Những “thành công xanh” bước đầu
Vừa hoàn thành chuyến đạp xe cùng nhóm bạn quanh trung tâm quận 1, chị Nguyễn Lan Hương (ngụ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1) hào hứng: “Dịch vụ xe đạp công cộng đã tạo thói quen cho tôi di chuyển hằng ngày nhờ sự linh hoạt, tiện lợi cũng như góp phần bảo vệ môi trường, rèn luyện sức khỏe. Không những vậy, nó còn giúp mình trải nghiệm, hít thở không khí thành phố tuyệt đẹp mà trước đó không nhận ra. Đi xe đạp ngắm cảnh thành phố buổi bình minh hay hoàng hôn thật thú vị, thư giãn. Tin rằng, thời gian tới sẽ có nhiều người dân và du khách lựa chọn dịch vụ thú vị này”.
Là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai dịch vụ xe đạp công cộng công nghệ cao, sau hơn 5 tháng đi vào hoạt động (từ ngày 16/12/2021 đến nay), TP Hồ Chí Minh đã có hơn 160 nghìn lượt hành khách sử dụng dịch vụ trên quãng đường hơn 1,1 triệu km. Trung bình mỗi ngày có hơn 15 nghìn lượt người đăng ký mới dịch vụ này. Vào buổi sáng và buổi tối, tại những nơi đặt trạm xe đạp công cộng trên các tuyến đường như: Hàm Nghi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Huệ, Nguyễn Thị Minh Khai… (quận 1), khách thuê xe rất đông.
Trao đổi với Thời Nay, ông Đỗ Bá Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dịch vụ vận tải số Trí Nam (Tập đoàn Trí Nam) cho biết, qua hơn 5 tháng hoạt động, nhìn chung đối tượng sử dụng dịch vụ chiếm đa số là người trẻ, nhu cầu đăng ký sử dụng dịch vụ của số đông người dân cũng liên tục tăng lên. “Qua ghi nhận trên hệ thống, rất nhiều người sử dụng dịch vụ cho nhiều chuyến đi. Phản hồi từ người dân sử dụng dịch vụ khá tốt. Nhiều khách hàng đề nghị sớm nhân rộng mô hình tại nhiều quận chứ không chỉ dừng ở quận 1 như hiện nay”, ông Quân nói.
Đầu tháng 3 vừa qua, Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus (nhà đầu tư) cũng đã triển khai tuyến xe bus điện đầu tiên của thành phố - tuyến D4 chạy từ Vinhome Grand Park (TP Thủ Đức) đến Bến xe bus Sài Gòn tại trung tâm quận 1. Theo thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố (Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh), sau hơn hai tháng đưa vào hoạt động, tuyến xe bus điện vận chuyển hơn 80 nghìn lượt khách, trung bình đạt 15,7 hành khách/chuyến, cao hơn so trung bình toàn hệ thống xe bus thời điểm hiện tại (13,2 hành khách/chuyến).
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus, qua hơn hai tháng hoạt động, tuyến xe bus điện được người dân đón nhận và đánh giá cao về chất lượng dịch vụ, với hình ảnh xe bus thành phố văn minh, hiện đại, đi cùng một số điểm mới so hệ thống xe bus hiện hữu như hệ thống wifi, cổng sạc điện thoại, màn hình LED hiển thị thông tin trạm dừng tiếp theo; xe bus điện thân thiện môi trường, không khói bẩn, không tiếng ồn, không mùi, khả năng tiếp cận người khuyết tật tốt; các xe được trang bị hệ thống máy tính trên xe, hành vi của lái xe được giám sát bằng camera AI…
Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh Lê Hoàn cho hay, tại thành phố, nguồn phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực giao thông đô thị chiếm đến 45%. Vì thế, việc sử dụng xe điện để cung cấp dịch vụ giao thông vận tải công cộng xe bus có chất lượng, thân thiện môi trường là cần thiết. “Trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ mở thêm nhiều tuyến phục vụ người dân, góp phần xây dựng mạng lưới giao thông công cộng xanh, văn minh, hiện đại”, ông Lê Hoàn nhấn mạnh.
Đa dạng loại hình dịch vụ
GS, TS Lê Anh Tuấn, Trưởng nhóm tư vấn dự án “Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á” cho rằng, để đạt được mục tiêu phát triển phương tiện giao thông chạy bằng điện cần có lộ trình cụ thể. Theo đó, đến năm 2025, phải xây dựng và ban hành định mức kỹ thuật liên quan đến phát triển phương tiện giao thông điện. Năm 2030, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách và thống nhất tiêu chí đối với các trạm sạc. Năm 2035, dừng cấp đăng ký mới với xe bus sử dụng động cơ đốt trong. Tiến đến năm 2040, dừng cấp đăng ký mới với xe dùng động cơ diesel và xe mô-tô, xe máy dùng động cơ đốt trong. Năm 2050, dừng cấp đăng ký mới với tất cả xe sử dụng nhiên liệu từ động cơ đốt trong.
Theo Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh) Đỗ Ngọc Hải, dự kiến đến quý IV/2022, thành phố phát triển thêm bốn tuyến xe bus điện, gồm: Vinhomes Grand Park - trung tâm thương mại Emart; Vinhomes Grand Park - sân bay Tân Sơn Nhất; Vinhomes Grand Park - Bến xe miền Đông mới và Bến xe miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc gia.
Về xe đạp công cộng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Nam Ðỗ Bá Quân thông tin, sau sáu tháng hoạt động, thành phố sẽ đánh giá và xem xét để cho phép mở rộng loại hình này ra các quận như quận 3, 5, 7, Bình Thạnh, Phú Nhuận… Nhà đầu tư đã sẵn sàng triển khai thêm 150 trạm thuê xe với khoảng 1.000 - 1.500 xe đạp mới.
Cùng với mục tiêu tăng cường phát triển giao thông “xanh”, UBND TP Hồ Chí Minh cũng vừa có văn bản đồng ý với đề nghị của Sở Giao thông vận tải về tưới nước rửa mặt đường trong các ngày nắng nóng từ tháng 5, nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí và xử lý các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.
Đáng chú ý, từ năm 2013, UBND thành phố đã phê duyệt “Đề án sản xuất 300 xe bus CNG” (chạy bằng khí thiên nhiên hóa lỏng) và giao nhiệm vụ cho Tổng công ty Cơ khí giao thông Sài Gòn (SAMCO) triển khai thực hiện. Mục tiêu của đề án bao gồm: Thay thế dần các xe bus hư hỏng, xuống cấp, không còn đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của phương tiện vận tải hành khách công cộng; là giải pháp góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến việc xây dựng hệ thống giao thông xanh văn minh.
Theo đó, từ năm 2016 đến nay, ngành giao thông đã từng bước thay thế 23 xe bus cũ chạy nhiên liệu diesel gây ô nhiễm môi trường bằng 23 xe bus CNG mới, hoạt động trên tuyến số 53, mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường cao. Trong quý III/2022, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai các hạng mục của dự án phát triển giao thông xanh, với nguồn kinh phí hơn 3.272 tỷ đồng. Với kế hoạch này, thành phố sẽ xây dựng một tuyến bus nhanh BRT dọc Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, chiều dài 23km, dự kiến vận hành từ quý II/2024, sử dụng xe bus CNG.
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Lương Minh Phúc, Ngân hàng Thế giới cũng ủng hộ thành phố tiếp tục triển khai, hoàn thành dự án theo hướng kêu gọi xã hội hóa đầu tư các tuyến xe bus qua hình thức đấu thầu. Phương tiện sẽ là xe bus điện hoặc loại sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh Bùi Hòa An khẳng định, mục tiêu của thành phố là phát triển đô thị văn minh hiện đại, thành phố phải chú trọng đến việc phát triển bền vững và thân thiện môi trường. Đồng thời, cung cấp các dịch vụ công cộng có chất lượng cao, hiện đại, tiên tiến, để khuyến khích và đem lại sự tin tưởng cho người dân trong việc sử dụng phương tiện công cộng “xanh”. Vì thế, việc đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ vận tải hành khách công cộng “xanh” có chất lượng và thân thiện với môi trường là rất cần thiết và được ngành giao thông xác định trong kế hoạch trọng tâm thời gian tới.
Nhóm tư vấn dự án “Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á” kiến nghị lộ trình phát triển phương tiện giao thông điện tại TP Hồ Chí Minh gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ năm 2022-2030), đặt mục tiêu tỷ lệ xe điện bán ra năm 2030 đạt 20% với mô-tô/xe máy/xe ô-tô con; 10% với taxi và 50% với xe bus. Giai đoạn 2 (từ năm 2030-2040), tỷ lệ này năm 2040 đạt 50% với mô-tô/xe máy; 60% với xe ô-tô con; 20% với taxi và 100% với xe bus. Giai đoạn 3 (từ năm 2040-2050), năm 2050 đạt 90% với mô-tô/xe máy/xe ô-tô con; 60% với taxi và 100% với xe bus.