Siết chặt dịch vụ xe đưa đón học sinh

Dịch vụ xe đưa đón học sinh ngày càng phát triển nhưng vẫn chưa có quy định riêng để kiểm soát khiến nhiều bất cập dễ nảy sinh. Thực tế này đang được khắc phục tại hai dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sắp đưa trình Quốc hội.
0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội hiện có khoảng hơn 2.000 xe đưa đón học sinh.
Hà Nội hiện có khoảng hơn 2.000 xe đưa đón học sinh.

Quy định riêng

Chỉ riêng Hà Nội, hiện có khoảng hơn 2.000 xe đưa đón học sinh, chưa kể hàng chục nghìn học sinh vẫn đang sử dụng xe bus để đi lại. Tương tự tại nhiều thành phố lớn khác, nhu cầu sử dụng xe đưa đón học sinh ngày càng gia tăng. Để quản lý chặt chẽ xe loại hình dịch vụ vận tải này, tại dự thảo Luật Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra quy định lái xe đưa đón học sinh phải có tối thiểu hai năm kinh nghiệm lái xe kinh doanh vận tải hành khách. Xe đưa đón học sinh phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Nếu đưa đón học sinh tiểu học, mầm non, xe phải có dây đai an toàn hoặc ghế ngồi phù hợp lứa tuổi. Kính xe có thể nhìn rõ phía trong xe từ bên ngoài… Riêng chi tiết đèn cảnh báo phải phát sáng, có thể xoay, được gắn trên nóc xe hoặc đèn ghi “xe chở học sinh” để có thể nhận diện khi tham gia giao thông.

Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất trước khi tổ chức thực hiện, cơ sở giáo dục đào tạo tổ chức hoạt động đưa đón học sinh phải thông báo đến cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải thuộc UBND cấp tỉnh các thông tin gồm: hành trình đưa đón, các điểm dừng đón, trả học sinh; danh sách phương tiện, danh sách lái xe kèm theo; hình ảnh của phương tiện và mầu sơn đặc trưng (nếu có). Bên cạnh đó, xe đưa đón học sinh còn được đề xuất quyền ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh.

Cùng mục tiêu quản lý chặt hơn loại hình vận tải này, tại chương 2, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an cũng đề xuất quy định về việc xe đưa đón học sinh phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký mẫu sơn để nhận diện.

Tránh chồng chéo, gây khó khăn khi thực thi

Đồng tình với dự thảo nhưng riêng về vấn đề mầu sơn xe, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng: Mầu sơn ở đây quy định là mầu sơn của nhà trường hay mầu sơn của doanh nghiệp? Vấn đề này chưa được làm rõ trong dự thảo. Thực ra, bản chất xe đưa đón học sinh hay xe taxi hoặc xe kinh doanh vận tải điều kiện đều tương đồng như nhau, phải chấp hành các quy định chung, phải yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện sử dụng phương tiện để vận chuyển đưa đón. Vì vậy phục vụ hoạt động kinh doanh phải có biểu trưng mầu sơn, logo, số điện thoại của doanh nghiệp được niêm yết và đăng ký kê khai với cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, các khoản 1, 2, 3 Điều 76 Luật Đường bộ chỉ nêu quy định xe đưa đón học sinh. Nên chăng bổ sung thêm hoạt động vận tải đưa đón cán bộ, công nhân viên vì hiện nay loại hình này đang đưa vào loại hình vận chuyển nội bộ là không phù hợp.

Dẫn chứng về một số quy định khác nên được xem xét kỹ lưỡng tại hai dự thảo Luật, ông Hùng cho biết: Về thời gian làm việc của người lái xe ô-tô, tại khoản 1, Điều 65, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Các loại hình kinh doanh vận tải như xe taxi, xe hợp đồng và các loại hình khác chỉ phục vụ đón trả khách theo nhu cầu của khách theo cung giờ không cố định và thời gian dừng nghỉ rất nhiều, vì vậy đề xuất quy định ở mức không quá 10 tiếng như Luật Giao thông đường bộ 2008 là phù hợp, hạn chế gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc điều hành kinh doanh sản xuất và các địa phương khi kiểm tra doanh nghiệp cũng sẽ dễ thực hiện hơn. Ngoài ra, dự thảo có thêm quy định giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 phải được đổi sang giấy phép lái xe mới theo lộ trình do Chính phủ quy định. Thực tế giấy phép lái xe cũ dần dần sẽ không còn, nên tiếp tục duy trì vì nếu thay đổi sang giấy phép cứng sẽ gây tốn kém rất lớn cho xã hội.

“Hoạt động vận tải đường bộ được tạo nên từ bốn thành tố: kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, người tham gia giao thông, phương tiện, quy tắc giao thông. Bốn thành tố quan hệ biện chứng khăng khít với nhau, không thể tách rời nhau. Nay bốn thành tố được thể hiện điều chỉnh tại Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nên phải thể hiện sao không chồng chéo nhau, gây khó khăn cho người thực hiện”, ông Hùng nêu quan điểm.

Dự kiến, Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ được mang ra bàn thảo, góp ý tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, khai mạc cuối tháng 10 tới đây.