Nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào

Việt Nam là quốc gia đào tạo nguồn nhân lực cho Lào nhiều nhất trong các nước với số lưu học sinh đang theo học tại Việt Nam là gần 10.200 người. Các cơ sở giáo dục trên cả nước đang nỗ lực tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực cho Lào trong giai đoạn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Lưu học sinh Lào đang theo học tại Trường đại học Cửu Long (Vĩnh Long).
Lưu học sinh Lào đang theo học tại Trường đại học Cửu Long (Vĩnh Long).

Tạo điều kiện tốt nhất

Cách đây 2 năm, Phimma Sone Bounmy (26 tuổi, sống tại tỉnh Xiangkhouang) nhận được học bổng toàn phần ngành Dược học thuộc Trường đại học Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long). Sau một năm học tiếng Việt tập trung, Bounmy tham gia chương trình đào tạo chính thức cùng các sinh viên Việt Nam. Ban đầu, do chưa quen sử dụng tiếng Việt, kỹ năng dịch còn chậm, nam sinh viên mất khá nhiều thời gian trong việc tiếp cận kiến thức chuyên môn. Tuy nhiên, sau một năm nỗ lực và được giảng viên, bạn bè hướng dẫn tận tình, kết quả thu về rất khả quan. “Không chỉ được ăn học miễn phí, tôi và các bạn lưu học sinh khác còn được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, giao lưu, kết nối để tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, con người Việt Nam. Chương trình học không quá áp lực, trang thiết bị đầy đủ, cơ sở vật chất hiện đại cũng giúp ích rất nhiều cho quá trình tự học, tìm hiểu thêm kiến thức trên không gian mạng”, Bounmy phấn khởi cho hay.

PGS, TS Lương Minh Cừ, Hiệu trưởng Trường đại học Cửu Long cho biết, chương trình hợp tác đào tạo quốc tế với nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào được trường tiến hành từ năm 2015 đến nay. Hiện có 57 lưu học sinh Lào đang theo học nhiều ngành khác nhau tại trường. Theo kế hoạch, năm học 2024-2025, trường sẽ tiếp tục đón thêm 80 lưu học sinh quốc tế, trong đó gần 60% lưu học sinh đến từ Lào. Trường còn mở trung tâm giảng dạy tiếng Việt tại Thủ đô Vientiane nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khâu chuẩn bị của các lưu học sinh.

Hỗ trợ giải quyết các khó khăn

Đủ vốn tiếng Việt để tiếp cận được với các chuyên ngành đào tạo là yêu cầu quan trọng đối với từng lưu học sinh Lào khi sang Việt Nam học tập thông qua các chương trình hợp tác quốc tế. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là rào cản lớn khiến kết quả học tập của không ít lưu học sinh chưa như kỳ vọng. Ông Khamtan Somvong, Tham tán giáo dục và văn hóa Đại sứ quán Lào tại Việt Nam cho biết, hiện tại, thời gian học tiếng Việt của lưu học sinh Lào còn quá ít. Điều này khiến nhiều lưu học sinh không đủ vốn từ, kiến thức khi tham gia các chương trình đào tạo chính quy tại trường đại học Việt Nam. Với những người học thạc sĩ, tiến sĩ, việc thực hiện các luận văn, luận án cũng gặp nhiều hạn chế.

Theo ông Khamtan Somvong, các cơ sở giáo dục tại Việt Nam có lưu học sinh Lào học tập cần tổ chức kiểm tra đầu vào thật kỹ. Sàng lọc tốt đầu vào sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng học tập của các lưu học sinh. Việc dạy tiếng Việt cho lưu học sinh cũng cần thay đổi, tập trung sâu hơn vào kỹ năng nghe nói và đọc hiểu tiếng Việt để sau khi hoàn thành khóa học tiếng, người học đủ năng lực tiếp cận các kiến thức ngày càng phức tạp hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, rào cản ngôn ngữ và sự thiếu định hướng về chuyên ngành đang khiến một số lưu học sinh Lào khó hoàn thành các chương trình đào tạo. “Muốn chất lượng đi lên, công tác định hướng chuyên ngành đào tạo cho các lưu học sinh Lào cần được quan tâm nhiều hơn nhằm giúp các bạn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và mang tâm thế tốt nhất khi bắt đầu chặng đường học thuật. Các bạn còn cần được trau dồi về tiếng Việt theo hướng hiệu quả hơn để không gặp quá nhiều thách thức trong quá trình học tập, nghiên cứu”, ông Trung phân tích thêm.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, muốn việc học đạt được kết quả khả quan, trước hết, trình độ tiếng Việt cho các sinh viên học chuyên ngành yêu cầu phải đạt chứng chỉ B2 theo khung năng lực 6 bậc. Lưu học sinh tất cả các diện nếu chưa biết tiếng Việt đều phải học để đạt được trình cơ bản độ nhất định trước khi sang Việt Nam học dự bị tiếng Việt (dự kiến yêu cầu ít nhất 4 tháng). Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cùng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã thống nhất về trình độ thấp nhất cần đạt là tương đương A1 để bảo đảm mặt bằng chất lượng chung. Do vậy, cần tăng thời gian học tiếng Việt, có các chương trình bổ sung chuyên môn, chuyên ngành nhằm giúp lưu học sinh Lào theo kịp sinh viên Việt Nam.