Quyết liệt chống tội phạm mạng

Giới chức Đức thông báo vừa triệt phá một mạng lưới tin tặc quốc tế âm mưu thực hiện các vụ tấn công nhằm vào hơn 600 tổ chức và cá nhân, trong đó có cả hệ thống chăm sóc sức khỏe của Anh. Mạng lưới tin tặc quốc tế này bị cáo buộc tống tiền kỹ thuật số, phá hoại hệ thống máy tính và dùng mã độc tống tiền.
0:00 / 0:00
0:00
Europol triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm mạng thời gian vừa qua. Ảnh: GETTY IMAGES
Europol triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm mạng thời gian vừa qua. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo Reuters, sau một cuộc điều tra kéo dài, ngày 6/3 vừa qua, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) đã triệt phá thành công mạng lưới tin tặc quốc tế với âm mưu tống tiền kỹ thuật số, phá hoại hệ thống máy tính và nguy hiểm hơn là dùng mã độc tống tiền (ransomware). Đây là một dạng phần mềm độc hại mà các băng nhóm tội phạm thường xuyên sử dụng để mã hóa dữ liệu, cung cấp cho nạn nhân một khóa để truy cập lại dữ liệu cá nhân họ, sau đó dùng thông tin đó để tống tiền.

Theo ông Dirk Kunze, người đứng đầu bộ phận tội phạm mạng của cảnh sát bang Nordrhein-Westfalen (Đức), nhà điều tra đã xác định được ít nhất 601 nạn nhân, bao gồm các tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới, trong đó 37 người ở Đức. Ước tính, chỉ riêng các nạn nhân ở Mỹ đã trả ít nhất 42,5 triệu USD cho băng nhóm này trong khoảng thời gian từ tháng 5/2019 đến tháng 3/2021. Ông Kunze cho biết thêm, nhóm tin tặc là một “nền kinh tế ngầm hoạt động theo cung và cầu”. Nhóm này xuất hiện vào năm 2010 và bắt đầu phạm tội bằng việc sử dụng phần mềm tống tiền trong lĩnh vực chơi game.

Năm 2017, nhóm này đã thực hiện cuộc tấn công lớn đầu tiên nhằm vào hệ thống chăm sóc sức khỏe của Anh. Sau đó, chúng tung mã độc tống tiền nhằm vào một loạt công ty và tổ chức. Các quan chức Đức cho biết, tại nước này, mục tiêu của tin tặc là bệnh viện thuộc Đại học Duesseldorf và Funke Media Group - một nhà xuất bản báo và tạp chí lớn. Tháng 9/2020, một cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền “DoppelPaymer” đã làm gián đoạn hệ thống y tế của Bệnh viện Đại học Duesseldorf , buộc một bệnh nhân phải chuyển tuyến đến một bệnh viện lân cận. Người phụ nữ 78 tuổi sau đó đã tử vong vì việc đổi bệnh viện đã khiến nạn nhân qua mất “thời gian vàng” để cấp cứu.

Theo DW, giới chức Đức đã ban hành lệnh bắt giữ đối với ba nghi phạm và phát lệnh truy nã trên toàn thế giới đối với ba đối tượng này. Cảnh sát Hà Lan và Ukraine cũng tham gia quá trình điều tra. Trước đó, cảnh sát Đức đã đột kích nơi ở của một công dân Đức và thu giữ thiết bị công nghệ phục vụ cho các mục đích tấn công mạng, trong khi cảnh sát Ukraine đột kích vào hai địa điểm, thu giữ thiết bị điện tử và thẩm vấn một công dân Ukraine, người cũng được cho là thành viên của nhóm tin tặc. Đại diện Europol cho biết: “Các cá nhân đã bị thẩm vấn, thiết bị điện tử đã bị thu giữ và phân tích. Các hoạt động điều tra tiếp theo cũng như các thủ tục xử phạt cũng đang được tiến hành”.

Trong những tháng qua, nhiều công ty và sân bay đã phải đối mặt các cuộc tấn công mạng. Giới chức quốc gia trên thế giới nhấn mạnh, các vụ tấn công bằng mã độc bị xem là mối đe dọa an ninh quốc gia, do đó chính phủ các nước sẽ buộc phải sử dụng nhiều biện pháp mạnh tay hơn để giải quyết vấn đề, thay vì chỉ bắt giữ và buộc tội như hiện nay.

The Guardian cho hay, vụ triệt phá nhóm tin tặc vừa qua là hành động thực thi pháp luật mới nhất chống lại tội phạm mạng. Tháng trước, cảnh sát Pháp đã bắt giữ một nghi phạm trong vụ truy cập trái phép Vastaamo - nhà cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý tư nhân của Phần Lan để đe dọa tống tiền lãnh đạo trung tâm này cũng như chính các bệnh nhân. Tuần trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã công bố Chiến lược An ninh mạng quốc gia mới, một phần tập trung vào việc gia tăng những chiến dịch gây gián đoạn và các hành động khác chống lại các băng nhóm tấn công mã độc cũng như nhiều nhóm tội phạm mạng khác.