Thay đổi “bộ mặt”
Trong phát triển hạ tầng giao thông (HTGT) cả vùng Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh luôn là “hạt nhân” chính giúp kết nối các địa phương trong vùng. Thành phố đã đưa vào sử dụng nhiều công trình HTGT mang tính biểu tượng rõ nét như cầu Phú Mỹ (nối quận 2 với quận 7) là cây cầu dây văng lớn nhất thành phố hiện nay. Với chiều dài hơn 2 km, cầu giúp rút ngắn lưu thông trên quốc lộ 1A từ miền bắc và miền trung đi các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đại lộ Nguyễn Văn Linh là một trong những công trình quy mô lớn, hiện đại được xây dựng sớm nhất tại thành phố. Công trình dài gần 18 km này nối từ đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) đến quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Bình Chánh), giúp kết nối tỉnh Long An. Đại lộ còn là tuyến đường huyết mạch đối với sự phát triển kinh tế khu vực phía nam thành phố, kết nối Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Cảng Hiệp Phước...
Tương tự, tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (trước gọi là đại lộ Đông Tây) với mức vốn đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng chạy dọc theo kênh Bến Nghé - Tàu Hủ kết nối hai đầu đông - tây thành phố, trong đó, “trái tim” là hầm vượt sông Sài Gòn. Hầm vượt sông hiện đại nhất Đông - Nam Á này đánh dấu bước phát triển vượt bậc về HTGT thành phố.
Đại lộ Phạm Văn Đồng với 12 làn xe, tuyến đường được xem đẹp nhất thành phố, kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến quốc lộ 1A và quốc lộ 1K, tạo ra hướng giao thông mới đi qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Nổi bật còn có tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Với chiều dài 55 km, công trình giúp rút ngắn được 20 km và hai giờ xe chạy từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh Đông Nam Bộ.
Vẫn còn “điểm nghẽn”
Tuy vậy, hệ thống giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh kết nối vùng Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều bất cập, chưa tương xứng tiềm năng và vị thế phát triển. Theo quy hoạch, TP Hồ Chí Minh có bốn đường vành đai nhưng hiện chỉ đường Vành đai 2 đã đầu tư được khoảng 54 km, còn khoảng 11 km chưa được đầu tư xây dựng. Thành phố còn được quy hoạch sáu cao tốc kết nối các tỉnh nhưng mới có hai tuyến TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Một dự án quan trọng kết nối thành phố với các tỉnh Đông Nam Bộ là dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, đến nay có nhiều đoạn vẫn chưa mở rộng vì vướng giải tỏa mặt bằng.
Nhìn tổng thể ở quy mô vùng, nhiều tuyến đường kết nối từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã quá tải. Trong đó, tuyến quốc lộ 1A, từ huyện Bình Chánh đến tỉnh Long An, chưa được mở rộng nên thường xuyên xảy ra kẹt xe. Tuyến quốc lộ 50, kết nối TP Hồ Chí Minh với Long An; tuyến quốc lộ 22, kết nối TP Hồ Chí Minh với tỉnh Tây Ninh; tuyến quốc lộ 13, kết nối TP Hồ Chí Minh với Bình Dương, cũng chưa được mở rộng nên đang quá tải.
Dự kiến năm nay, dự án xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái sẽ được khởi công với kỳ vọng gỡ nút thắt giao thông đi lại phía đông bắc của cả vùng. Cầu Cát Lái có chiều dài gần 3,8 km, tổng mức đầu tư gần 7.200 tỷ đồng. Khi hoàn thành sẽ nối thông giữa TP Hồ Chí Minh đi Đồng Nai, hướng xuống Bà Rịa - Vũng Tàu dễ dàng. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện.
Tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ là điểm nhấn đột phá giao thông của TP Hồ Chí Minh.
Thông thoáng cửa ngõ
Theo thống kê từ Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, giai đoạn năm 2016 - 2019, hạ tầng giao thông thành phố tăng lên đáng kể qua các con số. Năm 2016, chiều dài đường tăng thêm hơn 34 km, diện tích đường tăng thêm hơn 545.000 m² và 12 cây cầu mới được xây dựng. Năm 2017, chiều dài đường tăng thêm gần 42 km, diện tích đường tăng thêm gần 850.000 m2 và 15 cây cầu được xây mới. Trong bối cảnh hiện nay, dù gặp nhiều khó khăn giai đoạn đầu năm do dịch Covid-19, ngành giao thông thành phố phấn đấu xây dựng thêm 23 km đường, 505.000 m² diện tích đường tăng thêm và năm cây cầu mới.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh thông tin, năm 2020 sẽ khởi công xây dựng 27 dự án giao thông mới và hoàn thành đưa vào sử dụng 29 dự án được xây dựng từ năm 2018 tới nay để kéo giảm tình trạng kẹt xe, đồng thời tăng tính kết nối liên vùng với các tỉnh trong khu vực.
TS Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho hay, để giải quyết các “nút thắt” kết nối giữa TP Hồ Chí Minh với Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ, việc bố trí vốn kịp thời và cơ chế thu hút nhà đầu tư được xem là điều kiện tiên quyết. Bên cạnh đó, xây dựng quy chế phối hợp liên vùng giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh trong khu vực, bảo đảm hoạt động phối hợp thường xuyên và có hiệu quả trong triển khai đầu tư các dự án giao thông.
Theo TS, KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS trưởng TP Hồ Chí Minh, thành phố cần phải dồn lực ưu tiên hoàn thành ngay các dự án ở cửa ngõ, đồng thời, khép kín hệ thống đường vành đai và kết nối liên vùng trong tương lai gần. “Mạng lưới đường xương sống, kết nối liên vùng hoàn thiện thì giao thông nội đô sẽ thông thoáng, các chính sách giãn dân, xây dựng đô thị đa trung tâm cũng dễ dàng thực hiện”, TS, KTS Võ Kim Cương khẳng định.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho hay, năm 2020, ngành giao thông sẽ gấp rút hoàn thành các thủ tục cũng như đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường Vành đai 2 và 3. Với tuyến đường Vành đai 2, thành phố sẽ được ưu tiên thực hiện và quyết tâm khép kín từ nay đến năm 2025. Riêng dự án Vành đai 3, các công tác chuẩn bị bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án qua địa bàn thành phố đang được khẩn trương triển khai.
Cũng theo ông Lâm, ngoài việc cấp bách mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, vừa qua, Bộ GTVT đã đề xuất thêm hai tuyến đường sắt mới gồm tuyến đường sắt tốc độ cao bắc - nam và tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành, nhằm kết nối các khu vực lân cận với đường trục trung tâm của sân bay Long Thành (Đồng Nai). Một dự án đặc biệt quan trọng khác là cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh). Cao tốc này khi được xây dựng sẽ giảm tải cho tuyến quốc lộ 22 (tuyến đường “độc đạo” nối thành phố với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài), gỡ nút thắt về HTGT cho cả khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh cùng vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Theo kế hoạch, tuyến cao tốc này sẽ được đưa vào khai thác trước năm 2025.