Mẹ ngồi may đồ Tết cho khách, lúc nào cũng để sẵn một lò than nóng bên cạnh, tôi và con mèo Bông cũng men theo, ngồi cạnh mà sưởi ấm, tôi hay kể cho mẹ nghe những chuyện của lớp tôi, có những khi ngủ quên theo tiếng máy may của mẹ lúc nào.
Những ngày giáp Tết, không khí rộn ràng đang về từng căn nhà trong con hẻm nhỏ. Những đứa trẻ con như tôi thì háo hức mong chờ Tết. Người lớn thì tất bật, bận bịu hơn. Những người già dường như trẻ ra với những kỷ niệm xưa cũ còn trong ký ức.
Mẹ tôi là thợ may, bà mở một cửa tiệm nhỏ tại nhà, khách hàng chủ yếu là hàng xóm. Không khí Tết của nhà tôi chính là quần áo, những tấm vải đủ mầu sắc qua bàn tay của mẹ tôi đã trở thành những cái áo sơ-mi, những chiếc váy bèo nhúng điệu đà rất là xinh. Để kịp may đồ cho khách, mẹ tôi may và chị tôi làm đồ vặt, cả ngày đêm vẫn không ngơi việc. Đồ may sẵn không bày bán nhiều như bây giờ nên tiệm may của mẹ ngày Tết thường rất đông khách và nhiều quần áo hơn ngày thường. Mẹ vừa may đồ vừa tranh thủ làm mứt, năm thì mứt dừa, năm thì mứt me, mứt gừng, mứt mãng cầu… Có khi mẹ may đồ quên đảo, mứt bị cháy xém một mặt, mẹ cũng không nỡ bỏ đi, để dành trong nhà ăn, vị của mứt bị cháy dù hơi khen khét một tí nhưng lại rất lạ và ngon.
Có những năm đến 29 Tết là mẹ may đồ xong cho khách, giao đồ xong thì lại có người nhờ mẹ may cho con tấm áo mới do mới được nhận tiền thưởng Tết. Thương cho những đứa trẻ Tết không có đồ mới, mẹ tôi lại cặm cụi ngồi may thêm ngày nữa, cái máy may mẹ đang định xếp cất vào góc tường lại tiếp tục lạch xạch. Ba đi làm xa, thường thì 29 hoặc 30 mới về, mang theo một cặp bánh chưng và ít bánh kẹo. Chị em tôi thường đợi ba về để cùng dọn dẹp nhà cửa, gỡ bỏ đi những tờ lịch được lật mặt trắng đã ố vàng trên tường, dán những tờ lịch mới mà tôi và chị đã đi xin từ các nhà hàng xóm bỏ đi trước đó. Ngôi nhà của tôi như được phủ thêm sức sống, trắng tinh và mới ra, che đi lớp gỗ nâu xù xì bên trong. Tôi dọn tủ, từng món đồ lưu niệm được đem ra lau chùi sáng bóng. Bàn ghế, nhà cửa được lau dọn kỹ càng. Chiều 30 Tết là thời gian thích nhất khi được ba chở đi dạo chợ hoa, thấy không khí tấp nập, tươi vui của Tết và được chọn hoa cho nhà của mình, một chậu hoa mã đình hồng đằm thắm hoặc một chậu cúc vàng rực rỡ.
Đêm Giao thừa, như thường lệ, ba tôi cúng xong thì cùng các chú, các bác trong xóm nhỏ tập trung nhau đi chúc Tết từng nhà, đến khoảng ba giờ sáng thì mới chúc xong hết cả xóm. Mẹ thường ở nhà giao áo quần cho khách, tranh thủ may đồ mới cho tôi và chị gái, nấu thêm một nồi thịt kho. Bộ đồ mới của tôi thường là những khúc vải dư của khách, mẹ tôi ghép ba bốn miếng lại với nhau rất khéo. Nên năm nào tôi cũng có đồ mới đẹp và lạ nhất xóm. Tôi mong chờ cả đêm không ngủ để mai được mặc đồ đẹp, được nhận lì xì, được ăn bánh kẹo và chạy chơi cùng lũ bạn trong xóm.
Tết trong tuổi thơ của tôi thật mộc mạc, xóm nhỏ nghèo của tôi ngày đó giờ đã thay đổi rất nhiều. Những căn nhà được xây mới khang trang, một số gia đình đã chuyển đi. Mẹ của tôi đã lớn tuổi, mắt không còn sáng để may được nhiều đồ như xưa nữa, nhưng cái máy may vẫn được giữ nguyên để lâu lâu mẹ nhớ nghề lại đem ra may đồ cho mấy đứa cháu nhỏ. Tiếng máy may của mẹ đã nuôi lớn chị em tôi và mỗi đêm tiếng máy may của mẹ đi vào giấc ngủ của tôi như một giai điệu hạnh phúc.