Tết xưa của người Việt cổ
Do nhu cầu canh tác nông nghiệp, người Việt cổ đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc “giao thời”. Trong đó, quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên đán. Sau này, nó được biết đến là Tết Nguyên đán, tức là Tết của người Việt.
Do đó, trước Tết là quãng thời gian chuẩn bị cho mùa vụ mới. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, vào đầu xuân năm 987, Vua Lê Đại Hành làm lễ tịch điền, cày ruộng để khuyến khích dân chúng trồng trọt, sản xuất. Đó là lễ tịch điền đầu tiên ở Việt Nam được sử sách ghi nhận lại. Các triều đại như Lý, Trần… sau đó rất coi trọng lễ tịch điền. Vào thời nhà Nguyễn, Vua Gia Long đã quy định ruộng tịch điền và Vua Minh Mạng khôi phục nghi lễ này và coi như một đại lễ quan trọng. Sau nghi lễ, vua là người đầu tiên xuống ruộng cày, ba lần đẩy cày đi, ba lần đẩy cày lại, sau đó đến các vị hoàng công thân phiên cày năm lần rồi đến bá quan văn võ mỗi người cày chín lần, cuối cùng là các vị kỳ lão hương thôn và lão nông... cho đến khi kết thúc.
Bên cạnh đó là lễ Tiến xuân được tổ chức vào tiết Lập xuân. Tiếp đó là Tết, ngày lễ hội lớn của người Việt cổ nhằm đón mừng một vụ mùa nông nghiệp mới. Về bản chất, Tết là khoảng thời gian người nông dân được nghỉ ngơi, vui chơi trước khi bắt đầu một chu kỳ canh tác, gieo trồng mới. Bên cạnh đó, bữa cơm ngày thường của người Việt xưa, đặc biệt là người nông dân, luôn thiếu thốn. Cho nên, ăn Tết với đầy đủ vật chất (nhà cửa tươi mới, bàn thờ được lau dọn sạch sẽ, trang trí thêm cành đào, cành mai, nụ tầm xuân…), nhiều món ngon vật lạ (bánh chưng, bánh dày, bánh tét, dưa món, mứt, thịt heo…) là ước mơ về sự đủ đầy trong cả năm.
Thậm chí, trong các ngày “nông nhàn” là Tết, một bộ phận nông dân còn trở thành người buôn bán ở chợ hoặc trở thành người thợ thủ công để kiếm thêm thu nhập. Đó chính là nguồn gốc của các khu chợ chỉ họp vào ngày Tết Âm lịch, như Phiên chợ Thiều (Thanh Hóa), chợ đình Bích La (Quảng Trị), chợ Gia Lạc (Huế), chợ Gò (Bình Định)...
Như vậy, Tết là đặc trưng của văn hóa Việt cổ và là Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Nấu bánh chưng, bánh dày, bánh tét, ăn trầu cau… là những nét độc đáo vào ngày Tết của người Việt cổ còn lưu lại đến tận bây giờ.
Tết nay nên bỏ những điều không nên!
Đọc bài thơ “Ghét Tết” của nhà thơ Tú Mỡ, dễ nhận ra nhà thơ ghét Tết là do Tết “phiền”. Phiền là do Tết phải “tiêu pha thực tốn tiền”, “chè chén cứ liên miên”, phải nghe những câu chúc sáo rỗng, mừng tuổi phải lì-xì và phải tốn tiền mua pháo về đốt.
Bên cạnh đó, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn cổ vũ việc đón Tết của người dân theo hướng tiết kiệm. Ngày 18-1-1960, Người có bài “Mừng Tết Nguyên đán như thế nào?”, trong đó nêu những việc đáng chê, đáng khen trong việc ăn Tết, nhắc nhở cán bộ phải làm gương, hướng dẫn nhân dân ăn Tết vui vẻ, tiết kiệm. Người nhận định: “Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng Xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không Xuân”. Người kêu gọi: “Mừng Xuân, Xuân cả thế gian/ Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân”.
Đặc biệt, người dân bỏ việc đốt pháo ngày Tết chứng tỏ được bản lĩnh văn hóa của Việt Nam. Ngày 8-8-1994, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ban hành Chỉ thị số 406-TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Chỉ thị nêu rõ: “Do sản xuất và đốt pháo đã gây ra hàng nghìn vụ tai nạn, cháy nhà, chết người hoặc gây thương tật suốt đời, ảnh hưởng đến trật tự an ninh, tổn thất kinh tế, ô nhiễm môi trường rất lớn không thống kê được…”. Để nhanh chóng khắc phục tình trạng trên, cũng là xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chung của nhân dân trong cả nước và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ IV về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí”, nên Thủ tướng Chính phủ chỉ thị kể từ ngày 1-1-1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước. Do đó, Tết Nguyên đán năm Ất Hợi 1995 vắng bặt tiếng pháo nổ, là Tết đầu tiên của người dân nước Việt không đốt pháo nổ sau nghìn năm pháo nổ tưng bừng.
Hiện nay, một bộ phận không nhỏ người nông thôn đã lên thành thị làm việc để kiếm kế sinh nhai nhưng họ vẫn muốn về nhà đoàn tụ gia đình. Trong đó có cả những trường hợp “tha phương cầu thực”, bỏ quê hương, bản quán đến với phương trời xa lạ để kiếm ăn. Trong những cái khổ của con người, như Phật giáo đã chỉ ra là do “ái biệt ly khổ”, nghĩa là thương nhớ, muốn gặp mặt, muốn đoàn tụ mà phải xa nhau nên khổ. Vì thế, ai làm việc cực nhọc quanh năm suốt tháng, xa quê, xa gia đình, xa bạn bè, xa người yêu... đều có tâm lý thích được có một khoảng thời gian đủ dài để gặp lại người thân, để giải tỏa những tâm tư tình cảm.
Vậy khoảng thời gian phù hợp nhất là khi nào? Đó chính là Tết. Lúc đó, người ở quê cũng đang nghỉ ngơi sau vụ mùa nên người xa quê về cũng có thể chung vui được. Giả sử, nếu bỏ Tết và chỉ nghỉ vào Ngày Năm mới như ở phương Tây thì người làm ăn xa quê làm sao có thể về kịp? Làm sao họ có thể duy trì truyền thống tốt đẹp “Mồng Một Tết Cha, Mồng Hai Tết Mẹ, Mồng Ba Tết Thầy”? Do đó, Tết Nguyên đán cũng là Tết của sự đoàn viên.