Start-up Việt vượt sóng Covid-19

Trong bối cảnh các công ty phải cắt giảm nhân sự, thu gọn hoạt động, chấp nhận “ngủ đông” chờ kinh tế hồi phục, nhiều doanh nghiệp trẻ đã linh động biến những thách thức thành cơ hội.

CEO Nguyễn Thu Hoài (phải) giới thiệu sản phẩm Nương Bắc.
CEO Nguyễn Thu Hoài (phải) giới thiệu sản phẩm Nương Bắc.

Không đợi hết dịch

Bên cạnh những áp lực về chi phí, nhân sự, doanh thu…, dịch Covid-19 cũng mang đến cơ hội cho nhiều doanh nghiệp (DN). Công ty Nương Bắc là một trong số ít tận dụng được cơ hội ấy. Khi mà nhiều DN đóng cửa, tạm dừng hoạt động, cho nhân viên nghỉ việc tạm thời… thì Nương Bắc liên tục tuyển nhân viên mới, nhân viên hoạt động hết công suất, đơn hàng từ khắp nơi nhộn nhịp đổ về.

Theo Nguyễn Thu Hoài, CEO Nương Bắc, doanh thu công ty tính từ Tết tăng 40%, quy mô sản xuất cũng tăng, nhất là hai tháng gần đây. Lý giải cho điều này, Hoài cho rằng mình may mắn kinh doanh thực phẩm, mặt hàng không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, đằng sau may mắn đó là cả một sự thay đổi chiến lược kinh doanh, tính toán kỹ lưỡng các kịch bản thích ứng của giám đốc 9X này.

Khởi nghiệp kinh doanh từ việc nhập bánh chưng từ Điện Biên về bán với giá 40 - 60 nghìn đồng/chiếc, câu chuyện thành công của Hoài khiến không ít người thán phục. Ý tưởng nâng tầm sản phẩm bánh chưng, xa hơn là các sản phẩm đồ ăn truyền thống đến với Hoài từ những chuyến đi buôn đầu tiên đó. Nương Bắc chính thức thành lập vào năm 2017: “Nương” trong từ gạo nếp nương, “Bắc” trong từ Tây Bắc. Hơn 1.000 hộp quà bánh chưng mang thương hiệu Nương Bắc, với giá lên tới cả triệu đồng, đã bán hết trong 10 ngày khi lần đầu xuất hiện trên thị trường Tết 2017. Chỉ một năm sau, số lượng người đặt hàng đã tăng gấp đôi, hơn 4.000 hộp bánh chưng cao cấp với mức giá 600 nghìn - 1 triệu đồng và khoảng 16 nghìn chiếc bánh bình dân từ 60 - 200 nghìn đồng được bán ra trong dịp Tết. Ngoài kinh doanh bán lẻ, Hoài còn tạo một hệ thống đại lý ở nhiều tỉnh, thành như Hải Phòng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Ninh Bình…

Việc giãn cách xã hội ảnh hưởng đến kinh doanh, vận chuyển hàng cho đại lý ở các tỉnh, một số tỉnh công ty phải tạm ngưng cấp hàng cho đại lý vì không có phương tiện di chuyển. Để thích ứng hoàn cảnh mới, Nương Bắc đã cho ra đời các sản phẩm mới như bánh chưng mini, set nguyên liệu gói bánh chưng, phát triển các dòng sản phẩm ăn vặt quẩy, xôi mít, bánh bột lọc cấp đông… vừa phù hợp nhu cầu ăn vặt tại nhà vừa đáp ứng sở thích vào bếp tại nhà của người dân thành thị. Nhờ đó, Nương Bắc không phải cắt giảm nhân sự, cũng không giảm lương nhân viên. Với Hoài, điều quan trọng nhất là đặt mình vào tình huống khủng hoảng kéo dài, hoặc sẽ phải sống chung với Covid-19 và suy nghĩ xem liệu mình phải làm gì ngay từ bây giờ. “Đợi khi khủng hoảng kết thúc mới nghĩ và làm thì cơ hội cũng mất, và nguồn lực cũng cạn”, Hoài chia sẻ.

Tìm cơ hội mới

Sáng tạo, đa dạng hóa sản phẩm, thích nghi là lời khuyên của giới chuyên gia dành cho nhiều công ty khởi nghiệp trong khó khăn hiện nay. Nhiều người đã so sánh những khó khăn này như những khúc cua trong đường đua xe công thức 1, trong đó sẽ có nhiều DN trẻ tìm thấy hướng đi mới, thậm chí, bứt phá để vươn lên dẫn đầu. Cũng có nhiều người trẻ chọn thời điểm này bổ sung kiến thức, tạo thêm mối quan hệ, chuẩn bị cho tương lai.

Không quá bận rộn trong giãn cách, Phương Minh Tiến, Giám đốc Công ty Tana Visual, đã tận dụng thời gian này để bồi dưỡng kiến thức mới, kết nối các DN trẻ ở các lĩnh vực khác và tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Làm việc trong lĩnh vực sản xuất phim quảng cáo (TVC), chụp ảnh quảng cáo, công việc kinh doanh hiện nay đang bị đình trệ khi nhiều DN tạm thời đóng cửa. Không có hợp đồng quảng cáo mới, phải cho nhân viên tạm thời nghỉ việc, Tiến tận dụng cơ hội này đăng ký các khóa học online, bồi dưỡng thêm kiến thức quản trị kinh doanh. Tuy không phải làm việc, nhưng một ngày của giám đốc trẻ thế hệ 9X này kín mít những buổi học online, thảo luận nhóm công ty xây dựng ý tưởng quảng cáo mới, tham gia họp zoom kết nối các hội DN khác để tìm cơ hội kinh doanh mới. Tiến đã tìm thấy ba cơ hội với các DN thực phẩm, thông qua các kết nối chia sẻ cơ hội trong các nhóm doanh nhân Việt Nam. “Hiện, đội ngũ đã có chuẩn bị về mặt tài chính và nguồn lực để sẵn sàng cho các dự án mới,” Tiến hào hứng.

Hơn một tháng nay, cứ đúng 6 giờ sáng, Tiến cùng hàng chục giám đốc DN trẻ khác ngồi bên máy tính họp online bàn với nhau về các phương án kinh doanh, chia sẻ những kiến thức mới, những mối quan tâm mới, những mối quan hệ và cơ hội kinh doanh mới. Cái họ tìm kiếm, không chỉ là phương án cầm cự qua mùa dịch, xa hơn, là cơ hội liên kết hợp tác, phát triển kinh doanh bền vững.