Đến hè lại lo
Chiều 25/4, ở xã Nghĩa Lộc (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) xảy ra vụ đuối nước khiến bốn nữ sinh lớp 8 thiệt mạng. Chiều 26/4, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra vụ đuối nước khiến hai học sinh tử vong tại kênh thủy lợi. Ngày 27/4, tại khu vực bờ suối San Thàng thuộc địa phận giáp ranh giữa xã San Thàng (TP Lai Châu) và xã Tả Lèng (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu), hai học sinh lớp 7 cũng tử vong do đuối nước. Ngày 1/5, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận xảy ra hai vụ đuối nước làm một học sinh lớp 7 và hai em nhỏ (5 và 6 tuổi) tử vong. Đến ngày 2/5, hai vụ đuối nước tiếp tục xảy ra khiến một học sinh lớp 3 tại Bình Phước và hai học sinh lớp 3, lớp 5 ở Đắk Lắk tử vong… Mới đây, chiều 19/5, năm học sinh Trường THCS Lê Anh Xuân rủ nhau tắm biển Nam Ô (gần Lăng Nam Ô, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) thì không may bị đuối nước. Khi xảy ra tai nạn, ba em tự bơi vào bờ được, một em được người dân kịp thời cứu vào bờ. Riêng em Phan Văn C. (trú Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) bị nước cuốn trôi mất tích…
Những vụ tai nạn thương tâm liên tiếp cướp đi sinh mạng của trẻ em tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng đuối nước. Điều này đã trở thành nỗi lo, thậm chí ám ảnh rất nhiều phụ huynh, giáo viên và các cơ quan chức năng về công tác quản lý, bảo vệ trẻ em trong mùa hè. Thực tế ở những địa phương có vùng sông nước, việc trẻ nhỏ tự ý bơi lội mà không có sự giám sát của người lớn là khá nhiều. Với bản tính hiếu động, trẻ nhỏ thường hoạt động theo ý thích riêng của mình và muốn được vui chơi, giải trí sau những giờ học tập căng thẳng. Tuy nhiên, trong số đó nhiều em lại chưa biết bơi hoặc biết bơi nhưng chủ quan, không lường hết được nguy hiểm tiềm ẩn ở những nơi có vùng nước sâu, nước xoáy. Do đó, khi tai nạn ập đến, các em bị lúng túng, hoảng loạn và không biết làm cách nào để thoát khỏi hiểm nguy.
Những vụ việc trên cho thấy, công tác chăm sóc và phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn còn hạn chế. Việc tuyên truyền, giáo dục về kiến thức và các kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em cũng chưa được triển khai một cách quy mô, bài bản. Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2015-2020, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ tử vong do đuối nước. Trong đó, xảy ra tại cộng đồng chiếm tới 77,6%; 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác. Điều đáng nói, vào những tháng học sinh nghỉ hè, số người đuối nước ở học sinh, trẻ em thường chiếm tỷ lệ cao.
Quy rõ trách nhiệm người đứng đầu
Theo thống kê, từ tháng 6/2018 đến nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai chương trình dạy bơi an toàn cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi, qua đó tuyên truyền để có ít nhất 90% trẻ em mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy; mở 709 lớp dạy bơi cho gần 15.000 trẻ em tại các địa phương có nhiều vùng sông suối, ao hồ, kênh rạch… Với nhóm trẻ dưới 5 tuổi, các cơ quan, đơn vị chức năng trang bị kỹ năng giám sát phòng, chống đuối nước ở trẻ; tăng cường phối hợp liên ngành nhằm xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em.
Phó Cục trưởng Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Vũ Thị Kim Hoa cho biết, thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan, ban, ngành tăng cường việc thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp bảo đảm quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, trong đó quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tử vong tai nạn đuối nước, thương tích ở trẻ. Bộ cũng phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn hóa tài liệu dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ. Trước mắt, triển khai dạy thí điểm ở 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao trong cả nước, sau đó, tài liệu này tiếp tục được chuẩn hóa để phổ biến trên toàn quốc.
Trong năm 2022, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp các bộ, ngành hoàn thành kế hoạch liên ngành tăng cường phòng, chống đuối nước trẻ em, phân công trách nhiệm cụ thể để triển khai thực hiện, tạo cơ chế trao đổi, chia sẻ các hoạt động mang tính đồng bộ. Cùng với đó, yêu cầu các địa phương rà soát, lập bản đồ các nơi nguy hiểm như hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm, công trình chứa nước… có nguy cơ gây tai nạn đuối nước tại địa bàn; triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục như làm rào chắn, biển cảnh báo; cảnh giới, nhắc nhở… Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các địa phương quan tâm bố trí kinh phí, nguồn lực với mục tiêu Việt Nam đến năm 2025 sẽ giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước và 20% vào năm 2030; 60% số trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2025 và 70% vào năm 2030; 50% số trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn năm 2025 và 60% vào năm 2030.