Tay thơm những hạt ô ăn quan

Sài thành sang trọng nhưng bình dị quá đi thôi, hôm cuối tuần vừa rồi, ở đường sách Nguyễn Văn Bình, nơi đối diện là nhà tầng ngút mắt, là công trình kiến trúc hàng trăm năm của bưu điện, của nhà thờ Đức Bà, là đường sách ồn ào náo nhiệt…
0:00 / 0:00
0:00
Tay thơm những hạt ô ăn quan

Thì ta vô tình bắt gặp hình ảnh một bà cụ bày tấm bìa các-tông có vẽ hình ô quan để “thách đấu” với các cháu nhỏ. Trò chơi bên lề đường rất bình dị và hầu như là duy nhất này đã khiến các ánh mắt trong veo không ít tò mò.

Nói bà cụ “thách đấu” các cháu nhỏ cũng được, nói truyền dạy cũng được, hay đơn giản là lan tỏa một trò chơi dân gian xưa cũ để cho các cháu bé tuổi lên tám lên mười biết thế nào là “ô ăn quan”- một trong các trò giải trí của cha mẹ, ông bà ngày trước.

Bàn tay bé nhỏ sạch sẽ thơm tho, mũm mĩm ấy nhẹ nhàng cầm nắm đá cuội rải nhè nhẹ vào các ô kẻ trên tờ giấy, nhẹ nhàng như thể sợ chạm mạnh thì trò chơi sẽ biến mất hay bà cụ già như tiên này sẽ tan biến rồi không ai dạy cho bé tiếp tục trò chơi vậy.

Lề đường sạch sẽ nhưng ẩm ướt vì cơn mưa bay bay cứ như sương thả xuống không gian. Vài chiếc lá mầu vàng như điểm xuyết cho mầu trời trắng xám ngày mưa này.

Cái hay của trò Ô ăn quan là sự suy đoán và đầu óc nhạy bén, nhìn bàn cờ mà đối phương vừa bốc có mấy “lính”, thì tính tiếp họ sẽ bốc tiếp ô nào, ô có bao nhiêu “lính” và sẽ đi đến đâu.

Nếu “lính” đi tới ô nào đó mà ô kế bên trống không thì người chơi được quyền “bụp” tay vào ô trống đó, để “ăn” tất cả những ‘lính” ở ô kế tiếp, hoặc có trường hợp “bụp đôi” (ô cạnh bên ô mình vừa ăn bị trống “lính” thì người chơi cờ “bụp” vào ô trống đó, ăn tiếp, gọi là “bụp đôi”.

Bàn tay thơm bé nhỏ ấy còn lọng cọng vì không biết đường nào để “ăn” được nhiều “lính” nhất. Những viên đá cuội va vào nhau lách cách theo lực thả vào từng ô của đôi bàn tay nhỏ. Có những ô đã được hơn chục viên đá cuội, người chơi gọi đó là “nhà giàu”, bàn tay mà bụp được vào chiếc ô trống cạnh nhà giàu ấy để “ăn” thì quả thật là… giàu to.

Rồi có lượt, người chơi do đi đường này nên “bị đứng” vì “chú lính” cuối cùng trong tay mình đã thả xuống cạnh nhà “quan”. Người cổ vũ cạnh bên reo hò vui vẻ rằng “Thấy chưa, nãy hông đi đường này, đi đường đó chi cho đứng”. “À không sao, trò chơi mà, cứ thử hết sức mình đi”.

Không gian đường sách hôm ấy lành lạnh vì mưa thu giăng mắc cả Sài thành nhưng không khí vui tươi náo nhiệt quanh bàn cờ ô quan này thật là vui vẻ. Mái tóc muối tiêu trong chiếc áo bà ba sờn cũ và mê nón lá đã làm sống dậy những chiếc ô quan và bàn tay thơm tuổi thơ đã khiến những viên đá cuội ngân vang những thanh âm trong trẻo

Sài thành muôn đời vẫn ồn ào náo nhiệt nhưng nếu ta chịu chậm lại một vòng xe sẽ thấy ở góc nhỏ nào đó sẽ vẫn có những điều hay ho đầy đẹp đẽ.