Nhiều tai nạn vào mùa thu hái
Hằng năm, khi qua tiết lập thu là lúc bà con các dân tộc Tày, Nùng, Dao... ở những vùng có nhiều hồi gồm các huyện Văn Quan, Bình Gia, Chi Lăng... lại lên rừng hái hồi. Mùa hồi chín kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch. Người hái hồi thu hoạch đem về nhà, phơi sấy khô để bán...
Tại thôn Tây A, Yên Phúc (Văn Quan), chúng tôi hỏi nhà anh Linh Văn Phú, người dân trong thôn, ai cũng ái ngại vì gia cảnh anh quá khốn khó. Anh Ngàn Văn Đặng, cán bộ văn hóa xã cho biết, anh Phú mới 28 tuổi lao động chính trong nhà, nuôi sáu miệng ăn. Bà mẹ là Triệu Thị Rích (52 tuổi), năm ngoái cũng do đi trèo hái hồi bị ngã, gãy xương cổ, nay bị liệt không làm được việc gì. Năm nay lại đến lượt anh Phú bị ngã do trèo hái hồi nên gia đình lại càng khốn khó hơn. Hiện nay, xã đang làm thủ tục để trợ cấp cho gia đình anh Phú.
Trong câu chuyện, anh Phú cho biết, nhà có hơn 100 cây hồi, năm nay cây nào cũng cho quả, vừa được mùa lại được giá, bình quân từ 28 nghìn đến 32 nghìn đồng/kg. Tháng trước, khi lên trèo hái hồi, do sơ sảy, nên anh bị trượt chân ngã từ trên cây hồi xuống đất hơn 3 m, bị cành cây đâm xuyên qua cổ họng, được người dân trong thôn phát hiện đem cấp cứu tại BV đa khoa tỉnh. Nhưng do vết thương quá nặng nên phải chuyển về BV Việt Đức (Hà Nội), nay vết thương đã ổn mới được về nhà mấy hôm.
Cũng như trường hợp anh Phú, bà Triệu Thị Khìn (70 tuổi) ở thôn Khun Pầu, Song Giang (Văn Quan), đi thu hoạch hồi và bị ngã từ trên cây xuống gây chấn thương cột sống. Đến nay, bà vẫn nằm ở phòng cấp cứu BV đa khoa tỉnh để điều trị. Chị Hứa Thị Dung con dâu bà Khìn cho biết: Hôm đó, mẹ tôi lên rừng trèo hái hồi, nhưng quá giờ trưa bà vẫn chưa về, nên cả nhà lên rừng tìm thì phát hiện bà bị ngã, may mắn phát hiện kịp thời nên không bị ảnh hưởng đến tính mạng. Bà Khìn nhớ lại: Hôm đó, tôi cố gắng thu hái nốt cây hồi đang trèo, vì đã gần 12 giờ trưa, bụng đói, hoa mắt nhưng vẫn cố với lấy quả hồi nên cành bị gãy. Tôi bị ngã từ cây hồi cao xuống đất bất tỉnh...
Vì sao ý tưởng hay chưa phổ biến?
Theo Chủ tịch UBND xã Yên Phúc Linh Văn Chuyên, xã có hơn 917 ha hồi, 90% số hộ trong xã đều trồng hồi. Những năm qua cây hồi thật sự là cây xóa đói, giảm nghèo cho bà con trong xã, nhiều hộ có thu nhập từ hồi hằng năm từ 80 - 300 triệu đồng/ năm... Tuy vậy, cây hồi cũng gây nhiều nỗi đau cho bà con, tai họa luôn rình rập giáng xuống họ khi đi hái hồi. Hầu như mọi năm trong xã đều có người bị tai nạn do trèo hái hồi, hơn ba năm nay đã có hai trường hợp tử vong do ngã khi hái hồi. Cây hồi thường cao từ 10 - 15 m, là cây có tinh dầu nên rất giòn, trong khi quả lại nằm ở các đầu cành. Để thu hoạch hồi, bà con phải trèo lên cây hái từng quả, nếu người trèo hái cố với lấy quả thì rất dễ gãy, tiềm ẩm nguy cơ tai nạn thương tích rất cao.
Anh Hoàng Văn Bát, ở thôn Bản Khính, Khánh Khê (Văn Quan), giãi bày: Hằng năm, chứng kiến một số bà con trong thôn thường xuyên bị tai nạn do hái hồi, nhẹ thì gãy tay, chân, nặng thì tử vong, rất thương tâm. Để đỡ đi phần nào những nguy hiểm, bốn năm trước anh đã mày mò chế ra dụng cụ thu hái hồi rất đơn giản. Cụ thể chỉ cần mua ống nhựa tiền phong có đường kính 10 cm, chiều dài 5 - 8 m, một đầu ống buộc vào túi nải đựng hồi, đầu kia làm rãnh khía, bao bọc lấy ống để hứng từng quả hồi. Chỉ cần đứng dưới gốc cây hồi, đẩy mạnh ống lên quả hồi, sẽ rơi xuống túi đựng... Chi phí đầu tư làm dụng cụ hái hồi chưa hết 200 nghìn đồng. Nhưng do thao tác chọn từng quả hồi chậm, mỗi ngày dụng cụ này chỉ hái được 20 kg hồi trở lên, trong khi nếu hái bằng tay thì năng suất gấp đôi, nên bà con chưa mặn mà.
Năm 2017, một nhóm học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An đã sáng chế ra máy thu hái hồi, chiếc máy đặc biệt này có năng suất khi hái hoa hồi tăng gấp bốn lần so hái thủ công. Chiếc máy đã trở thành một trong 72 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học công nghệ trong sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2017 và được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khen thưởng. Tuy nhiên, cho đến nay chiếc máy thu hái hồi vẫn chưa được người có hồi đón nhận, với nhiều nguyên nhân khác nhau... nên chiếc máy này vẫn nằm trên giấy.