần Văn Thu cho biết: Tối đó, cán bộ hội nông dân kiểm tra thấy hồ có dấu hiệu vỡ, nên đã nhanh chóng thông báo cho người dân nhưng vẫn không kịp trở tay. Xã đã có báo cáo với huyện và thành phố đề nghị phương án xử lý hồ Hố Dư. Một là không cho tồn tại nữa, không đắp hồ lại, mà chuyển đổi thành diện tích đất cho người dân trồng trọt. Nếu vẫn đắp lại thì cần làm đúng quy trình để bảo đảm cho người dân sản xuất và an toàn không xảy ra tình trạng vỡ như lần này.

“Chúng tôi vẫn đang ở nhờ nhà hàng xóm, ăn uống, tắm rửa tạm ở bên đó. Vừa rồi được người bạn cho cái nệm cũ để nằm đỡ trong nhà. Hiện tại gia đình chưa biết bắt đầu lại như thế nào. Trước mắt thì cứ dọn dẹp đã, cũng đã có nhiều đơn vị đến hỗ trợ nên gia đình sẽ coi cái gì cần thiết thì mình mua trước”, bà Hoa chia sẻ.