Ở vương quốc thu nhỏ của các loài rắn

Trại rắn Đồng Tâm (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) không chỉ nổi tiếng là một bảo tàng rắn phong phú; trung tâm nghiên cứu, chữa bệnh đặc biệt mà còn là một khu du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nơi đây hiện đang nuôi bảo tồn hàng nghìn con rắn thuộc hơn 50 loài khác nhau, trong đó có nhiều loài cực độc, cực hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng.
0:00 / 0:00
0:00
Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng tại trại rắn.
Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng tại trại rắn.

“Chơi” với rắn

Tháng 8/2005, Bảo tàng rắn trực thuộc trại rắn Đồng Tâm được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là bảo tàng rắn đầu tiên lưu giữ nhiều loài rắn nhất Việt Nam. Nơi đây hiện đang nuôi và bảo tồn nhiều chủng loại như: rắn hổ mang chúa, rắn hổ mang đất, rắn lục, cạp nong (mai gầm), cạp nia (mai bạc)… Trong đó rắn hổ mang đất và hổ mang chúa là những loại cực độc, được xếp trong sách đỏ Việt Nam. Nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối, những người “thợ chuyên trách” đều phải tìm hiểu kỹ tập tính của từng loại, từng con rắn để đưa ra chế độ chăm sóc riêng.

Tay cầm chùm chìa khóa trên 100 chiếc, tương đương với số chuồng quản lý, thượng úy Nguyễn Văn Hiếu, nhân viên phụ trách chăm sóc rắn dẫn chúng tôi đi tham quan khu đặc biệt đang nuôi các loại rắn cực độc ở Đồng Tâm. Riêng khu này, anh Hiếu chia sẻ, hiểu đặc tính từng loại thôi là chưa đủ mà phải nắm rõ tình trạng, “tính cách” của từng con rắn mới có thể chăm sóc tốt. Đơn cử như hổ mang chúa - sát thủ săn mồi đáng sợ nhất trong tự nhiên thường xuyên ăn thịt tất cả các loài rắn, bao gồm cả rắn độc thì phải nhốt riêng. Cùng với rắn hổ mang chúa, loài hổ mang đất cũng có nọc cực độc và rất hung dữ, sẵn sàng tấn công các động vật lớn và cả con người. Khi bị kích động hoặc thủ thế tấn công, phần cổ của loài rắn này thường phùng rộng ra, đầu ngẩng cao và phóng tới mục tiêu với tốc độ cực nhanh. Thức ăn chủ yếu của hổ mang đất là ếch, nhái, chuột... trong đó món “khoái khẩu” là cóc vàng với những túi nhỏ trên da xù xì có chứa chất độc. Điều thú vị là loài rắn này có khả năng trung hòa độc tố của cóc nên không gây ảnh hưởng đến tính mạng của nó.

“Đối với hổ mang đất, hổ mang chúa, mỗi chuồng sẽ nhốt một con để tiện chăm sóc, theo dõi. Riêng hổ chúa chỉ ghép đôi vào mùa sinh sản và phải lập tức tách ra sau giao phối. Thậm chí sau khi con cái sinh thì những con con cũng được tách ra riêng luôn vì đặc tính loài này khi đói sẽ ăn lẫn nhau, kể cả con của nó”, thượng úy Nguyễn Văn Hiếu cho biết.

Rắn mới đưa từ tự nhiên về phải mất một thời gian chăm sóc, thuần dưỡng giúp chúng quen với môi trường mới. Săn sóc không chỉ là cho ăn, tắm rửa mà đôi khi nhân viên nuôi rắn còn trở thành “bác sĩ thú y” chuyên chích thuốc nếu phát hiện rắn viêm phổi, viêm phế quản, bị ký sinh trùng, rối loạn tiêu hóa... Với 30 năm kinh nghiệm gắn bó với nghề nguy hiểm “chăm sóc rắn”, thiếu tá Nguyễn Hữu Viên, Đội trưởng nuôi trồng của trại rắn Đồng Tâm nhớ lại: Những ngày đầu mới nhận nhiệm vụ mình cũng sợ lắm chứ nhưng là lính, phân công đâu làm đó, không ngại khó, không ngại khổ. Tiếp xúc với toàn loài cực độc cần có kiến thức, kinh nghiệm, thao tác cẩn thận, chuẩn xác từng ly, từng tí. Rắn nguy hiểm nhưng vẫn có ích, đặc biệt trong công tác nghiên cứu khoa học nên mình luôn động viên anh em cố gắng chăm sóc tốt để tăng trưởng bầy đàn”, thiếu tá Viên chia sẻ.

Ngoài nuôi, bảo tồn thì trại rắn Đồng Tâm hiện đã phát triển thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn với du khách cả trong và ngoài nước khi đến Tiền Giang. Đây là nơi duy nhất trong cả nước mà du khách có thể đứng gần, tận mắt xem những loại rắn cực độc được nhốt riêng vươn mình lắc lư, phùng mang, lè lưỡi… Còn rắn lục, rắn ráo có tập tính sống bầy đàn được thả chung vào một bể, nhung nhúc quấn lấy nhau treo đầy bụi cây trước mắt khách tham quan.

“Rắn vốn là loài vật mà tôi sợ nhất nhưng sau khi vào làm việc ở Đồng Tâm, chứng kiến các anh, các chú chăm sóc, thuần hóa rắn... tôi đã dần khắc phục được nỗi sợ của mình. Đặc biệt khi hiểu về giá trị của rắn, tôi càng thêm gắn bó và yêu công việc mình làm. Khách tới đây tham quan ban đầu cũng như tôi nhưng sau khi nghe chia sẻ kiến thức về các loại rắn cũng chuyển từ sợ hãi sang thích thú. Khi mình chu đáo với con vật thì có dữ cỡ nào nó cũng thành hiền”, chị Trần Tuyết Anh, hướng dẫn viên du lịch tại trại rắn Đồng Tâm cho biết.

Ở vương quốc thu nhỏ của các loài rắn ảnh 1

Theo dõi sự phát triển của rắn.

Lấy độc trị độc

Xây dựng trên mảnh đất đầy bom đạn, trại rắn Đồng Tâm sau ngày giải phóng được ra đời từ mong muốn tìm cách cứu chữa cho quân và dân bị rắn cắn ở lục tỉnh miền nam. Tại miền sông nước này, đến mùa mưa, rắn len lỏi vào rừng, vào nơi sinh sống của người dân, trở thành hiểm họa khó lường. Ngày đó, điều trị rắn độc cắn chỉ dựa vào phương pháp dân gian, nếu giữ được tính mạng cũng để lại nhiều di chứng. Xuất phát từ thực tiễn đó, năm 1977, cố bác sĩ, trung tá Trần Văn Dược (thầy Tư Dược) đã đưa ra ý tưởng thành lập đội cứu thương, chữa trị cho những người bị rắn độc cắn. Năm 1979, Khoa cấp cứu được ra đời và hình thành trại rắn Đồng Tâm.

Hơn 40 năm qua, các quân y sĩ ở đây đã dùng huyết thanh nọc rắn cứu sống hàng vạn người bị rắn cắn, với trung bình khoảng 1.000 ca/năm. Hy hữu có cả trường hợp khi đến trung tâm đã ngừng thở vì nọc độc xâm nhập vào máu làm tim ngừng đập mà vẫn được cứu sống. Thậm chí có nhiều bệnh nhân bị rắn cắn từ hai nước bạn Lào và Campuchia cũng đều được cấp cứu tại đây cho dù đã bị ngấm độc. Điều đặc biệt tại trại rắn Đồng Tâm là trừ huyết thanh thì mọi chi phí điều trị đều miễn phí.

Không chỉ bảo tồn được nguyên vẹn các tố chất của rắn độc với khoảng 1.000 con rắn nuôi ở môi trường tự nhiên hoặc bán tự nhiên, trại rắn Đồng Tâm đã nghiên cứu sinh lý sinh thái, làm chủ được quy trình nuôi rắn độc phối giống, đẻ trứng, ấp nở rắn con và nuôi chúng lớn lên. Thành công của trại rắn Đồng Tâm còn ở chỗ thuần hóa độc, làm cho chúng bớt hung dữ mà vẫn giữ được các tính chất lý hóa của chúng. Bên cạnh rắn, trại còn có trăn và nhiều loại động vật hoang dã khác làm nên một bộ sưu tập “con thuốc” phong phú... Từ những “con thuốc” này, xưởng sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới đặt tại Trại rắn Đồng Tâm đã nghiên cứu điều chế được nhiều loại thuốc quý như: kem mỡ trăn, kem Cobratoxan từ nọc rắn, rượu rắn, cao trăn, bột rắn lục...

Thượng úy Bùi Việt Cường, người được giao công tác bảo đảm chất lượng của xưởng sản xuất GMP tại trại rắn Đồng Tâm cho biết: Mỗi một loài vật đều có vai trò của nó, loài rắn cũng vậy... mặc dù có độc nhưng nếu tìm hiểu và biết khai thác giá trị thì chúng vẫn mang đến lợi ích cho con người. Đây là những đề tài khó mà chúng tôi đang tiếp tục tập trung nghiên cứu để điều chế sản phẩm hữu ích hơn với cuộc sống.

Qua nhiều năm hình thành và phát triển, trại rắn Đồng Tâm nay đã được biết thêm với tên gọi toàn diện hơn: Trung tâm Nuôi trồng Nghiên cứu Chế biến dược liệu - Cục hậu cần Quân khu 9. Trung tá Nguyễn Hồng Phúc, Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Trung tâm cho biết: Trung tâm được giao năm nhiệm vụ chính trị. Thứ nhất là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thực hiện các đề tài cấp Bộ và cấp Nhà nước. Thứ hai là nhiệm vụ cấp cứu, điều trị rắn cắn cho quân và dân đồng bằng sông Cửu Long. Thứ ba là nuôi trồng cây con thuốc. Thứ tư là sản xuất thuốc y học dân tộc từ nguồn dược liệu. Thứ năm là xây dựng mô hình sinh thái kết hợp với du lịch. Hiện trung tâm đã nghiên cứu, phát triển được 7 sản phẩm đạt chất lượng OCOP, trong đó riêng điểm du lịch sinh thái trại rắn Đồng Tâm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Trại rắn Đồng Tâm là vương quốc của loài rắn thu nhỏ, với hàng nghìn con đang được nuôi và lấy nọc để chế biến thành huyết thanh kháng độc trị bệnh. Mỗi lần lấy nọc rắn chỉ từ 1-2 giọt nọc/con. 10g (gam) nọc rắn có thể điều chiết một lượng huyết thanh đủ phục vụ nhu cầu cả nước mỗi năm.