Tạo động lực phát triển sản xuất cơ khí

Hiện nay, ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng gần một phần ba nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Việc thiếu cơ chế hỗ trợ còn khiến trong rất nhiều dự án lớn về xây dựng, giao thông, các công trình thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô-tô, xe máy… doanh nghiệp Việt bị thua ngay trên sân nhà. Theo dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam từ nay đến năm 2030 có thể đạt hơn 300 tỷ USD. Do đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Cần đầu tư nâng cao năng lực sản xuất của ngành cơ khí trong nước. Ảnh: HẢI NAM
Cần đầu tư nâng cao năng lực sản xuất của ngành cơ khí trong nước. Ảnh: HẢI NAM

Trăn trở của doanh nghiệp

Chỉ bán biến áp cho thị trường trong nước, Công ty CP Thiết bị điện MBT đã thu nghìn tỷ đồng mỗi năm, nhưng ban lãnh đạo MBT luôn đau đầu với bài toán lợi nhuận bởi phải nhập khẩu 100% nguyên liệu chính từ nước ngoài.

Ông Lê Lam, Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất của MBT than thở: “Giá một con ốc-vít mà doanh nghiệp Việt Nam sản xuất có thể chỉ 1.000 đồng nhưng chúng tôi vẫn phải chi 1,5USD/sản phẩm để mua từ nước ngoài”. Điều này khiến doanh nghiệp đối diện nhiều khó khăn do phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nhiều khi phải chờ nguyên liệu hai - ba tháng mới về, trong khi thời hạn giao hàng của doanh nghiệp cận kề, đôi khi phải xin hoãn, gia hạn thời gian giao hàng.

Chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm hơn 50% tổng chi phí nên lợi nhuận chỉ đạt 5% doanh thu, thậm chí lúc giá cả tăng cao, ảnh hưởng Covid-19 thì lợi nhuận chỉ 2%. Với tình hình này, doanh nghiệp cũng không nâng được lương công nhân nên rất lo mất nhân công giỏi. Hiện thu nhập bình quân của công nhân chỉ tầm 10 triệu đồng/tháng.

“Công ty đã cố gắng liên hệ với các nhà cung cấp trong nước, nhưng chất lượng không đáp ứng. Mục tiêu lớn nhất hiện nay mà MBT theo đuổi là tăng trưởng doanh thu ít nhất 20% và cố gắng mua được nguyên liệu trong nước để tăng lợi nhuận”, ông Lam cho biết.

Trăn trở của MBT cũng chính là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước khi sản xuất cơ khí của Việt Nam chưa phát triển. Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) đánh giá, những công ty như MBT còn nhiều dư địa phát triển nếu các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thể kết nối được với nhau để cung cấp nguyên liệu, nhân lực. “Hiện không ít doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa đã đẩy mạnh đầu tư công nghệ, thiết bị để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao. Vấn đề là các doanh nghiệp này chưa kết nối được với nhau nên cần sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước”, ông Vân nêu thực tế.

Thua thiệt ngay trên sân nhà

Không chỉ cần thúc đẩy sản xuất cơ khí để phục vụ thị trường trong nước, mà ở một khía cạnh khác, theo Bộ Công thương, việc xuất khẩu sản phẩm cơ khí đóng vai trò rất quan trọng cho sản xuất trong nước, đặc biệt là chiến lược phát triển công nghiệp tầm nhìn 2035, xuất khẩu sẽ chiếm 40% tổng sản lượng ngành cơ khí vào năm 2030, đến năm 2035 đạt 45%... Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, xuất khẩu các sản phẩm cơ khí hiện tại, đặc biệt là sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất vẫn còn khá khiêm tốn.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trung bình mỗi tháng, Việt Nam xuất khẩu một lượng khoảng 3,5 tỷ USD máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng ra thế giới. Trong đó, thiết bị điện dùng cho điện thoại hữu tuyến đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất, khoảng 15-20 tỷ USD/năm. Tiếp đến là các sản phẩm như máy biến thế điện, máy biến đổi điện tĩnh; ắc-quy điện; động cơ điện và máy phát điện; máy ép đùn; tổ máy phát điện và máy biến đổi điện quay; máy chuẩn bị xơ sợi dệt; máy kéo sợi, máy đậu sợi hoặc máy xe sợi... Đáng chú ý, các sản phẩm cơ khí như phương tiện vận tải, ô-tô, phụ tùng ô-tô... gần như rất hạn chế trong xuất khẩu sản phẩm cơ khí. Trong khi đó, năm 2022, Việt Nam đã nhập hơn 170.000 ô-tô nguyên chiếc.

Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, nhiều năm qua, hàng loạt hạn chế, yếu kém đến từ cơ chế, chính sách quản lý cũng như từ phía bản thân doanh nghiệp đã khiến ngành công nghiệp cơ khí phát triển khá mờ nhạt, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Ngay tại thị trường trong nước, ngành cơ khí cũng không có được nhiều thị phần, phải tự vận động, phát triển mà chưa nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ hệ thống chính sách để có nhiều đơn hàng từ đầu tư công như các nước khác. Từ đó, các doanh nghiệp cơ khí vốn đã thiếu đơn hàng lại còn bị thua thiệt ngay trên sân nhà. Có rất nhiều dự án lớn về xây dựng, giao thông, các công trình thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô-tô, xe máy… vẫn chủ yếu sử dụng sản phẩm cơ khí nhập khẩu hoặc do các doanh nghiệp FDI đảm nhiệm.

Mở rộng sản xuất cơ khí

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), với khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam và tập trung ở ba phân ngành, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô-tô và phụ tùng ô-tô. Ba phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.

Ngành cơ khí trong nước đã từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Song, hiện nay ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng gần một phần ba nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Theo dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam từ nay đến năm 2030 có thể đạt hơn 300 tỷ USD. Do đó, cần những giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.

Các chuyên gia đánh giá, với dân số 100 triệu người, đa phần là dân số trẻ, Việt Nam có triển vọng trở thành trung tâm công nghiệp cơ khí hàng đầu Đông Nam Á. Điều này sẽ đóng góp vào tăng trưởng GDP. Và bài học của Thailand được nhiều chuyên gia cho rằng, là cảm hứng để Việt Nam vươn lên, phát triển công nghiệp cơ khí, tiến tới xuất khẩu. Việt Nam được đánh giá là quốc gia hội tụ nhiều yếu tố để phát triển một ngành công nghiệp cơ khí mạnh.

Hai chính sách, chiến lược then chốt về xúc tiến công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Thailand là Quy hoạch tổng thể CNHT năm 1995 và Quy hoạch tổng thể ngành ô-tô 2007-2011. Quy hoạch tổng thể CNHT tập trung vào ngành công nghiệp ô-tô và điện - điện tử, đưa ra danh mục linh kiện và phụ tùng của các ngành này với hiện trạng cụ thể (nhập khẩu hay nội địa hóa) và các bảng tóm tắt các biện pháp đề xuất. Đây là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách của Thailand đưa ra các ưu đãi và chương trình phát triển cụ thể. Còn Quy hoạch tổng thể ngành ô-tô 2007-2011 có tầm nhìn “Thailand là cơ sở sản xuất ô-tô ở châu Á tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho đất nước với ngành công nghiệp sản xuất linh kiện ô-tô mạnh”. Với tầm nhìn đó, quy hoạch này tập trung vào các chương trình hành động phát triển CNHT như phát triển nhà cung cấp, phát triển chuỗi cung cấp, xúc tiến đầu tư và kết nối doanh nghiệp.

Song song các chính sách ưu đãi, Chính phủ Thailand cũng thúc đẩy CNHT thông qua các chương trình hợp tác với Nhật Bản, thành lập các khu CNHT, lồng ghép với các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và đặc biệt là chương trình phát triển liên kết công nghiệp - BUILD.

Từ kinh nghiệm của Thailand, Việt Nam có thể bắt đầu bằng việc tăng cường hợp tác với các hãng ô-tô lớn để lựa chọn chủng loại phụ tùng, linh kiện mà Việt Nam có thể sản xuất để đảm nhận vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu, trên cơ sở đó đầu tư công nghệ tiên tiến, sản xuất phục vụ xuất khẩu. Điều này đã được Thaco Industries triển khai rất thành công, là đối tác của nhiều hãng xe lớn trên thế giới như Kia, Peugeot, BMW, Mercedes Benz...

Trong chuyến thăm khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) vào năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, một đất nước phát triển hiện đại thì phải có công nghiệp hiện đại, có nhiều ngành quan trọng nhưng cơ khí là nền tảng, vì vậy phải phát triển ngành cơ khí. Để hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí, Bộ Công thương cho biết, Bộ tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của hai trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền bắc và miền nam. Hiện nay, hai trung tâm này đã có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp cơ khí tại một số địa phương trên cả nước, như hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh; nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Các trung tâm đang tích cực hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam như Toyota, Mitsubishi, Canon nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn này.

Nhìn tổng thể, theo PGS, TS Lê Thu Quý, để phát triển ngành cơ khí Việt Nam cần xác định nhu cầu thị trường, chỉ rõ những khoảng trống để phát triển những lĩnh vực mà ngành có thể cạnh tranh. Ngoài việc tạo thị trường cho doanh nghiệp, các cơ chế, chính sách phải linh hoạt để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Đặc biệt phải chú trọng phát triển ngành cơ khí luyện kim, công nghiệp hỗ trợ...

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cũng góp ý, để đạt được mục tiêu cần phải có chính sách, cụ thể tăng tỷ lệ nội hóa ngành cơ khí, tăng giá trị sản xuất trong nước. Đơn cử như đối với ngành công nghiệp ô-tô cần hướng tới chuỗi giá trị gia tăng cao hơn.

Theo Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu. Về xuất khẩu: giai đoạn đến năm 2020, sản lượng xuất khẩu đạt 35% tổng sản lượng ngành cơ khí, giai đoạn đến năm 2030 đạt 40%, đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí.