“Tấm vé thông hành”

Bạn đọc viết:
0:00 / 0:00
0:00

Phạm Văn Trí (thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh)

Đối với không ít người dân sử dụng bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh, giấy chuyển viện được xếp vào loại thủ tục “gây đau đầu”, bởi đó là thủ tục hành chính gây ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội chăm sóc sức khỏe. Giấy chuyển viện chính là “tấm vé thông hành” cho việc thanh toán bằng bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, muốn có được “tấm vé” này, người sử dụng bảo hiểm y tế phải có xác nhận đồng ý từ bác sĩ.

Chú ruột tôi, hiện sinh sống tại một huyện của tỉnh Bắc Ninh, vừa qua đi khám và phát hiện mắc ung thư vòm họng giai đoạn cuối. Với mong muốn có được điều kiện chữa bệnh tốt hơn, gia đình ông đã đề đạt nguyện vọng được điều trị tại một bệnh viện khác với những bác sĩ có chuyên môn cao về căn bệnh hiểm nghèo này. Thế nhưng, câu trả lời mà chú tôi nhận được chỉ đơn giản là một sự từ chối, bởi bảo hiểm y tế của ông lại được đăng ký ở một bệnh viện khác. Gia đình chú tôi đành “cắn răng” vượt tuyến để được điều trị theo nguyện vọng. Kết quả là, mỗi đợt điều trị tiêu tốn tới vài trăm triệu đồng. Trong đó, bảo hiểm y tế chỉ chi trả một phần nhỏ.

Vào bệnh viện và trao đổi với những người bệnh cùng phòng, gia đình chúng tôi mới biết rằng, không ít trường hợp điều trị ở bệnh viện tuyến dưới có nguyện vọng chuyển lên tuyến trên nhưng cũng không nhận được sự đồng ý từ phía bệnh viện. Một số người không còn lựa chọn nào khác đã buộc phải nhờ sự trợ giúp từ “cò” hoặc nhờ vả mọi mối quan hệ thân quen để có được xác nhận vào giấy chuyển viện. Đừng để người sử dụng bảo hiểm y tế mắc bệnh hiểm nghèo, vốn đã đau đớn, khổ sở đủ đường, nay còn phải lo cả về kinh tế, thời gian và thậm chí mất thêm tiền bạc mới mong có được “tấm vé thông hành” để phần nào an tâm hơn về sức khỏe của bản thân.