Philippines thanh lọc lực lượng cảnh sát

Giám đốc Cảnh sát quốc gia Philippines (PNP), Tướng Rodolfo Azurin Jr. (trong ảnh) đã đệ đơn từ chức, trong bối cảnh Chính phủ Philippines chuẩn bị thanh lọc những sĩ quan cảnh sát bị nghi ngờ có liên hệ tội phạm ma túy.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: THE MANILA TIMES
Ảnh: THE MANILA TIMES

Theo AP, ông Azurin cũng khuyến khích các quan chức cảnh sát cấp cao khác rời khỏi vị trí, bao gồm những thành viên còn lại trong ban lãnh đạo PNP. Động thái trên diễn ra sau khi một số nhân viên thực thi pháp luật bị bắt quả tang vận chuyển ma túy bất hợp pháp, làm xấu đi hình ảnh của lực lượng hành pháp nước này. Mặc dù vậy, cựu Giám đốc PNP cho rằng chỉ có chưa đến 10 người trong số các tướng lĩnh hiện bị điều tra quanh các cáo buộc liên quan ma túy.

Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Philippines Benjamin Abalos Jr. đã kêu gọi tất cả tướng lĩnh cảnh sát nước này nộp đơn từ chức “theo phép lịch sự” để mở đường điều tra những quan chức có liên hệ tội phạm buôn bán ma túy. Tờ The Manila Times trích lời ông Abalos cho biết, việc nộp đơn từ chức là “cách làm nhanh chóng” để đối phó những nghi vấn về việc nhân viên của PNP tham gia các hoạt động bất hợp pháp.

Theo Bộ Nội vụ nước này, tổng cộng khoảng 300 người trong lực lượng cảnh sát hùng hậu gồm hơn 227.000 nhân viên đang giữ các chức vụ hoặc cấp bậc quan trọng. Tháng 11, cơ quan điều tra phát hiện “một số ít” trong những người này có liên quan hoạt động tội phạm. Tuy nhiên, ông Abalos cũng khẳng định các tướng lĩnh cảnh sát có thể tiếp tục làm việc trong khi ủy ban thanh tra kiểm tra hồ sơ lý lịch của họ cho đến khi có kết luận cuối. Người đứng đầu Bộ Nội vụ cho biết: “Chỉ những người bị kết tội sẽ được chấp nhận đơn từ chức. Đây là cách tiếp cận triệt để, là “lối tắt” cho cuộc điều tra tham nhũng của chúng tôi và tránh lặp lại các nước đi sai lầm, mất nhiều thời gian và mang lại ít kết quả”.

Lực lượng cảnh sát Philippines đã từng trải qua những đợt thanh lọc hà khắc để làm trong sạch đội ngũ. Trước đây, vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, cựu Tổng thống Fidel Ramos đã yêu cầu tất cả các sĩ quan hơn 56 tuổi hoặc có hơn 30 năm phục vụ trong ngành phải từ chức. Trong chiến dịch chống ma túy gây tranh cãi do cựu Tổng thống Rodrigo Duterte phát động vào năm 2016, lực lượng an ninh đã gặp phải nhiều chỉ trích do tỷ lệ bắn giết tội phạm quá cao cùng những nghi ngờ “đi đêm” với các băng đảng ma túy.

Nhậm chức hồi tháng 6/2022, Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos đã khẳng định tiếp tục cuộc chiến chống ma túy, song cũng phải thừa nhận “vấn đề ma túy giống như một cái cây, chặt cành này sẽ có cành khác mọc ra”. Chính phủ của ông Marcos công bố chiến dịch mới sẽ có cách tiếp cận từ cấp cơ sở đến quốc gia, tập trung nhiều hơn vào việc phòng ngừa, bao gồm cắt giảm chuỗi cung ứng các loại ma túy và thúc đẩy tái hòa nhập cộng đồng đối với tội phạm ma túy đã hoàn lương.

Dù vậy, hình ảnh của lực lượng hành pháp đã bị giáng một đòn mạnh khi cơ quan điều tra vào tháng 10/2022 đã bắt quả tang một số nhân viên cảnh sát vận chuyển ma túy và giúp che giấu gần một tấn methamphetamine - một chất kích thích mạnh. Tháng 12/2022, một quan chức đơn vị chống ma túy lớn của Philippines và các nhân viên đã bị bắt tàng trữ ma túy ngay tại văn phòng. Trong sáu tháng cuối năm 2022, giới chức Phillippines đã tịch thu lượng methamphetamine trị giá 10 tỷ peso (khoảng 179 triệu USD), trong đó có vụ thu giữ ma túy với số lượng kỷ lục hồi tháng 10 nói trên.

Nhiều quan chức cảnh sát đã bày tỏ phản đối yêu cầu từ chức, khi cho rằng, một vài “con sâu làm rầu nồi canh” đã làm hủy hoại hình ảnh và sự nghiệp của các nhân viên an ninh khác. Song, việc triển khai các biện pháp mạnh tay được xem là động thái quyết liệt nhằm lấy lại lòng tin của công chúng, cải thiện hình ảnh của lực lượng cảnh sát - những người thực thi pháp luật ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống ma túy đầy cam go của quốc gia Đông Nam Á này.