1/Mới ngoài 50 tuổi nhưng gần một năm nay, bà Thủy (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thấy bản thân xuất hiện triệu chứng quên, có lúc không nhớ mình là ai hay có lúc đi đường lại không biết bản thân phải đi đâu? “Có những lúc tôi bỗng mất gần như toàn bộ trí nhớ. Phải mấy giây sau mới xác định được mình là ai và mình định đang làm việc gì? Tôi bị lặp lại tình trạng này nên đã phải đi kiểm tra để cải thiện trí nhớ”, bà Thủy cho biết.
Cũng gần với trường hợp trên, sau khi thấy có những dấu hiệu bất thường như không nhớ mình vừa nói gì hay đi chợ không biết mua gì hay đã trả tiền chưa, bà Hòa (quận Đống Đa, Hà Nội) đã được gia đình đưa đi khám và được chẩn đoán bà đang có dấu hiệu sa sút trí tuệ và cần phải điều trị.
Các bác sĩ cho biết, các đối tượng đến khám và điều trị bệnh lý suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ chủ yếu trên 70 tuổi thì nay có một tỷ lệ lớn, người bệnh từ 50 đến 60 tuổi khoảng 30-40%, những người ở độ tuổi này đã phát hiện có tình trạng sa sút trí tuệ.
2/Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình, Trung tâm Nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ, Bệnh viện Lão khoa T.Ư cho biết: “Nhiều người cho rằng, cứ có tuổi, ai rồi cũng “lẫn” nên khi có các biểu hiện của suy giảm trí nhớ, không phải ai cũng đi khám ngay. Chỉ khi tình trạng trở nên trầm trọng, cùng với rối loạn nhận thức khác, bệnh nhân mới đi khám và sau đó phải cần hỗ trợ đến sự chăm sóc của con cái. Biến chứng, ảnh hưởng của sa sút trí tuệ trong sinh hoạt rất nguy hiểm, bệnh nhân có thể bỏng, ngã, gặp các chấn thương nguy hiểm. Chính vì vậy, những quan niệm, nhận thức về bệnh cần phải thay đổi!”.
Theo bác sĩ Bình, sa sút trí tuệ là bệnh lý, không phải quá trình lão hóa bình thường. Vì thế, việc phát hiện sớm bệnh Alzheimer rất có ý nghĩa trong điều trị. Bệnh nhân đến khám muộn, bệnh ở giai đoạn nặng, khi đó khả năng hỗ trợ điều trị không nhiều. Những người dễ mắc chứng sa sút trí tuệ như người lớn tuổi, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, hút thuốc lá, stress mất ngủ, lo âu, di chứng tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não.
Đã có nhiều cảnh báo, càng ngày, dấu hiệu suy giảm trí tuệ càng xuất hiện nhiều hơn ở lứa tuổi trẻ. Theo các bác sĩ, nhiều người tuổi từ 40-50 đã rơi vào suy giảm nhận thức do lạm dụng sức trẻ, thức quá khuya, sử dụng rượu bia, thuốc lá, làm việc quá mức không tập thể dục. Nhất là giấc ngủ rất quan trọng trong việc sản xuất sản phẩm thoái hóa và đào thải, khi mất ngủ tế bào thần kinh hoạt động không hiệu quả, tăng sản phẩm thoái hóa. “Khi các bác sĩ kiểm tra nhóm bệnh nhân trẻ thì thần kinh, nhận thức của họ đều cho kết quả bình thường. Do vậy, những bạn trẻ này sẽ được xếp vào nhóm suy giảm trí nhớ, suy giảm nhận thức chủ quan”, bác sĩ Thanh Bình cho biết. Vì vậy, với những bệnh nhân ở độ tuổi còn trẻ và trung niên này, người bệnh sẽ được điều trị song song bởi ba chân kiềng gồm: thay đổi lối sống, điều trị các yếu tố nguy cơ (kiểm soát cao huyết áp, tiểu đường) và điều trị bằng thuốc…
Mới đây, Bệnh viện Lão khoa T.Ư và Hội Lão khoa Việt Nam đã tổ chức Ngày thế giới phòng chống bệnh Alzheimer với chủ đề “Xin đừng quên tôi - Forget me not” nhằm lan tỏa sự quan tâm và yêu thương của cộng đồng dành cho người mắc căn bệnh này. Tới đây, bệnh viện sẽ áp dụng các biện pháp xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh, từ đó có thể giúp người bệnh dự phòng và điều trị kịp thời.