Hồi nhỏ, những ngôi nhà trong làng chỉ cách nhau giữa một khoảng vườn đủ rộng để lũ trẻ đùa nghịch, chạy đuổi nhau, chơi trốn tìm. Bờ rào giữa các nhà chỉ là những dải cây xanh thân mềm như râm bụt, cúc tần, duối cùng những thân tre, gỗ khô cột giằng tạm bợ. Bọn trẻ chúng tôi vạch một lỗ đủ rộng để chui qua lại nhà nhau khi muốn tụ tập. Hồi ấy, nhà nhà thắp đèn dầu. Cuối đông, cận Tết tiết trời luôn giá rét, giữa nhà nào cũng có nồi than củi, than đá nổ lép bép để xua cái lạnh. Hầu như Tết năm nào cũng lây phây mưa. Mẹ bảo Tết phải có chút mưa phơi phới bay mới may mắn. Tôi không biết có thật thế không nhưng chỉ thấy rét căm căm, càng rét môi lũ trẻ chúng tôi càng đỏ căng vì nứt nẻ, má càng đỏ căng vì nứt nẻ.
Bữa ăn sáng tuổi thơ ngày Tết, thích nhất là nồi cháo xương đuôi heo, sườn non mẹ hầm nhừ, bỏ thêm hành, rau mùi xắt nhỏ. Giữa giá rét đầu xuân, húp bát cháo ấy, không thấy thức ăn gì trên đời này ngon hơn. Mẹ rán những khoanh bánh tét tròn nhân đậu xanh nhiều hơn thịt, bảy phần nếp ba phần tẻ. Mùi mỡ lợn thơm thơm, mùi bánh rán thơm thơm nhức mũi. Cắn miếng bánh giòn vỏ ngoài, mềm dẻo bên trong chấm với nước mắm bỏ chút bột ớt khô thật tuyệt vời!
Chúng tôi mong Tết để được ăn no và ăn ngon. Chiều 30, bố mẹ sẽ cúng gà xôi, thịt lợn luộc, củ hầm xương chân giò. Thịt lợn ăn đụng ngày ấy chỉ ăn thòm thèm vì đến ngày mồng 5 là phải ăn dè. Đêm 30, chị em tôi ngồi canh nồi bánh chưng đến quá Giao thừa, gần 3 giờ sáng vẫn thức để chờ chiếc bánh tò te mẹ vớt chia cho từng đứa. Sao đầy trời đêm 30, sương lạnh đầy không gian đêm 30, sân đầy xác pháo đỏ, trắng, hồng, mùi thơm của vườn, của bếp lửa, của hơi nước từ nồi bánh, từ ánh lửa bập bùng sáng, từ tóc gội lá cây hồi chiều trên đầu mỗi chị em… Hương vị, sắc mầu ấy cứ theo tôi lớn lên, nhắc nhớ tôi về nơi được sinh ra, nuôi lớn, cho tôi một nơi để trở về khi mỏi mệt kiệt cùng, khi bị thương tổn, bị thất bại, thất vọng.
Tết là ngày để ai ai cũng muốn trở về nhà, Tết là khoảng thời gian bao hoài niệm, ký ức bỗng cuồn cuộn chảy trôi trong tâm trí, dù nghèo hay giàu, dù thành công hay thất bại, dù tự tin hay tự ti, dù thiện lương hay hiểm ác… ai ai cũng muốn trở về nhà. Tết ngày ấy có bánh mứt bảy mầu, kẹo bi, bóng bay, tiền mừng tuổi, áo hoa, áo kẻ. Mẹ đã phải dành dụm từng đồng trong suốt những ngày chợ để mua vải hoa, tự tay cắt may cho lũ con gái những chiếc áo rực rỡ, chắt bóp tiền mua dần những đôi hoa tai tòng teng đủ mầu vàng, đỏ, xanh, những đôi dép nhựa mới, vài chiếc kẹp tóc xinh xinh. Bố mẹ tôi đã bao mùa Tết chẳng một mầu áo nào khác ngoài mấy bộ cũ dần bạc mầu theo từng Tết trôi qua, theo mỗi tuổi chúng tôi lớn lên, dậy thì, vào cấp 2, cấp 3, đại học, cao học… khi chúng tôi đã có tiền mua đồ xịn, đồ đẹp, đồ bổ cho bố mẹ dùng thì tóc cha mẹ đã bạc, da đã mồi, xương khớp đã rệu rã, răng đã yếu, rụng. Tết giờ đây, tôi muốn chở bố mẹ đi chơi thăm thú nơi biển này, nơi sông kia, nơi đồi núi nọ… song cũng ít khi thành vì bố mẹ chỉ muốn ở nhà ngồi thong thả ngắm hoa đào nở, ngắm cúc bung cánh, loay hoay sửa soạn đồ cúng gia tiên, chơi với lũ cháu lâu bâu ríu rít, xem phim, xem TikTok, lướt Zalo, Faceboook, call video với những bạn lớp cũ, bạn hồi quân ngũ nơi khắp các tỉnh, thành phố...
Mỗi khi nhớ lại Tết tuổi thơ nghèo khó, chỉ mong sáng mồng Một đến nhanh để được mặc áo hoa, được cầm bóng bay theo mẹ đội lễ lên chùa cúng Phật, được ăn bánh chưng, bánh tét ngập miệng no bụng, được đi chơi khắp xóm trên, làng dưới với bố mẹ và nhận phong bao mừng tuổi đỏ chót, trên bao vẽ tràng pháo và hoa đào tươi thắm. Mỗi Tết qua, mỗi xuân đi, chúng ta dẫu già cỗi về thân xác nhưng những ký ức về mùa xuân, về Tết cổ truyền, những cái Tết sum vầy, đoàn viên, những cái Tết của thương yêu, bao bọc, ấm cúng vẫn đầy trên môi nhau, đầy trong mắt nhau những hân hoan chúc tụng, cầu mong cho ai ai cũng có một năm an khang, thịnh vượng.
Tôi vẫn nguyên vẹn cảm giác háo hức mong chờ Tết đến, xuân về, vẫn rạo rực khi nhìn lũ trẻ tung tăng chơi với bóng bay rực rỡ nơi những hè phố, sân quảng trường, sân chùa. Tôi luôn mơ ước một điều cho nhân gian, dầu khó khăn, mỏi mệt đến đâu nhưng khi Tết đến, xuân về vẫn phải luôn dành cho lũ trẻ những bóng bay và áo hoa rực rỡ.