Phát biểu ý kiến bế mạc hội nghị, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh, cuộc xung đột ở Ukraine khiến giá dầu và khí đốt tăng vọt, dẫn đến sự suy giảm về an ninh năng lượng và tác động nghiêm trọng tới sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. G7 cam kết gia tăng sức ép nhằm làm giảm nguồn thu chính của Nga cũng như làm hạ giá dầu của nước này. Các nhà lãnh đạo G7 cũng sẵn sàng góp phần ổn định và chuyển đổi nền kinh tế thế giới, giải quyết tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao. Ngoài ra, G7 sẽ củng cố khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và bảo đảm các điều kiện cạnh tranh.
Trong vấn đề năng lượng, G7 cam kết nhanh chóng hành động để bảo đảm nguồn cung năng lượng và kiềm chế việc gia tăng chi phí do các điều kiện thị trường bất thường, cũng như xem xét các biện pháp bổ sung, trong đó có áp mức trần giá dầu. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí từng bước chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, không để ảnh hưởng tới các mục tiêu khí hậu và môi trường của nước mình. Liên minh châu Âu (EU) cùng các đối tác quốc tế sẽ thăm dò các biện pháp để kiềm chế giá năng lượng, trong đó có nghiên cứu tính khả thi của phương án tạm thời áp mức trần giá nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga.
Mỹ là quốc gia đầu tiên kêu gọi áp dụng cơ chế nhằm giới hạn mức giá thanh toán cho dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. Cơ chế này gắn dịch vụ tài chính, bảo hiểm và vận chuyển đường biển với mức trần giá dầu mỏ Nga. Mỹ cũng tuyên bố sẽ áp mức thuế cao hơn đối với hơn 570 nhóm các mặt hàng của Nga trị giá gần 2,3 tỷ USD. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề nghị G7 gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay.
Trong khi đó, Italy - quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào năng lượng Nga, thúc đẩy mở rộng áp mức giá trần đối với mặt hàng khí đốt. Pháp đề xuất cơ chế áp mức giá trần cần mở rộng ra ngoài các sản phẩm nhập khẩu từ Nga để giảm giá trên diện rộng hơn, trong đó có việc các nước G7 tìm các nguồn cung từ những nơi khác.
Ngoài ra, Pháp hối thúc các quốc gia dầu mỏ tăng mạnh sản lượng nhằm giúp hạ nhiệt giá dầu thô đang trên đà tăng cao do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Phát biểu ý kiến bên lề Hội nghị cấp cao G7, một quan chức thuộc Phủ Tổng thống Pháp đã kêu gọi đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, với mong muốn Iran và Venezuela - hai quốc gia đang chịu ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, quay lại thị trường dầu mỏ nhằm giảm bớt tình trạng thiếu hụt năng lượng từ Nga. Bên cạnh đó, Pháp cũng hy vọng có thể thiết lập mức giá trần đối với dầu mỏ toàn cầu, chứ không chỉ giới hạn đối với sản phẩm của Nga.
Trong bối cảnh G7 gia tăng sức ép với ngành năng lượng Nga, dòng chảy khí đốt của Nga sang châu Âu qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và lãnh thổ Ukraine ngày 28/6 vẫn ổn định. Tập đoàn Năng lượng Gazprom của Nga cho biết, nguồn cung khí đốt cho châu Âu qua Ukraine qua trạm cửa khẩu Sudzha ngày 28/6 ước tính là 42,2 triệu m3; còn dòng khí đốt vào Slovakia trung chuyển qua Ukraine thông qua trạm biên giới Velke Kapusany là 36,9 triệu m3/ngày, hầu như không thay đổi so trước đó.
Để tăng cường an ninh nguồn cung năng lượng cho khối, EU đã thông qua quy định nhằm bảo đảm rằng, bất chấp những xáo trộn quan trên thị trường khí đốt, các công suất dự trữ khí đốt tại EU phải được lấp đầy trước mùa đông và có thể được chia sẻ giữa các quốc gia thành viên trên tinh thần đoàn kết. Theo quy định, các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất trên lãnh thổ của các quốc gia thành viên phải được lấp đầy 85% tổng công suất các kho chứa vào cuối năm 2022. Đây là một bước đi quan trọng nhằm tránh phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga, trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine đang leo thang.