Làng bánh in tất bật vụ Tết

Những ngày cận Tết, làng bánh in truyền thống An Lạc (xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) sôi động bởi đơn hàng dồn dập đổ về. Nhiều cơ sở, hộ gia đình đang khẩn trương làm hết công suất để có đủ sản phẩm bánh cung ứng ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Võ Thị Hồi bên các gói bánh in truyền thống của làng nghề An Lạc.
Bà Võ Thị Hồi bên các gói bánh in truyền thống của làng nghề An Lạc.

Hương vị truyền thống

Tới làng nghề làm bánh in truyền thống An Lạc những ngày này sẽ nghe tiếng máy xay bột, tiếng gõ lốc cốc của người thợ đổ bánh ra khuôn và đặc biệt là mùi thơm của nếp mới, đậu xanh quanh quẩn khắp đường làng, ngõ xóm. Tất cả tạo nên bầu không khí nhộn nhịp, báo hiệu Tết đã cận kề. Năm nay, đơn hàng được đặt nhiều nên các gia đình làm bánh phải làm ngày, làm đêm để có đủ sản phẩm kịp cung ứng cho thị trường.

Tại cơ sở bánh in của gia đình, bà Võ Thị Hồi cùng 3 thợ đang tất bật làm, sấy và gói bánh. Theo bà Hồi, mỗi năm vào dịp Tết cổ truyền, cơ sở của bà sản xuất khoảng 2 tấn bánh các loại, trong đó, bánh in đậu xanh được đặt hàng nhiều nhất. “Gia đình tôi chỉ làm bánh vào dịp Tết, từ đầu tháng Chạp bắt đầu làm cho đến cận Tết. Nguyên liệu gồm bột nếp, đậu xanh, đường cát và vani. Quy trình làm bánh cũng không phức tạp lắm. Đậu xanh bóc vỏ, rang vàng, xay nhuyễn thành bột. Bột nếp cũng làm tương tự, xong xuôi, nấu đường cho tới rồi đổ vào hỗn hợp bột nếp và đậu xanh rồi nhào trộn cho đều. Tiếp tục công đoạn bỏ vô khuôn gỗ với nhiều hoa văn, họa tiết đẹp và cán bánh cho chặt rồi xếp bánh đã cán lên kệ. Công đoạn cuối cùng là đem bánh đi sấy khô”, bà Hồi chia sẻ.

Còn theo hộ ông Đinh Văn Châu, những ngày cận Tết, sức mua trên thị trường tăng cao, bạn hàng ở một số khu vực lân cận thường tìm đến đặt bánh nên ông phải huy động các thành viên trong gia đình cùng làm để có đủ sản phẩm kịp cung ứng. “Trước đây, tôi làm thủ công nên hình thức mẫu mã có phần hạn chế, dẫn đến thị trường tiêu thụ nhỏ hẹp. Còn bây giờ, tôi đã đầu tư mua sắm máy sấy bánh bằng điện thay củi, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm vừa tăng sản lượng lên gấp bốn lần so với trước”, ông Châu nói.

Với người làm bánh ở An Lạc, chiếc bánh in là vật phẩm không thể thiếu của người dân Quảng Nam trong dịp lễ Tết. Bánh được để trên ban thờ tổ tiên, cúng giao thừa hay dọn cùng các loại bánh mứt khác mời khách dịp năm mới.

Mang Tết đi khắp nơi

Theo ông Đặng Xuân Cầm, một hộ sản xuất ở địa phương, cứ vào dịp Tết, gia đình ông sản xuất khoảng 4 tấn bánh các loại, trong đó có 3 tấn bánh in đậu xanh và 1 tấn bánh nếp. Hiện giá bánh dao động từ 15-30 nghìn đồng/gói. Cơ sở bánh in của ông Cầm phục vụ tiểu thương lấy sỉ bán cho các thị trường Đà Nẵng, Quảng Ngãi và một số địa phương lân cận. Ngoài ra còn có người địa phương đặt mua mang về quê hoặc làm quà biếu người thân ở khắp nơi.

Thợ bánh Đỗ Văn Hạnh cho biết, Tết đến, mỗi ngày anh có thể kiếm được từ 200-300 nghìn đồng. “Công việc đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chủ yếu cần siêng năng, khéo léo để làm theo hướng dẫn của cơ sở làm bánh là được. Nhờ đó mà tui có được nguồn thu nhập để sắm sửa trong dịp Tết”, anh Hạnh nói.

Hiện nay, làng nghề bánh in truyền thống An Lạc có khoảng 18 cơ sở sản xuất, trong đó có 6 cơ sở hoạt động thường xuyên, còn lại hoạt động thời vụ. Những năm gần đây, người làng bánh in truyền thống An Lạc mạnh dạn vay vốn mua sắm máy móc, trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất nên đã tạo ra nhiều mẫu mã hấp dẫn, đẹp mắt. Từ chỗ chỉ phục vụ ở địa phương, bánh in An Lạc đã có chỗ đứng trên thị trường và được người dân tin dùng.

Những ngày càng cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, người làng bánh in truyền thống An Lạc càng tất bật để làm ra những chiếc bánh vừa chất lượng, vừa đẹp mắt. Thứ bánh dân dã nhưng đã trở thành món đặc sản mang hương vị Tết cổ truyền, đến gần hơn với người dân mọi miền. Với người dân miền Trung nói chung và xứ Quảng nói riêng, thấy bánh in là thấy Tết về.

Ông Lê Tấn Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) cho biết, mỗi khi vào mùa Tết, các cơ sở làm bánh ở làng An Lạc sản xuất từ 10-30 tấn bánh in đậu xanh. Nhờ vậy, các chủ cơ sở làm bánh mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng. Chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền và kiểm tra về vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với các cơ sở để giữ gìn uy tín của thương hiệu. Hiện nay, ở địa phương có một cơ sở sản xuất bánh kẹo được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.