Công cụ nguy hiểm

Hàng loạt biện pháp trừng phạt mới đã được các quốc gia phương Tây liên tiếp áp đặt lên Iran trong vài ngày gần đây đang khiến căng thẳng leo thang nghiêm trọng trong mối quan hệ giữa hai bên. Dù hiểu rõ việc trừng phạt chỉ khiến thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015 khó có thể hồi sinh, song phương Tây vẫn nhất quyết sử dụng công cụ này nhằm gây sức ép buộc Tehran đưa ra những nhượng bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Nguồn: ASIA TODAY
Nguồn: ASIA TODAY

Ngày 17/10, theo AP, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt trừng phạt đối với 11 cá nhân và bốn thực thể của Iran, trong đó có quan chức hàng đầu của lực lượng cảnh sát tôn giáo, Bộ trưởng Thông tin Iran Issa Zarepour và một số quan chức cảnh sát địa phương. Một số thực thể trong danh sách bao gồm lực lượng bán quân sự Basij của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và đơn vị an ninh mạng của IRGC. Những cá nhân và thành viên của các thực thể bị trừng phạt sẽ bị EU cấm cấp thị thực và phong tỏa tài sản.

Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Naser Kanani tuyên bố, Iran sẽ có phản ứng “lập tức” đối với những quyết định và hành động EU. Người phát ngôn Kanani nhấn mạnh, nếu EU áp đặt lệnh trừng phạt mới thì đây là hành động “thiếu tính xây dựng và phi lý”. Quan chức ngoại giao hàng đầu của Iran nhấn mạnh, EU đã thông qua các biện pháp trừng phạt “không cần thiết” dựa trên những thông tin sai lệch.

Mỹ, Anh và Canada trước đó cũng đã áp đặt trừng phạt với các cá nhân và thực thể tại Iran. Bộ Tài chính Mỹ cho biết, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bộ trưởng Nội vụ Iran Ahmad Vahidi, Bộ trưởng Truyền thông Eisa Zarepour và người đứng đầu lực lượng Cảnh sát mạng Iran Naser Majid. Theo lệnh trừng phạt, tất cả tài sản và lợi ích của những cá nhân trên đang thuộc sở hữu hoặc quyền kiểm soát của công dân Mỹ sẽ bị phong tỏa và thông báo cho Văn phòng quản lý tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ.

Trong khi đó, Anh cũng tuyên bố áp đặt các lệnh trừng phạt đối với một số quan chức an ninh cấp cao và nhân vật chính trị của Iran. Các lệnh trừng phạt bao gồm cấm không cho các cá nhân trong danh sách tới Anh, cũng như phong tỏa tài sản của những người này tại Anh. Bộ trưởng Ngoại giao Canada, bà Mélanie Joly cho biết, nước này đã quyết định bổ sung thêm nhiều quan chức và thực thể Iran vào danh sách trừng phạt, cấm nhập cảnh Canada hay kinh doanh với hầu hết các công ty của Canada.

Phản ứng trước các lệnh trừng phạt của phương Tây, Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI), ông Mohammad Eslami xác nhận nước này đã bắt đầu làm giàu urani ở tầng thứ ba của các máy ly tâm tiên tiến tại cơ sở ngầm ở Natanz. Tuy nhiên, Giám đốc Eslami khẳng định, tất cả hoạt động hạt nhân của Iran được thực hiện dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Tehran đã thông báo cho cơ quan này về thời gian cũng như cách thức triển khai các kế hoạch. Theo quan chức này, hoạt động làm giàu urani được thực hiện theo Đạo luật “Kế hoạch hành động chiến lược chống trừng phạt” (SAPCS), được Quốc hội Iran thông qua hồi tháng 12/2020. Đạo luật này cho phép Tehran từ bỏ một phần cam kết của mình theo thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) nếu phương Tây gia tăng sức ép bằng các lệnh trừng phạt.

JCPOA được Iran và các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga) cùng Đức ký kết vào tháng 7/2015, theo đó Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt kinh tế, khiến Iran cũng giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận. Hiện, các bên đang nỗ lực đàm phán nhằm khôi phục JCPOA.

Tuy nhiên, việc Mỹ hờ hững đối với nỗ lực khôi phục JCPOA, cũng như EU - đóng vai trò trung gian trong đàm phán về nối lại thực thi JCPOA giữa Iran và Mỹ, sử dụng công cụ trừng phạt đối với Tehran tương tự các động thái của Washington đang dần bóp nghẹt mọi nỗ lực làm hồi sinh thỏa thuận lịch sử này, cũng như gây nguy hiểm cho an ninh hạt nhân. Trong phát biểu gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, việc theo đuổi các cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA không phải là “vấn đề trọng tâm” của Washington ở thời điểm hiện tại.