Bài viết tham dự cuộc thi tác phẩm báo chí về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2022-2025

Quân hàm xanh đổi thay miền biên giới

Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An triển khai nhiều chương trình giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, xóa đói-giảm nghèo. Với cách làm sáng tạo, mô hình thiết thực, những người lính quân hàm xanh trở thành điểm tựa vững chắc của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn biên giới.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cùng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) tổ chức tuần tra song phương biên giới.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cùng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) tổ chức tuần tra song phương biên giới.

Phát huy hiệu quả các mô hình sinh kế

Tộc người Đan Lai sinh sống tập trung đông trên địa bàn huyện Con Cuông, với khoảng 3.528 nhân khẩu/785 hộ, chiếm 4,8% dân số toàn huyện. Do điều kiện cách biệt về địa lý, chủ yếu tại đầu nguồn các khe, suối trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, điều kiện lịch sử và các tập tục lạc hậu, cuộc sống tộc người Đan Lai dựa vào rừng, chủ yếu là săn bắn, hái lượm và phát rừng làm rẫy nên thiếu đói quanh năm. Đặc biệt, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết khiến tộc người có chiều hướng suy thoái giống nòi.

Kể từ năm 2002, để bảo tồn phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Đan Lai, tỉnh Nghệ An đã bắt đầu di dời các hộ dân ở đây ra các khu tái định cư, gần trung tâm các xã. Đối với 230 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu còn lại, do nguồn kinh phí được cấp để thực hiện các dự án tái định cư có hạn, khó khăn về quỹ đất ở và đất sản xuất để bố trí cho người dân tái định cư nên địa phương chủ trương ổn định đời sống tại chỗ. Đến nay, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng so với những năm về trước, cuộc sống của bà con tộc người Đan Lai ở bản Búng và bản Cò Phạt đã có sự đổi thay rõ rệt. Bộ mặt bản làng ngày càng khởi sắc.

Trung tá Nguyễn Tiến Hạnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Môn Sơn cho biết, từ hái lượm, sản xuất tự nhiên, người Đan Lai nay đã thành thạo việc trồng lúa nước, chăn nuôi trâu bò, lợn nuôi nhốt. Từ chỗ chỉ khai thác lâm sản theo tự nhiên, người Đan Lai nay đã biết trồng rừng nguyên liệu, nhận khoán bảo vệ rừng cho Vườn quốc gia Pù Mát. Nhiều hộ mua sắm được ti-vi, xe máy, mở tiệm tạp hóa… Liên quan đến hoạt động chăn nuôi, Trung tá Hạnh cho hay, 7 con bò giống được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An và Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội trao tăng cho 7 hộ dân người Đan Lai ở trên địa bàn xã Môn Sơn nay đã phát triển lên 31 con. Năm 2017, bò của 4 hộ dân đã sinh sản và con giống được chuyển sang cho hộ gia đình khác để nhân rộng mô hình. Số lợn giống, dê giống của Đồn hỗ trợ cũng đang được các hộ dân chăn nuôi tốt.

“Đơn vị cử cán bộ phụ trách phối hợp địa phương thường xuyên theo dõi, kiểm tra và hướng dẫn, giúp đỡ các hộ trong quá trình chăn nuôi. Tuyên truyền bà con phải để con giống mà chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, không được dùng để làm thịt, cúng vía, bán…”, Thiếu tá Võ Văn Sơn, đảng viên tăng cường sinh hoạt tại Chi bộ bản Búng chia sẻ.

Tại bản Cò Phạt, gia đình ông La Văn Linh, Bí thư Chi bộ bản cũng là điển hình trong phát triển kinh tế. Ngoài trồng lúa nước, tự túc được lương thực, gia đình ông con nuôi hơn chục con trâu, bò và rất nhiều gà, vịt. Cuối năm 2023, gia đình ông và gia đình ông Lê Xuân Đường đã tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. “Trước đây, đến cái bụng cũng không được no. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng, cuộc sống giờ đã tốt hơn rất nhiều. Tôi bảo bà con cố gắng nuôi nhiều lợn, nhiều bò. Lên rừng chặt chuối về nấu với cám cho nó ăn. Mình phải siêng năng để thoát nghèo”, ông Linh phấn khởi chia sẻ.

Thông tin từ Đồn Biên phòng Môn Sơn cho biết, trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, cùng với số tiền cán bộ, chiến sĩ tự nguyện đóng góp, Đồn cũng đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ để xây dựng 2 mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình tộc người Đan Lai; xây dựng 1 điểm trường mầm non tại bản Làng Yên, trị giá 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã giúp nhân dân hàng trăm ngày công lao động để xây dựng đường giao thông, khai hoang, thu hoạch hoa màu...

Tại xã biên giới Keng Đu (huyện Kỳ Sơn), nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được Bộ đội Biên phòng hỗ trợ con giống, cây giống và được hỗ trợ cả về kỹ thuật chăm sóc, từ đó đã xây dựng được mô hình kinh tế của gia đình mình, cải thiện thu nhập. Có thể kể đến như gia đình ông Xeo Văn Thoong tại bản Huồi Cáng; gia đình ông Lương Văn Dương tại bản Hạt Tà Vén… Theo đó, giữa năm 2023, Đồn Biên phòng Keng Đu đã hỗ trợ gia đình ông Thoong gần 300 con gia cầm giống (gà, vịt, ngan) và xây dựng 1 chuồng trại chăn nuôi, tổng kinh phí hơn 17 triệu đồng. Đến nay, đàn vật nuôi không ngừng phát triển. Còn gia đình ông Dương được Đồn hỗ trợ 1 con bê giống, 100 kg cá giống, 60 con ngan, tổng trị giá khoảng 21 triệu đồng để xây dựng mô hình vườn-ao-chuồng. Nhờ sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng, nguồn thu nhập được cải thiện đáng kể, vừa qua, gia đình ông Thoong và ông Dương đã làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

Xây dựng vững chắc thế trận lòng dân

Không chỉ Đồn Biên phòng Keng Đu, Đồn Biên phòng Môn Sơn, mà các đơn vị biên phòng khác cũng đang triển khai có hiệu quả nhiều chương trình, mô hình hỗ trợ người dân trên địa bàn phát triển kinh tế. Thống kê từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho biết, các đơn vị trong Bộ đội Biên phòng tỉnh đang duy trì, phát huy 57 mô hình dân vận khéo giúp dân phát triển kinh tế xóa đói - giảm nghèo, trong đó có nhiều mô hình nổi bật, như: “Đồng hành cùng nông dân vượt khó thoát nghèo”, mô hình “Sẻ chia 50”, mô hình “Giúp dân chăn nuôi”…

Cụ thể, với mô hình “Đồng hành cùng nông dân vượt khó thoát nghèo”, sau khi sinh sản, bò giống, lợn giống sẽ được gia đình trả lại cho Đồn Biên phòng để gây dựng mô hình cho hộ dân khác. Với mô hình “Sẻ chia 50”, cán bộ, chiến sĩ của Đồn sẽ hỗ trợ con giống, cây giống (nguồn vốn cá nhân) cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, nhưng điều kiện là các hộ này phải có nguồn lực để chăn nuôi (lao động, đất canh tác...). Khi vật nuôi, cây trồng phát triển tốt, lợi nhuận sẽ được chia đôi (hộ dân 50% và cán bộ, chiến sĩ - người đầu tư 50%); còn nguồn vốn ban đầu vẫn tiếp tục được duy trì. Mô hình “Giúp dân chăn nuôi” của đồn Biên phòng Keng Đu… Các mô hình sinh kế và các chương trình an sinh xã hội đã mang lại hiệu quả rõ rệt; trở thành động lực, lan tỏa tinh thần vươn lên trong nhân dân.

Bên cạnh hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình sinh kế, từ năm 2019 - 2024, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã phối hợp các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ vật chất và kinh phí hỗ trợ nhân dân khu vực biên giới trị giá hơn 41,2 tỷ đồng; giúp đỡ nhân dân 9.650 ngày công sửa chữa đường giao thông, nạo vét kênh mương thủy lợi, thu hoạch lúa, hoa màu… Trong năm 2023, đơn vị đã phối hợp với các địa phương, ban, ngành các cấp sửa chữa và xây mới 210 ngôi nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực biên giới; trong đó có 4 ngôi được xây dựng bằng chính nguồn kinh phí đóng góp của các cán bộ, chiến sĩ. Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” đã trao tặng 30 ngôi nhà đại đoàn kết, tổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng cho các hộ gia đình khó khăn về nhà ở…

Đại tá Lê Như Cương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho biết: Với phương châm “Mỗi người dân là một cột mốc quốc giới sống” có ý nghĩa chiến lược, then chốt; kế thừa tư tưởng, truyền thống, kinh nghiệm “lấy dân làm gốc” của các bậc hiền nhân trong lịch sử dựng nước và giữ nước, những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã triển khai có hiệu quả nhiều chủ trương, giải pháp trong xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân”, nổi bật là công tác giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham gia, đồng hành cùng cấp ủy chính quyền địa phương và bà con nhân dân trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, sẽ nhân rộng các cách làm hay, mô hình hiệu quả đã và đang thực hiện nhằm gắn kết tình quân dân, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng vùng biên vững mạnh toàn diện.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã cùng các đơn vị, địa phương phối hợp triển khai xây dựng 2 ngôi nhà đại đoàn kết và nhà đồng đội cho hộ nghèo khu vực biên giới; hỗ trợ ngày công xây dựng 117 nhà cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An, để bà con an cư lạc nghiệp, yên tâm lao động, sản xuất.