Nỗi niềm ngày... Tết

Những năm gần đây, có nhiều ý kiến than phiền Tết ngày càng nhạt, trong khi lại mệt mỏi, tốn kém và công việc trì trệ… Điệp khúc “đang yên đang lành, tự nhiên… Tết” một lần nữa lại vang lên.

Về quê.
Về quê.

Chỉ một từ “Tết” thôi cũng khiến nhiều người phải quay cuồng lo toan, tất bật, thu vén, chuẩn bị. Có lẽ chỉ có những đứa trẻ vô lo, vô nghĩ và đang ở tuổi ăn, tuổi lớn mới mong đến Tết. Hối hả, bận trăm thứ việc, mệt mỏi… là tâm trạng của rất nhiều người khi nói về những ngày này.

Chị Hằng (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) hiện là giáo viên THCS, thu nhập mỗi tháng gần 5 triệu đồng. Chồng là công chức Nhà nước, thu nhập cũng không cao, hằng tháng lo cuộc sống sinh hoạt và cho hai đứa con ăn học khá vất vả, anh chị hầu như không dành dụm được bao nhiêu. Chị cho biết: “Cha mẹ hai bên đều già yếu, chúng tôi không dư giả lắm nên chẳng phụng dưỡng được nhiều, mỗi năm chỉ có dịp Tết là cố gắng biếu các cụ một khoản cho chu đáo. Tết nhất mà lèo tèo, nhạt nhẽo quá cũng mất vui, nhưng để cho chu toàn thì phải gồng gánh, đau đầu tính toán đủ thứ”, chị nói.

Ngày nay, điều kiện vật chất không còn thiếu thốn như xưa, nhưng làm sao để có một cái Tết trọn vẹn lại khiến nhiều người băn khoăn, đặc biệt là đối với những gia đình có truyền thống lâu đời. Nhà chồng chị Vân (Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội) có ba anh chị em, đều đã có gia đình ở riêng nhưng cứ cuối năm lại về ăn Tết chung cùng bố mẹ. Năm nay, dù còn khoảng hai tuần nữa mới đến Tết nhưng chị đã tất bật đi chợ, mua sắm, tính toán sao cho đủ cả nhà ăn trong mấy ngày Tết. Những năm trước đây, chị phải cố gắng thuyết phục giúp việc ở lại ăn Tết để đỡ đần, thậm chí phải tăng lương, thưởng thêm. “Tết đến mà chả thấy vui, chỉ thấy mệt”, chị nói.

Người thành thị sợ Tết là vậy, còn đối với những công nhân, người lao động ngoại tỉnh thì sao? Có lẽ, điều Tết đem đến đầu tiên đối với họ là sự lo âu, rối bời. Bởi với hàng trăm khoản tiền phải chi tiêu, nhiều người chỉ mong sao có đủ tiền mua cho con manh áo mới, sắm một cái Tết giản dị ấm cúng, hoặc có người chỉ mong dành đủ tiền để mua cặp vé về quê.

Chị Liên, công nhân KCN Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) vừa đi chợ lo bữa cơm chiều, vừa ngậm ngùi: “Cuối năm phải tăng ca liên tiếp, có lúc tới tận nửa đêm vì công ty thông báo nhu cầu xuất hàng tăng. Vậy nhưng tiền lương và thưởng Tết thì chưa thấy đâu, nhiều khi phải ra Giêng mới nhận được. Cả năm đi làm, Tết nhất đến nơi mà không có một khoản dư dả thì cũng thấy buồn, nhất là những người có gia đình thì lại càng lo lắng”.

Hiện nay, hầu hết các mặt hàng sinh hoạt và tiêu dùng ở thành phố đều tăng, trong khi thu nhập thì chưa được cải thiện nhiều khiến cuộc sống của phần lớn công nhân đều vất vả. Nghỉ Tết nhưng các khoản như tiền điện, tiền nhà trọ phải đóng liền hai tháng khiến nhiều người rất lo lắng, nhất là những công nhân đã có gia đình, con cái. Với họ, Tết cũng là lúc hàng trăm thứ chi phí dồn tới, làm cho cuộc sống thêm khó khăn hơn.

Ngoài các điều trên, những người xa quê, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất còn nỗi sợ khác khi Tết đến. Đó là sợ xếp hàng trắng đêm mua vé tàu xe về quê mà có khi còn không mua được, họ sợ cuộc “hành xác” mấy trăm cây số trên những chuyến xe “nhồi người” cùng đống hành lý lỉnh kỉnh, quà cáp cho người thân, rồi còn lì xì, biếu xén… sao cho hợp lý. Để rồi qua mấy ngày Tết, họ lại chen lấn, lo sợ không có vé tàu xe lên thành phố như lúc về, rồi sợ không biết có giữ được chỗ làm sau kỳ nghỉ Tết hay không?… Hàng mớ nỗi lo toan mà cái nào cũng đúng nên ngày càng có nhiều người sợ… Tết.