Từ những năm 1990, đến nay, huyện Chi Lăng đã phát triển hình thành vùng trồng na, với tổng diện tích hơn 2.500ha, sản lượng đạt hơn 22.000 tấn quả, giá trị kinh tế ước đạt hơn 700 tỷ đồng/năm. Nhờ phát triển cây na, nhiều hộ dân đã có thu nhập khá, có thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm; nhiều thôn bản từ nghèo khó nay đã có 60-70% hộ giàu.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chi Lăng Vi Nông Trường cho biết: Năm 2011, quả na Chi Lăng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Na Chi Lăng” cho sản phẩm na quả của huyện Chi Lăng (Lạng Sơn). Được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục đặc sản “Na Chi Lăng” của tỉnh Lạng Sơn được công nhận vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam theo Bộ tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam.
Na Chi Lăng được bà con các xã trong huyện đưa đến chợ hoa quả của huyện bán cho khách hàng. |
Thương hiệu na Chi Lăng đã được Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tôn vinh, trao giải thưởng cúp vàng và chứng nhận đạt Top 10 Thương hiệu Vàng Nông nghiệp Việt Nam năm 2018, 2019.
Trong những năm qua, huyện Chi Lăng luôn chú trọng việc xây dựng hình ảnh na Chi Lăng và các sản phẩm OCOP như: Tổ chức các hội chợ thương mại, giới thiệu nông sản; tổ chức các hội thảo truyền thông về thương hiệu na Chi Lăng...
Đặc biệt, trước những biến chuyển mạnh mẽ của thời kỳ công nghệ 4.0, chuyển đổi số, kinh tế số những người nông dân trong huyện đã bắt kịp xu thế công nghệ trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Lãnh đạo huyện Chi Lăng trao tặng quả na cho 2 doanh nghiệp mua với giá hơn 200 triệu đồng/quả. |
Theo đó, để mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đã có nhiều gian hàng nông sản trên mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok, sàn thương mại điện tử Vỏ sò (voso.vn), postmart.vn... Đồng thời cũng là dịp quảng bá, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho đặc sản na Chi Lăng theo hướng phát triển bền vững.
Ngoài ra, đây là sự kiện thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, giúp người nông dân, doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất và đạt lợi nhuận cao nhất, hướng tới mục tiêu “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số”.