“Nữ tướng” đầu tiên của cơ quan khí tượng thế giới

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã bầu chuyên gia khí tượng người Argentina, GS Celeste Saulo (trong ảnh) làm Tổng Thư ký mới của tổ chức này. Bà Saulo trở thành nhà lãnh đạo nữ đầu tiên của cơ quan phụ trách các vấn đề khí hậu hàng đầu của LHQ trong nhiệm kỳ hai năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2024.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: AFP
Ảnh: AFP

WMO là một tổ chức liên chính phủ thuộc LHQ với 193 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên. Tại Đại hội Khí tượng thế giới lần thứ 19 được tổ chức từ ngày 22/5 đến 2/6 tại LHQ ở Geneva (Thụy Sĩ), cơ quan này cho biết GS Celeste Saulo được bổ nhiệm sau khi nhận được hai phần ba số phiếu bầu cần thiết từ các thành viên. Bà sẽ kế nhiệm Tổng Thư ký Petteri Taalas người Phần Lan, dự kiến kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm nay.

Theo AFP, bà Saulo (59 tuổi) từng là Giám đốc Cơ quan khí tượng quốc gia Argentina từ năm 2014 và hiện là Phó Chủ tịch thứ nhất của WMO. Bà theo đuổi con đường học thuật, kết hợp các nghiên cứu khoa học và giảng dạy với nhu cầu của xã hội. GS Saulo đã có thời gian dài gắn bó tại WMO từ tháng 6/2015 tới nay và đã được ghi nhận với nhiều thành quả đáng chú ý.

Thông cáo của WMO nêu rõ, hướng nghiên cứu chính của bà là về một số hiện tượng thời tiết ở Nam Mỹ, song trong vài năm gần đây, bà đã mở rộng hoạt động sang các vấn đề liên ngành như sản xuất năng lượng gió, ứng dụng nông nghiệp và hệ thống cảnh báo sớm thời tiết. GS Saulo là tác giả hoặc đồng tác giả của hơn 60 bài báo khoa học, đồng thời đóng vai trò là điều tra viên chính trong 23 dự án nghiên cứu do các cơ quan trong nước và quốc tế tài trợ.

Chia sẻ sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, bà Celeste Saulo nhấn mạnh: “Tham vọng của tôi là dẫn dắt WMO hướng tới một kịch bản khí hậu chung mà trong đó, tiếng nói của tất cả các thành viên được lắng nghe một cách bình đẳng, ưu tiên những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đồng thời chúng tôi hướng đến tổ chức thực hiện các hành động phù hợp với nhu cầu và đặc điểm của từng thành viên”.

Tiền thân của WMO là Tổ chức Khí tượng quốc tế (IMO), được thành lập tại Đại hội Khí tượng quốc tế ở Vienna (Áo) năm 1873. WMO được thành lập sau khi Công ước WMO được LHQ phê chuẩn vào ngày 23/3/1950 và tới nay trở thành cơ quan chuyên môn của LHQ về khí tượng học, gồm thời tiết và khí hậu, thủy văn và các vấn đề liên ngành khác.

“Nữ tướng” mới của WMO sẽ đảm nhận nhiệm vụ dẫn dắt cơ quan chuyên môn hàng đầu của LHQ, đóng góp tiếng nói quan trọng trong các vấn đề về thời tiết, khí hậu, tài nguyên nước và các lĩnh vực liên quan. Đội ngũ của WMO thực hiện những nghiên cứu và công bố các thông tin khoa học hằng năm. Một số báo cáo quan trọng của WMO như Báo cáo hiện trạng khí hậu toàn cầu, Báo cáo thời tiết thế giới và khí hậu cực đoan, Nghiên cứu El Niño/La Niña…

Bà Saulo cho biết: “Trong thời điểm mà sự bất bình đẳng và biến đổi khí hậu đang là những mối đe dọa lớn nhất toàn cầu, WMO phải tiếp tục đóng góp để tăng cường cho các chương trình về khí tượng thủy văn, cung cấp chính xác và hiệu quả các dịch vụ, cũng như đưa ra những cảnh báo sớm về những hiện tượng thiên nhiên, qua đó bảo vệ người dân và nền kinh tế”.

WMO có tiếng nói quan trọng trong quá trình ra quyết định và hành động về khí hậu ở cấp độ khu vực, quốc gia và là cơ sở đối phó rủi ro khí hậu. Thông tin về khí hậu cũng rất quan trọng nhằm giám sát các nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính hay sử dụng hiệu quả năng lượng. Tiếng nói khoa học của cơ quan khí hậu hàng đầu LHQ có ý nghĩa quan trọng tới quá trình những khuyến nghị và hỗ trợ các thành viên hoạch định chính sách khí hậu nhằm giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu và các tác động xã hội đối với con người.