Nước sạch nông thôn chậm tiến độ

Một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới là người dân phải được sử dụng nước sạch sinh hoạt. Tuy nhiên, đến nay nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn chưa giải quyết được vấn đề này, khiến bài toán nước sạch nông thôn vẫn còn những băn khoăn.

Nhiều hộ dân vẫn sử dụng nước sinh hoạt từ giếng khoan qua bể lọc.
Nhiều hộ dân vẫn sử dụng nước sinh hoạt từ giếng khoan qua bể lọc.

Nhiều dự án chậm triển khai

Những năm qua, người dân ở phố Nỉ, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn luôn mong ngóng được sử dụng nước sạch, song đến nay vẫn phải sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt. Để dùng được nước này, người dân phải xây bể lắng để hạn chế những tạp chất trong nước trước khi sử dụng. Tuy nhiên, cặn bẩn không thể hoàn toàn loại bỏ nên chỉ sau thời gian ngắn, khu vực chung quanh thành bể, vòi nước của các hộ gia đình đã bám cặn mầu vàng và đỏ đục nên nước này chỉ sử dụng để tắm giặt, tưới tiêu chứ không thể ăn uống. Tình trạng trên cũng xảy ra tại các xã Tân Dân, Tân Hưng, Đông Xuân, Đức Hòa, Tân Minh, Phù Linh, Bắc Phú, Bắc Sơn… Đến cuối năm 2021, tỷ lệ người dân huyện Sóc Sơn được sử dụng nguồn nước sạch tập trung của thành phố mới đạt khoảng 29%. 

Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn Trịnh Văn Duy cho biết, theo Quyết định số 3846/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho huyện Sóc Sơn, liên danh Công ty cổ phần Aqua One và Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống được giao triển khai dự án cấp nước sạch cho 26 xã, thị trấn của huyện Sóc Sơn, mục tiêu là đến hết năm 2020 sẽ phủ kín hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai dù chính quyền địa phương nhiều lần họp bàn với chủ đầu tư nhằm tháo gỡ vướng mắc, thậm chí kiến nghị UBND thành phố thay đổi nhà đầu tư khác có năng lực để thực hiện dự án nhưng chưa được.

Báo cáo của Sở Xây dựng cho thấy, hiện có 132/160 xã thuộc thành phố Hà Nội dù đã có dự án cấp nước tập trung giao cho nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện; 28/160 xã chưa có nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án. Trong số 132 xã đã có dự án giao nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện thì 110 xã thuộc hai dự án phát triển mạng cấp nước đã được UBND thành phố giao liên danh Công ty cổ phần Aqua One và Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống thực hiện giai đoạn 2017-2020 nhưng chưa triển khai; 5 xã của huyện Phúc Thọ có hai dự án cấp nước sạch giao cho Công ty cổ phần Kỹ thuật môi trường Việt và Công ty cổ phần Đầu tư và Tư vấn thiết kế công trình xây dựng Việt Nam thực hiện từ năm 2017, 2018 cũng chưa triển khai. Còn 17 xã có dự án cấp nước tập trung tại các huyện Đan Phượng, Ba Vì, Phú Xuyên, Chương Mỹ đã giao cho nhà đầu tư là Công ty cổ phần Cấp nước Tây Hà Nội; Liên danh Công ty cổ phần Ao Vua-Công ty cổ phần Cấp thoát nước và môi trường Ba Vì; Công ty cổ phần Cấp nước Hà Nam; Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai thực hiện, nhưng tiến độ triển khai còn chậm.

Cần sớm tháo gỡ khó khăn

Hiện tại, khu vực đô thị của Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch cho 100% hộ dân với chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, khu vực nông thôn mới có khoảng 80% hộ dân được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung, còn lại vẫn phải sử dụng nước từ những nguồn khác nhau, không bảo đảm chất lượng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, UBND thành phố Hà Nội đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào các công trình cấp nước sạch. Thế nhưng, thực tế cho thấy doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nước sạch còn hạn chế, thách thức. Đó là công nghệ, năng lực, quy trình xử lý nước sạch của cơ sở cung cấp nước chưa đáp ứng nhu cầu, trong khi chi phí đầu tư lớn nhưng doanh thu thấp. Do hiệu quả kinh tế không cao nên việc thu hút các nhà đầu tư vào xã hội hóa cấp nước cũng vì thế mà khó thực hiện.

Một vấn đề nữa là trong khi các nhà đầu tư đã được UBND thành phố giao thực hiện dự án cấp nước sạch nông thôn, nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai thì các nhà đầu tư mới có tiềm lực lại gặp khó khăn trong tiếp cận dự án. Về vấn đề này, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, một số dự án do UBND thành phố chưa thu hồi quyết định chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư cũ nên khi tiếp nhận hồ sơ của nhà đầu tư mới, Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa có cơ sở xem xét do phạm vi đầu tư chồng lấn địa bàn cấp nước. Vì vậy, từ năm 2021 đến nay, chưa có dự án cấp nước mới được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch đến năm 2025 cho khu vực nông thôn, Sở Xây dựng Hà Nội đã rà soát những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất UBND thành phố giải pháp tháo gỡ. Cụ thể, kiến nghị thành phố sớm thu hồi quyết định chủ trương đầu tư và tổ chức lựa chọn nhà thầu mới đối với các dự án nước sạch nông thôn đã giao cho các nhà đầu tư, nhưng chưa thực hiện hoặc chậm thực hiện. Với các xã chưa có nhà đầu tư thực hiện dự án nước sạch, Sở Xây dựng đề xuất thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ; rà soát, kiểm tra, đánh giá năng lực của nhà đầu tư, bảo đảm nguồn tài chính thực hiện mới giao nhiệm vụ thực hiện.