Ô nhiễm nhiều cảng cá tại miền trung

Nhiều cảng cá miền trung đang đối mặt tình trạng ô nhiễm nặng nề, gây mất mỹ quan, đe dọa đa dạng sinh học biển và chất lượng sản phẩm thủy sản. Cần có những giải pháp mạnh mẽ và hiệu quả hơn từ các ngành chuyên môn.
0:00 / 0:00
0:00
Dọn vệ sinh tại một cảng cá.
Dọn vệ sinh tại một cảng cá.

Sống giữa mùi âu thuyền, cảng cá

Mờ sáng, tại cảng cá Cửa Lò (Nghệ An), một nhóm ngư dân trở về sau đêm dài đánh bắt trên biển, những hình ảnh quen thuộc lại hiện ra: dây thừng cũ vương vãi, lưới rách vắt trên bến, phao xốp vỡ nổi lềnh bềnh trên mặt nước, hòa cùng dầu thải từ những tàu cá vừa xả ra. Tại thôn An Hải Đông, xã Tam Quang (Núi Thành, Quảng Nam), cảng cá Tam Quan cũng như “anh em sinh đôi” bệ rạc. Ông Võ Văn Nhân, một ngư dân đánh cá lưới vặt tại đây than thở: “Ngày xưa bến này sạch lắm, giờ thì chẳng khác nào bãi rác nổi".

Chị Trần Thị Hòa, một phụ nữ làm nghề bốc cá tại cảng cá Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), công việc không chỉ là kéo thùng cá nặng nề mà còn phải len lỏi qua những vũng nước đen kịt, đầy mùi tanh. “Mỗi ngày bọn tôi làm việc trong cảnh thế này, chẳng ai còn hơi sức mà nghĩ đến môi trường”, chị Hòa bộc bạch.

Những cảnh tương tự cũng diễn ra ở cảng Thuận An (Huế) và cảng Kỳ Hà (Quảng Nam), nơi hàng trăm tàu cá đổ về mỗi ngày. Sau khi bán cá cho thương lái, nhiều ngư dân tranh thủ rửa tàu ngay tại bến, xả thải trực tiếp xuống nước.

Theo tìm hiểu của phóng viên Thời Nay, nguồn gốc của ô nhiễm chủ yếu đến từ rác thải rắn như lưới rách, dây thừng, phao cũ, thùng xốp và chất thải sinh hoạt của ngư dân. Đặc biệt, nước thải từ hoạt động chế biến, rửa tàu thuyền được xả thẳng ra biển, khiến nguồn nước tại các âu thuyền và bến cảng bị tù đọng, bốc mùi hôi thối. Một số khu vực, như Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) đã trở thành điểm nóng về ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Sống ven Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), bà Nguyễn Thị Sáu, 65 tuổi, ngụ đường Vũng Thùng 9, cho biết: “Chú cứ tưởng tượng xem, sống ở đây giống như sống giữa một ao chứa rác. Mùi bốc lên cả ngày, ban đêm thì ngạt đến mất ngủ. Trẻ con ở đây hay bị viêm đường hô hấp. Tôi lo lắm, nhưng nhà cửa mình ở đây, biết đi đâu bây giờ?".

Cần những hành động quyết liệt

Dù chính quyền địa phương đã có những nỗ lực cải tạo, như lắp đặt máy bơm nước và kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường nhưng vấn đề vẫn còn dai dẳng. Theo bà Sáu, nếu không có giải pháp triệt để cải thiện hệ thống thoát nước, âu thuyền này sẽ mãi là nỗi ám ảnh của người dân sống cạnh nó.

Âu thuyền Thọ Quang không chỉ là nơi neo đậu của hàng nghìn tàu thuyền. Hàng tấn rác thải sinh hoạt từ tàu cá, khu chợ hải sản và các xưởng đóng tàu đã khiến âu thuyền trở thành một "túi rác" khổng lồ, đặc biệt là sau các đợt bão lớn. Nhằm giảm ô nhiễm, Ban quản lý Âu thuyền Thọ Quang đã triển khai loạt biện pháp. Một đề án đặc biệt được đưa ra, yêu cầu tất cả các tàu cá phải nộp rác thải sinh hoạt trước khi xuất/cập cảng. Với hơn 16 tấn rác được xử lý mỗi tháng từ 1.075 con tàu, chiến dịch này không chỉ nâng cao ý thức ngư dân mà còn giảm tải lượng rác trôi nổi.

Ngoài ra, hệ thống camera giám sát đã được lắp đặt để ghi lại hành vi xả rác trái phép, hỗ trợ xử phạt nghiêm minh. Đối với lớp bùn thải lâu ngày dưới đáy âu thuyền, kế hoạch nạo vét và xử lý triệt để cũng đang được UBND thành phố Đà Nẵng gấp rút thực hiện để cải thiện chất lượng nước. Những nỗ lực này đã mang lại tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn không ít thách thức. "Chúng tôi mong muốn cộng đồng ngư dân và các tổ chức liên quan cùng chung tay để bảo vệ nguồn nước và môi trường sống quanh âu thuyền," ông Phạm Trung Thành, đại diện Ban quản lý, chia sẻ.

Tỉnh Quảng Nam đang triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường tại các cảng cá và khu vực liên quan đến thủy sản, bao gồm: Điều tra, đánh giá nguồn thải và khối lượng chất thải từ các hoạt động thủy sản như khai thác, nuôi trồng, chế biến và hạ tầng cơ sở liên quan. Đánh giá mức độ ảnh hưởng của chất thải đến môi trường biển, đặc biệt ở vùng ven biển và khu vực có đa dạng sinh học cao.

Theo đó, tỉnh xây dựng kế hoạch quản lý môi trường như ban hành các kế hoạch cụ thể để giám sát và xử lý chất thải từ hoạt động thủy sản. Đưa ra quy định về phân loại, thu gom và xử lý rác thải từ tàu cá, cơ sở chế biến, chợ cá. Triển khai hệ thống thu gom rác thải tại các cảng cá và vùng nuôi trồng thủy sản. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của ngư dân và các doanh nghiệp về bảo vệ môi trường biển.

Hình ảnh những cảng cá miền trung ô nhiễm là lời cảnh báo, không chỉ riêng với ngư dân mà còn là mối quan tâm đến tương lai biển xanh.