Nới tiêu chí mua nhà ở xã hội

Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua ngày 28/11. Trong đó có nhiều điểm mới và người dân kỳ vọng tạo thêm nhiều cơ hội để sở hữu nhà ở với nhu cầu chính đáng của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân tìm hiểu thông tin mua nhà ở xã hội tại triển lãm xây dựng. Ảnh: BẮC SƠN
Người dân tìm hiểu thông tin mua nhà ở xã hội tại triển lãm xây dựng. Ảnh: BẮC SƠN

1/Theo đó, Luật Nhà ở sửa đổi đã bãi bỏ điều kiện cư trú, đối tượng thuê nhà ở xã hội thì không phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập. Quy định này rất hợp lý, hợp tình, để phù hợp thực tế di chuyển và thu hút lao động giữa các vùng miền và giữa các địa phương.

Chị Nguyễn Thu H. cư trú tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) làm việc ở Khu công nghiệp huyện Đông Anh đã hơn 15 năm và chỉ dám nuôi ước mơ được sở hữu một căn nhà ở chính sách xã hội. Mức thu nhập của chị H. khoảng 17 triệu đồng/tháng. Chị H. nói: “Trước đây, các tiêu chí đưa ra vừa rườm rà lại không bám sát thực tế khiến chúng tôi rất khó khi vay vốn và làm đủ hồ sơ”.

Trước đây, tiêu chí cư trú yêu cầu người dân phải có hộ khẩu hoặc có đăng ký tạm trú tại nơi có dự án nhà ở xã hội. Tiêu chí này hiện đã được loại bỏ, bởi đã là công dân Việt Nam, được quyền mua nếu đủ điều kiện về thu nhập, nhà ở. Với tiêu chí thu nhập, ở luật cũ, người được mua nhà ở xã hội phải có thu nhập ở dưới mức phải nộp thuế thu nhập cá nhân, nghĩa là dưới 11 triệu đồng/tháng. Nếu thu nhập cao hơn mức này thì hồ sơ sẽ bị loại. Thực tế chứng minh tiêu chí này không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại, bởi nếu ở mức thu nhập này, người lao động không thể đáp ứng được nhu cầu cho vay của ngân hàng khi vừa phải trang trải tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt hằng tháng, lại vừa phải trả nợ tiền gốc, tiền lãi vay ngân hàng. Đây cũng là điều kiện gây ra nhiều rắc rối nhất, gây bức xúc nhất khi người dân phải hoàn thành rất nhiều giấy tờ thủ tục hành chính. Dự thảo luật hiện đã được sửa đổi, nâng lên 15 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc điều hành Công ty Mai Linh Miền Bắc, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết: “Doanh nghiệp của chúng tôi có tới gần 10 nghìn lao động trên cả nước. Riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có tới 5.000 người có nhu cầu về nhà ở xã hội. Tuy nhiên, hầu như chúng tôi chưa tiếp cận được. Chúng tôi đang liên hệ với các doanh nghiệp bất động sản để đàm phán giá cho người lao động có thể mua được nhà ở, làm sao phải phù hợp mức thu nhập 16-20 triệu đồng/tháng”.

Thực tế, hiện nay, công nhân, người nhập cư ở thành phố khá nhiều. Vì vậy, họ cần có nhà ở giá rẻ nhưng điều quan trọng là họ không có thu nhập ổn định. Vấn đề đặt ra là cần có nhiều doanh nghiệp dám nghĩ dám làm, tham gia xây dựng nhà ở xã hội với giá bán phù hợp để phục vụ nhu cầu cho cư dân.

Nới tiêu chí mua nhà ở xã hội ảnh 1

Khu nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội).

2/Cùng với điều chỉnh điều kiện về nơi cư trú với người mua nhà ở xã hội, Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có nhiều quy định mới về quản lý chung cư mini, bỏ thời hạn sở hữu nhà chung cư và nhiều chính sách đáng chú ý dành cho nhà ở xã hội.

Về phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê (còn gọi là chung cư mini), Điều 57 Luật Nhà ở sửa đổi quy định rất chặt chẽ. Việc đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Điều 58 Luật Nhà ở (sửa đổi) không quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn, mà chỉ quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư đáp ứng đúng tâm tư nguyện vọng và nhu cầu của các chủ sở hữu nhà chung cư. Đồng thời, việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư vẫn có đầy đủ các cơ chế, chính sách, biện pháp để thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư khi nhà chung cư đã hết thời hạn sử dụng hoặc bị xuống cấp hư hỏng nặng, nguy hiểm cho người sử dụng.

Luật sửa đổi quy định trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án. Theo luật sửa đổi, Tổng Liên đoàn là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê. Nguồn vốn thực hiện dự án là nguồn tài chính công đoàn. Luật quy định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có trách nhiệm lập tài khoản riêng để quản lý kinh phí bảo trì và không được sử dụng kinh phí bảo trì vào bất kỳ mục đích nào khác khi chưa bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư.