Phát triển các dự án trung hòa carbon

Trong bối cảnh Việt Nam cam kết giảm phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0 - Net Zero vào năm 2050, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương đang thực hiện nhiều bước đi cụ thể, trong đó có các giải pháp trung hòa carbon, góp phần giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy sản xuất hộp giấy đựng đồ uống của Tetra Pak tại tỉnh Bình Dương hoàn thành lắp đặt các tấm quang năng, giảm khí CO2 thải ra môi trường.
Nhà máy sản xuất hộp giấy đựng đồ uống của Tetra Pak tại tỉnh Bình Dương hoàn thành lắp đặt các tấm quang năng, giảm khí CO2 thải ra môi trường.

Những con số đáng báo động

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, năm 2018 (thời điểm trước dịch Covid-19), thành phố phát thải 57,6 triệu tấn CO2, chiếm 1/4 tổng lượng khí thải của cả nước, trong đó 93,6% là từ ngành năng lượng.

Đến năm 2022, từ nghiên cứu của Viện Môi trường - Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho thấy, tổng phát thải khí nhà kính của thành phố đạt mức trên 60 triệu tấn CO2; trong đó, lượng bụi mịn PM2.5 cùng các khí độc hại (như NO2, SO2, CO...) đều vượt ngưỡng khuyến nghị cho sức khỏe từ 4 - 5 lần theo quy chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Nguyên nhân chủ yếu đến từ các hoạt động sản xuất công nghiệp như dệt may, sản xuất kim loại… chiếm hơn 30% tổng lượng khí thải. Các hoạt động giao thông đường bộ cũng sản sinh ra hơn 20% tổng lượng khí thải, trong đó xe máy là phương tiện xả khí thải lớn nhất.

Năm 2022, thành phố tiêu thụ hơn 22 tỷ kWh điện. Trong khi đó, công suất điện mặt trời mái nhà tại thành phố mới đạt hơn 358MWp, rất nhỏ so tiềm năng hơn 5.000MWp điện mặt trời của thành phố (tương đương 7 tỷ kWh điện/năm, tạo ra lượng tín chỉ carbon lớn). Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Mỹ, kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 10% khí phát thải và tiến tới nền kinh tế carbon thấp. Sở đã tích cực hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp thuộc năm lĩnh vực gồm sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, hoạt động sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải thực hiện các bước kiểm kê, báo cáo lượng phát thải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Việc này giúp ngành môi trường TP Hồ Chí Minh giám sát, quản lý hoạt động kinh doanh liên quan đến khí thải carbon trên địa bàn hiệu quả hơn. Từ đó, phát hiện những doanh nghiệp có hoạt động sản xuất gây phát sinh nhiều khí thải để có hướng hỗ trợ, điều chỉnh hợp lý.

Trong khi đó, tại tỉnh Bình Dương, từ năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện công tác kiểm kê khí nhà kính. Kết quả tổng lượng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 17 triệu tấn CO2/năm. Trong đó lĩnh vực năng lượng cố định và giao thông cao nhất, chiếm 85%. Đến năm 2019, tổng phát thải khí nhà kính của Bình Dương khoảng hơn 20 triệu tấn CO2/năm, thuộc nhóm phát thải cao so cả nước.

Phát triển các dự án trung hòa carbon ảnh 1

Xe máy là phương tiện xả khí thải lớn. Ảnh: NGUYỄN MINH

Cần tập trung triển khai các dự án trung hòa carbon

Để góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0 - Net Zero vào năm 2050, TP Hồ Chí Minh đề xuất chuyển đổi công nghệ giảm phát thải khí nhà kính tạo ra tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là một loại giấy phép cho phép chủ sở hữu được quyền thải khí CO2 hoặc khí thải nhà kính khác. Mỗi tín chỉ được xác nhận là 1 tấn CO2, hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2. Nếu các cơ sở giảm được lượng CO2 thải ra sẽ có thể mua bán, trao đổi số tín chỉ tương ứng lượng giảm đó, thu tiền về để tái đầu tư cho công nghệ mới phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Các chuyên gia năng lượng cho rằng, TP Hồ Chí Minh có lợi thế về phát triển điện mặt trời. Nếu tăng việc sản xuất và tiêu thụ điện từ năng lượng tái tạo sẽ giảm phát thải và có dư tín chỉ carbon để bán. Do đó, TP Hồ Chí Minh rất phù hợp để trở thành địa phương đầu tiên thí điểm thị trường tín chỉ carbon đô thị. Chủ tịch HĐQT Vũ Phong Energy Group (doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam) Phạm Nam Phong phân tích, những công trình tiêu thụ nhiều năng lượng điện gồm các trung tâm thương mại, tòa nhà, cơ sở sản xuất công nghiệp, chiếm khoảng 20% lượng điện tiêu thụ và tăng trung bình 9,3%/năm. Tại TP Hồ Chí Minh, Vũ Phong Energy Group đã khảo sát tại Bệnh viện đa khoa Củ Chi. Tại đây có thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời công suất 500MWp, mỗi năm sẽ giảm phát thải được hơn 500 tấn carbon.

Thế nhưng, theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương, hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị kinh doanh, các tòa nhà… chưa phát triển điện mặt trời mái nhà do nhiều vướng mắc. Trong đó, các chính sách vay vốn là trở ngại lớn nhất. Hiện các quy định hiện hành không cho phép UBND cấp tỉnh đi vay để cho vay lại với những dự án ngoài danh mục đầu tư của nhà nước; không được phép ủy thác ngân sách cho vay phát triển điện mặt trời. Mặt khác, chưa có cơ chế sử dụng trụ sở, tòa nhà, công xưởng là tài sản công để lắp điện mặt trời mái nhà cũng như chưa có cơ chế mua bán, trao đổi tín chỉ carbon…

Để giải quyết những vướng mắc trên, UBND thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Trung ương cho phép thành phố được sử dụng nguồn vốn vay để cho vay hoặc ủy thác cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) làm đầu mối cho vay để lắp đặt hệ thống điện mặt trời, chuyển đổi công nghệ giảm phát thải khí nhà kính tạo ra tín chỉ carbon. TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng, tham mưu cơ chế dùng nguồn thu từ việc trao đổi, mua bán tín chỉ carbon thông qua sàn giao dịch để hoàn trả khoản nợ cho vay và xoay vòng phát triển thị trường tín chỉ carbon cho đến khi có quy định từ Trung ương.

Còn tại tỉnh Bình Dương, các dự án trung hòa carbon đã được các tập đoàn lớn của nước ngoài rót vốn vào đầu tư xây dựng. Cụ thể, mới đây nhất vào giữa tháng 4 đã diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận về việc hợp tác thực hiện cụm công nghiệp “Net Zero” giữa Tập đoàn Gia Định và Tập đoàn SEP Cooperative (Hàn Quốc). Tập đoàn SEP Cooperative đã giới thiệu các công nghệ trung hòa carbon sẽ áp dụng tại Cụm công nghiệp Tam Lập 2 (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), gồm 3 hạng mục: Sử dụng năng lượng mặt trời; xây dựng hệ thống xử lý chất thải và nước thải; công nghệ tái tạo chất thải công nghiệp. Dự án Cụm công nghiệp Tam Lập 2 dự kiến sẽ khởi công cuối năm 2023.

Đại diện Tập đoàn SEP Cooperative cho biết, dựa trên mô hình trung hòa carbon đang được thí điểm bởi các Khu liên hợp công nghiệp Banwol-Sihwa tại Hàn Quốc, Tập đoàn SEP muốn đầu tư hơn 200 triệu USD để thành lập Khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon chuyên về ngành giày và cơ sở hạ tầng để giảm thiểu carbon. Khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon dự kiến xây dựng trên diện tích 180ha tại cụm công nghiệp Tam Lập 2. Dự kiến, khu liên hợp công nghiệp này sẽ thu hút khoảng 20 doanh nghiệp là thành viên của SEP tham gia đầu tư các giải pháp để trung hòa carbon. Với dự án tại Bình Dương sẽ góp phần giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường; đóng góp tích cực cho định hướng phát triển xanh và bền vững của tỉnh Bình Dương.

Cũng tại Bình Dương, một dự án lớn của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã được khởi công xây dựng theo tiêu chí trung hòa carbon. Theo kế hoạch, đây sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Lego và sẽ bao gồm cả phần đầu tư cho sản xuất năng lượng mặt trời. Dự án của tập đoàn có quy mô đầu tư hơn 1 tỷ USD vào khu đất rộng 44ha, mang đến 4.000 cơ hội việc làm trong vòng 15 năm tới. Dự kiến hoạt động năm 2024.

Phó Chủ tịch Tập đoàn Lego Edward Lewin cho hay, nhà máy không có khí thải carbon, nguồn điện sử dụng hoạt động là năng lượng tái tạo cung cấp từ hệ thống tấm pin mặt trời từ cánh đồng pin ngay bên cạnh nhà máy. Qua đó, nhà máy được xây dựng đáp ứng mức tiêu chuẩn của Leed Gold - chứng chỉ công trình xây dựng xanh được công nhận trên toàn cầu, góp phần vào mục tiêu giảm 37% lượng khí thải carbon của tập đoàn vào năm 2032 (so năm 2019).

Trong xu thế trên, nhà máy sản xuất hộp giấy đựng đồ uống của Tetra Pak tại tỉnh Bình Dương đã hoàn thành việc lắp đặt các tấm quang năng trên diện tích gần 5.900m2, tạo ra gần 1,9 nghìn Mwh năng lượng điện tái tạo mỗi năm, giúp giảm hơn 700 tấn khí CO2 thải ra môi trường. Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam Eliseo Barcas cam kết giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động vận hành xuống bằng 0 vào năm 2030.

Nhằm đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon giai đoạn tới, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn cho hay, tỉnh sẽ tập trung phát triển năng lượng xanh, sạch, năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện rác... giảm phát thải khí nhà kính. Mặt khác, tỉnh cũng đã kiến nghị cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả. Bình Dương sẽ cố gắng mời gọi những dự án xanh đến với địa phương và sẽ tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư của các dự án dạng này.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, tỉnh luôn ưu tiên các dự án công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển theo hướng nền kinh tế xanh, phát triển công nghiệp thế hệ mới bền vững. “Các dự án trung hòa carbon đầu tư vào tỉnh khá phù hợp với xu hướng phát triển công nghiệp xanh, đô thị thông minh và nền kinh tế xanh đang được tỉnh hoạch định chiến lược về thu hút đầu tư”, ông Mai Hùng Dũng nhấn mạnh.