Hương xưa trong màn khói bếp

Trong thời đại mọi thứ thay đổi nhanh chóng, những món ăn dân dã như mứt sắn dường như trở nên lạc lõng nhưng giữa lòng TP Huế vẫn có một căn bếp đỏ lửa giữ lại hương vị của quá khứ. “Mứt sắn không chỉ là món ăn, mà còn là câu chuyện gắn với một đời người”, bà Tư cười hiền.
0:00 / 0:00
0:00
Hai mẹ con bà Tư đóng gói mứt sắn vừa ra lò.
Hai mẹ con bà Tư đóng gói mứt sắn vừa ra lò.

Chuyện về món mứt “nhà nghèo”

Những cơn mưa lạnh nhuốm ẩm các con ngõ nhỏ. Trong căn bếp đầy ký ức của bà Lê Thị Tư (86 tuổi, phường Thủy Xuân, quận Thuận Hóa, TP Huế), ngọn lửa oi khói vẫn đỏ. Mùi mứt sắn lan tỏa không gian, gợi nhớ những mùa Tết cũ khi những củ khoai, lá sắn trở thành món mứt, món dưa trong những ngày thiếu thốn của bao người. “Thế hệ sau có nhớ không, tôi không biết. Dù đã đi ngần ấy năm trong cuộc đời, củ sắn chưa từng rời xa tôi mỗi khi Tết đến”, bà Tư bùi ngùi.

Trong tiết trời se lạnh, bà Tư ngồi bên bếp lửa, khuôn mặt đã hằn sâu dấu vết thời gian nhưng đôi mắt vẫn ánh lên nét rạng ngời khi kể về món mứt sắn, món quà của sự nghèo khó mà đầy tình nghĩa.

“Ngày xưa thiếu ăn mà có được củ khoai, củ sắn là may mắn lắm, từ đó chúng tôi luôn quý trọng những thứ mà ngày nay tưởng chừng là đơn giản”, bà mở lời. Từ những ngày khốn khó đó, củ sắn, củ khoai đã nuôi sống biết bao gia đình qua mùa mưa lụt, qua những mùa đông giá lạnh. Mỗi khi Tết đến, người ta đem một phần thực phẩm đó ngào đường tạo thành những miếng mứt chân quê giản dị để mời khách trong những ngày xuân.

“Nhắc đến Huế, người ta thường nhớ đến những món mứt cầu kỳ như mứt gừng cay nồng, mứt sen ngọt dịu hay mứt quất chua thanh nhưng mứt sắn lại có một vị trí đặc biệt, bởi nó gắn liền với những gia đình lao động lam lũ. Bây giờ người ta chọn làm các loại mứt dừa, cà rốt, khoai tây để khoe sự khéo tay và hợp với xu hướng còn tôi làm mứt sắn để giữ cái tình với những món ăn đã từng đồng hành trong những ngày còn cực khổ. Những người tìm đến tôi đa phần đều từng trải qua món ăn này từ thơ ấu nên họ nhờ mình làm để giới thiệu với con cháu, bạn bè”, bà Tư bộc bạch. Hương sắn ngào đường thoang thoảng trong căn bếp nhỏ dường như cũng ngấm vào những ký ức xưa, trôi theo dòng tâm sự của bà.

Để làm được mẻ mứt sắn ngon, bà Tư cho biết phải cẩn thận từ khâu chọn nguyên liệu. Đó phải là sắn “3 trăng”, giống sắn đặc trưng của Huế còn có những tên gọi khác như sắn “3 tháng”, sắn tím, sắn bở hay sắn canh nông. Những củ sắn trắng nõn có lớp vỏ mầu tim tím, phần tinh bột dẻo bở, bùi. Muốn có món ăn ngon từ loại sắn này phải thu hoạch sắn sau khi trồng 3 tháng để chúng vừa, không quá to, vừa dẻo thơm khi luộc chín là đạt chuẩn. Sắn bóc vỏ, cắt lát mỏng, hấp qua lá dứa rồi đem chiên giòn và ngào đường. Những công đoạn ấy tưởng chừng đơn giản, nhưng đòi hỏi người làm phải kiên nhẫn và khéo léo. “Mứt sắn ngon phải ngọt thanh, giòn tan, không cháy khét. Ngào đường mà lửa không đều thì chỉ cần một chút lơ là là công sức bỏ đi”, bà Tư kể.

Nỗi niềm người giữ nghề

Con gái bà Tư, cô Đỗ Thị Tưởng là người duy nhất còn theo mẹ làm nghề. Hai mẹ con làm việc tất bật suốt gần 2 tháng cuối năm nhưng thu nhập chỉ vừa đủ mấy ngày Tết. “Người làm mứt truyền thống ngày càng ít đi, những món mứt dân dã như mứt sắn vì vậy cũng dần bị lãng quên, có chăng chỉ còn lờ mờ trong ký ức của một vài người”, cô Tưởng chia sẻ.

Số người làm mứt sắn ở Huế giờ đây đếm không hết trên một bàn tay. “Hồi xưa, nhà nào cũng làm mứt Tết. Giờ thì người ta mua sẵn ngoài chợ, tiện lợi mà đủ đầy. Chỉ những người già như tôi mới còn nhớ đến món mứt xưa cũ này”, bà Tư trầm ngâm.

Mỗi năm trôi qua dù tay chân đã chậm, bà Tư vẫn miệt mài với mẻ mứt “nhà nghèo” của mình. 3 tạ mứt sắn mỗi năm, bà chỉ bán một phần nhỏ cho khách quen, phần lớn để biếu tặng bà con, họ hàng. Những mẻ mứt được làm thủ công, không hương liệu, không chất bảo quản, nhưng lại đậm đà bởi bàn tay và tình yêu của người làm. “Một mai không còn tôi, liệu món mứt sắn này có còn ai nhớ đến?”. Câu hỏi của bà Tư như khói lửng lơ giữa gian bếp làm không khí thoáng chùng xuống.

“Phụ nữ Huế từ nhỏ đã được người lớn trong nhà chỉ dạy cách làm những món bánh, món mứt khác nhau. Đến ngày Tết, ai cũng biết làm một vài món vừa để dùng trong gia đình, vừa thể hiện sự khéo tay của mình. Thói quen làm mứt vào mỗi dịp Tết từ đó đến nay vẫn còn lưu giữ ở nhiều gia đình”, bà Tư cho biết.