Senegal nâng cao vai trò tiếng bản địa

Một chương trình dạy học bằng tiếng Wolof, Pulaar và Serer (những ngôn ngữ bản địa của Senegal) đang được triển khai nhằm giúp trẻ em nước này có kết quả học tập tích cực hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Một lớp dạy học bằng tiếng bản địa tại Senegal. Ảnh: REUTERS
Một lớp dạy học bằng tiếng bản địa tại Senegal. Ảnh: REUTERS

Sau khi lớp học chính thức kết thúc lúc ba giờ chiều, Ndeye Penda Soumaré, giáo viên Trường tiểu học Guedel-Mbodji ở Kaolack, cách Thủ đô Dakar 180km về phía đông nam, cùng các học sinh của mình tiếp tục bắt đầu một lớp học thêm môn toán. “Juroom ñaar fukk, juroom ñaar fukk ak benn… ”, Soumaré đếm. Đây là ngôn ngữ Wolof bản địa của Senegal, có nghĩa là “70, 71…”. Trong lớp học này, giáo viên và học sinh không trao đổi bằng tiếng Pháp, ngôn ngữ quy định trong chương trình học phổ thông của Senegal. Kể từ tháng 12, hai lớp tại trường Guedel-Mbodji đã áp dụng chương trình dạy và học có tên “Ndaw Wune”, sử dụng ngôn ngữ địa phương để giảng dạy.

Theo Le Monde, ở Senegal, bất chấp những sáng kiến ​​từ những năm 70 của thế kỷ trước nhằm cố gắng tích hợp sáu ngôn ngữ địa phương chính (Wolof, Pulaar, Serer, Diola, Mandinka và Soninke) vào giáo dục công tiểu học, song việc học bằng tiếng Pháp vẫn là tiêu chuẩn. Hơn 90% trẻ em bắt đầu đi học bằng tiếng Pháp, ngôn ngữ mà nhiều trẻ Senegal không hiểu và không nói được. Điều này là một trở ngại cho việc học, khiến nhiều trẻ em không đạt được kết quả học tập tích cực.

Ông Mbacké Diagne, Tổng Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Senegal, phụ trách ngôn ngữ quốc gia phân tích: “Theo Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA, 2017), chưa đến 10% thiếu niên Senegal ở độ tuổi 15 đạt được trình độ thông thạo tối thiểu về đọc hiểu, làm toán và các môn khoa học khác. Trong khi đó, thực tế chứng minh rằng trẻ em nếu được giáo dục bằng ngôn ngữ mà chúng sử dụng khi ở nhà sẽ có khả năng đọc hiểu cao hơn 30% khi kết thúc bậc tiểu học”.

Trước tình hình đó, Tổ chức phi chính phủ của Senegal về Nghiên cứu & Giáo dục vì phát triển (ARED) đã cho ra đời sáng kiến “Ndaw Wune” vào mùa hè năm 2021. “Học bằng tiếng mẹ đẻ giúp bạn tiếp thu những điều cơ bản dễ dàng và tốt hơn”, ông Mamadou Ly, Giám đốc của ARED khẳng định. ARED từng tham gia nhiều dự án trong lĩnh vực đào tạo, giáo dục và xuất bản bằng ngôn ngữ địa phương từ năm 1991. Với ngân sách 600.000 USD, chương trình “Ndaw Wune” đã được mở rộng từ tháng 12 đến bốn vùng của Senegal là Kaolack, Saint-Louis, Diourbel và Matam, hiện đào tạo khoảng 4.000 học sinh. Các chương trình học của ARED sử dụng ba ngôn ngữ bản địa chính là Wolof, Serer và Pulaar.

Ba lần một tuần, từ 16 giờ đến 18 giờ, các lớp 20 học sinh sẽ được học các chương trình học bằng tiếng bản địa. Theo chương trình đào tạo này, một lớp sẽ chia thành ba nhóm. Một nhóm sẽ học cùng giáo viên, trong khi hai nhóm khác chủ động tự thực hiện các bài tập trên sách hướng dẫn bằng ngôn ngữ địa phương do ARED thiết kế. Phương pháp dạy học linh hoạt này nhằm bảo đảm đến cuối năm học, tất cả học sinh đều nắm được những kiến ​​thức cơ bản. Chỉ trong thời gian ngắn, các học sinh đã có những tiến bộ rõ rệt. Fatou Niang, 12 tuổi, đã từ vị trí thứ 18 lên vị trí thứ 8 trong lớp.

“Học sinh cũng như con cái và chúng tôi muốn giúp chúng thành công,” giáo viên Soumaré chia sẻ. Cô cho biết được trả 76 euro mỗi tháng trong chương trình học này. Trong khi đó, theo ông Mamadou Ly, nhờ chương trình học này, mọi người dần hiểu rằng ngôn ngữ địa phương cũng đóng vai trò rất quan trọng. Ông Ly hy vọng sẽ nhân số học sinh tham gia chương trình “Ndaw Wune” lên gấp 10 lần vào năm tới.

Trước đó, kể từ tháng 4/2022, Chính phủ Senegal đã thiết lập chương trình “Tăng cường khả năng đọc cho tất cả mọi người”, do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ với số tiền 80 triệu USD để cải cách hệ thống giáo dục quốc gia. Thực hiện khuyến nghị của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) về chủ trương dạy tiếng mẹ đẻ cho trẻ em ngay từ những năm đầu đi học, tổ chức này dự kiến ​​áp dụng song ngữ từ đầu năm học 2023-2024 cho tất cả các trường tiểu học công lập ở 9 khu vực trên cả nước Senegal, sau đó áp dụng rộng rãi trên toàn lãnh thổ vào năm 2028.