Đạo diễn Sugiyama Tsuyoshi:

“Sân khấu tồn tại để nâng cao giá trị con người”

Làm mới kịch kinh điển luôn là thách thức lớn đối với tất cả các nhà hát. Trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ, vở kịch “Hedda Gabler” của nhà viết kịch Na Uy danh tiếng Henrik Ibsen do đạo diễn người Nhật Bản Sugiyama Tsuyoshi vừa được tái hiện. Ông từng tham gia “Liên hoan sân khấu thể nghiệm lần thứ IV năm 2019” tại Việt Nam với vở diễn “Cậu Vanya” của nhà văn Nga nổi tiếng Anton Chekhov, dựng cho Nhà hát Tuổi trẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Đạo diễn Sugiyama Tsuyoshi và một cảnh trong vở “Hedda Gabler”.
Đạo diễn Sugiyama Tsuyoshi và một cảnh trong vở “Hedda Gabler”.

Phóng viên (PV): Ông có thể nói về giá trị nào tạo nên một vở diễn từ hơn 130 năm qua mà đến nay vẫn còn những tư tưởng rất đương thời?

Đạo diễn Sugiyama Tsuyoshi: Tôi nghĩ đó là sự đấu tranh cho hạnh phúc của chính bản thân mình. Với xã hội hiện đại hôm nay, thì phụ nữ đang bộc lộ tất cả những tính cách phức tạp khi đã có một chút về quyền lực và đời sống độc lập về tinh thần. Chắc chắn mỗi người phụ nữ đều có những suy nghĩ như Hedda, đôi khi họ thấy tẻ nhạt, khó chịu với những điều không hạnh phúc và họ muốn đấu tranh cho sự tự do ấy.

PV: Điều gì ở Hedda làm cho ông có cảm hứng khi dàn dựng?

Đạo diễn Sugiyama Tsuyoshi: Tác phẩm Hedda Gabler của Henrik Ibsen đã làm tôi thích thú vì tính cách đa chiều và phức tạp của nhân vật này. Hedda một người phụ nữ trưởng thành, có trái tim thuần khiết và chưa biết đến tình yêu. Vì cô ấy vắng mẹ từ nhỏ, bố cô ấy là tướng Gabler và đã cho cô ấy rất nhiều thứ, như là cách ứng xử, địa vị, cuộc sống đầy đủ, nhưng tôi không dám chắc ông ấy có cho Hedda tình yêu hay không? Người mẹ có thể không cho đứa con của mình về tiền bạc và quyền lực nhưng lại cho con nhiều hơn tình yêu của người cha. Chính vì thế cô ấy dễ dàng làm tổn thương người khác bởi những hành động ngốc nghếch mà không hề toan tính, điều đó làm cho nhân vật trở nên có sức hút với mọi thời đại.

PV: Ông suy nghĩ thế nào về việc sẽ làm cho sân khấu có sức hút đối với khán giả của ngày hôm nay?

Đạo diễn Sugiyama Tsuyoshi: Sân khấu là sự tưởng tượng mà không loại hình nào có được, nếu như cái gì cũng dễ nghe, dễ hiểu thì lập tức sẽ bị trôi đi một cách dễ dàng. Nếu như chúng ta tiếp xúc với nhiều loại hình giải trí thì khả năng tưởng tượng trong cuộc sống cũng bị giảm sút. Nếu bạn cứ đi theo trào lưu, xu hướng nghe thấy hay là đến mà không biết có hay thực sự không thì bạn đang dễ dãi với lựa chọn của mình. Nhưng ở sân khấu kịch đó là câu chuyện của sự tưởng tượng, thí dụ như họ nhìn sân khấu tròn thì họ sẽ thắc mắc hình tròn này là như thế nào? Tại sao có cảnh các nhân vật lại quay ra đằng trước để đối thoại mà không trực tiếp nói với nhau, các nhân vật yêu nhau nhưng cách thể hiện lại không trực tiếp, cuối cùng tại sao Brack lại bôi cái bột đó lên Hedda, và ngoài đời thì không ai làm thế cả, bạn sẽ phải vận dụng tư duy mà không thể rời mắt khỏi giây phút ấy, trong một không gian có giới hạn như vậy, nó thật huyền bí và gây tò mò cho khán giả, điều đó kích thích năng lực tưởng tượng của mọi người mà ngành nghệ thuật khác không có được.

PV: Ông muốn đem đến điều gì cho khán giả khi đến xem Hedda Gabler?

Đạo diễn Sugiyama Tsuyoshi: Tôi suy nghĩ rất đơn giản thôi, tôi chỉ muốn khi khán giả xem xong vở diễn, họ sẽ đặt rất nhiều câu hỏi xoay quanh các nhân vật và vở kịch. Thực ra, sân khấu có vẻ xa vời thực tế nhưng lại rất gần, thông qua tác phẩm sân khấu người ta có thể tự hỏi mình và những người bên cạnh mình là ai? Cuộc sống sẽ giàu có và phong phú hơn, sân khấu tồn tại để nâng cao giá trị của con người, chúng ta sẽ bớt tranh giành, đấu đá và sẽ hiểu được giá trị cuộc sống, đó là mục đích cuối cùng của tôi.

PV: Ekip làm việc có bắt kịp suy nghĩ của ông khi dàn dựng vở diễn?

Đạo diễn Sugiyama Tsuyoshi: Tất cả đều là những nghệ sĩ thông minh và hiểu được sân khấu cổ điển, có nhiều người tôi chưa được cộng tác, có những người tôi chọn, tôi thấy rằng mọi người đều có tài năng, họ không chỉ làm theo ý tôi mà còn rất sáng tạo cho từng vai diễn của mình. Nhất là trong thời gian ba tháng vừa qua, bây giờ tôi chỉ cần nói một điều rất đơn giản thì các bạn cũng đã hiểu ngay lập tức là tôi muốn gì, tôi nói một thôi và các bạn có thể đáp lại gấp đôi nên tôi thật sự rất xúc động. Tôi yêu Việt Nam và rất thích sống tại đây, tôi yêu Nhà hát Tuổi trẻ.

PV: Cảm ơn ông và mong sẽ có thêm những cơ hội hợp tác giữa ông và nhà hát!

Vở kịch “Hedda Gabler” sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 9 và 22/10 tại Nhà hát Tuổi trẻ - 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội. Các nghệ sĩ biểu diễn sẽ không sử dụng micro và các thiết bị hỗ trợ giọng nói như thông thường, để khán giả có thể thấy hết chất giọng và nội lực diễn viên, khi họ đã bỏ ra một thời gian dài dày công luyện tập.